Ý tưởng bỏ cơ chế chủ quản các trường ĐH đã có từ 10 năm nay nhưng nếu không quyết tâm thay đổi thì 10 năm tới vẫn chỉ là ý tưởng.
Vì sao các trường ngại xóa bộ chủ quản?
Ý tưởng bỏ cơ chế chủ quản các trường ĐH đã có từ 10 năm nay nhưng nếu không quyết tâm thay đổi thì 10 năm tới vẫn chỉ là ý tưởng.
Trường công sợ mất đầu tư
Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản 23% các trường ĐH
Năm 2006, khi triển khai Nghị quyết 14 về đổi mới toàn diện giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đề xuất xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường. Năm 2016, vấn đề này lại được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra khi làm việc tại TP.HCM vào tháng 6.
Vào năm 2006, Bộ GD-ĐT chủ quản 35 trên hơn 100 trường ĐH (35%), đến năm 2016, Bộ đã chủ quản 53 trường ĐH trên tổng số 234 ĐH trong cả nước (23%). Hiện có 30 bộ, ngành và 6 tỉnh, thành trực tiếp quản lý các ĐH công lập (chưa kể các trường quân đội, công an).
Hiệu trưởng một trường ĐH công khi được hỏi về việc xóa cơ chế cơ quan chủ quản của bộ đã dè dặt phát biểu: “Thực ra trường cũng muốn tự chủ nhưng phải sau khi bộ chủ quản của trường xây dựng xong cơ sở vật chất, cung cấp một số phòng thí nghiệm quan trọng. Việc gắn vào bộ cũng có nhiều thuận lợi như các trường thành viên được hưởng lợi khi gắn vào ĐH quốc gia vậy”.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH nghiên cứu cũng cho rằng những ĐH thuộc loại nghiên cứu cơ bản không thể có kết quả tức thời mà có tính lâu dài nên cần có sự đầu tư của nhà nước.
Như vậy về mặt tài chính, các ĐH công quen được cấp kinh phí nên cảm thấy “khó khăn” khi không còn được cấp kinh phí hằng năm hay được cấp ít đi vì lo sợ nếu tăng học phí trường sẽ khó tuyển sinh, nguồn thu không ổn định. Mặc dù các đơn vị sẽ tự hạch toán nhưng họ không được chủ động trong chi tiêu mà phải làm theo quy định của bộ làm các trường ngần ngại “tự chủ”.
Nếu xóa cơ chế chủ quản của bộ thì hội đồng trường sẽ là cơ quan chủ quản của trường ĐH. Vấn đề quan trọng nhất của tự chủ ĐH là tự chủ về nhân sự, bỏ bộ chủ quản có để các trường ĐH tự chủ về nhân sự được không?
Theo luật Giáo dục ĐH 2012 và điều lệ ĐH năm 2014 thì hội đồng trường là một chủ thể thực sự có quyền lực. Nếu tổ chức này mạnh thì quyền lực của các hiệu trưởng sẽ yếu đi và như vậy quyền lực tại ĐH công thay vì tập trung vào một cá nhân (hiệu trưởng) thì sẽ thuộc về tập thể. Vì vậy, về mặt tâm lý, một vài hiệu trưởng của các ĐH công chưa mặn mà với việc xóa cơ chế chủ quản cấp bộ. Cũng như trong hiện tại nhiều trường ĐH chưa có hội đồng trường hoặc có nhưng chưa phát huy hết trách nhiệm.
Trong hội nghị đánh giá việc triển khai thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập mà Văn phòng Chính phủ tổ chức tháng 3.2016 tại Hà Nội, các đơn vị liên quan vẫn ngại ngần trong việc đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản. Trường ĐH Công nghiệp dệt may (hoạt động thử nghiệm không có bộ chủ quản) đưa ra 9 nội dung kiến nghị để tháo gỡ khó khăn của trường trong đó có một khó khăn là do không có… bộ chủ quản.
Làm việc với cán bộ giảng dạy Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 7.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tăng cường vai trò tự chủ và tiến tới các trường ĐH không còn trực thuộc bộ nào.
Thực tế này cho thấy giống như nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long phát biểu vào năm 2006: “Bỏ cơ chế bộ chủ quản là tư duy mới về quản lý nhà nước đối với giáo dục ĐH. Tuy nhiên, một số quyền và lợi ích cục bộ sẽ mất đi, do vậy sẽ vấp phải sự phản ứng của những người ủng hộ cơ chế cũ”.
Ngại cơ chế “xin – cho”
Hiệu trưởng một trường ĐH tư từng phàn nàn về việc trên giấy tờ, nguyên tắc Bộ tuyên bố các ĐH tự chủ, nhưng các cục, vụ của Bộ vẫn còn “toàn quyền” quyết định các hoạt động học thuật của trường. Chẳng hạn có quyết định các trường tự in văn bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi mẫu in của trường thiết kế xong, gửi ra Bộ, “người của Bộ” lại có ý kiến về hình thức, sửa tới sửa lui và sau đó còn điện thoại nói rằng: “Theo ý kiến riêng của tôi thì logo trường chưa đúng”. Chỉ một việc nhỏ như thế các trường chỉ cần báo cáo cho Bộ biết, nhưng “người của Bộ” có quyền không đồng ý và không chấp nhận. Thế là nhà trường phải bỏ toàn bộ bằng cấp đã được in.
Đó chỉ là việc nhỏ trong muôn vàn cơ chế xin – cho đã và đang diễn ra, dù Bộ đề nghị xóa cơ chế cơ quan chủ quản hơn 10 năm nay.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu từng trường đại diện cho các nhóm vấn đề nêu lên những vướng mắc, trên cơ sở đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ ngay lập tức.
Những vấn đề đặt ra
Với tất cả “quyền lực” của bộ chủ quản như thế muốn “cởi bỏ” cần rà soát lại những thông báo từ trước đến nay để các trường hành xử đúng luật định. Cũng như cần có luật về trách nhiệm giải trình của các ĐH công và tư để giữ được tính chất trung thực trong giáo dục của các ĐH.
Việc Bộ nới lỏng hay xoá bỏ cơ chế chủ quản trong ĐH rất cần thiết trong hiện tại, đúng xu thế phát triển hội nhập tạo nên quyền tự chủ cho các ĐH hơn. Bộ chỉ nên làm chức năng thanh tra, kiểm định chất lượng ĐH chứ không phải quản lý từng việc tại ĐH. Đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, tư lệnh ngành giáo dục.
Như thế vấn đề được đặt ra là việc trao quyền tự chủ cho các ĐH công cũng như tư có thể được thực hiện ngay trong lúc này không, hay cần phải có quy trình, từng bước mà Bộ đã cho vài trường ĐH thử nghiệm trong hơn 10 năm qua? Nếu bỏ bộ chủ quản (trường hợp Bộ GD-ĐT) thì chỉ có thể giải phóng 53 trường mà Bộ đang là chủ quản, còn gần 2/3 trường khác như thế nào? Nếu theo luật Giáo dục ĐH 2012 khi lãnh đạo Bộ đề nghị xoá cơ quan chủ quản có nghĩa chỉ bộ này hay xoá hệ thống chủ quản của các bộ từ trung ương đến địa phương trong giáo dục ĐH? Khi ấy việc thi hành luật giáo dục ĐH sẽ như thế nào?
Có thể, trước khi có quyết định xoá cơ chế chủ quản, để các trường tự chủ hơn, Bộ cần có những văn bản sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy chế mà Bộ cảm thấy “đã chạm vào quyền tự chủ của các ĐH” trước kia, để các nhà đang quản lý ĐH công cũng như tư yên tâm là có đổi mới thực sự.