Trung Quốc gia tăng hành động sau phán quyết
Không chỉ công bố hình ảnh tập trận của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc còn lên tiếng doạ dẫm những nước kêu gọi tuân theo phán quyết về Biển Đông.
Trung Quốc gia tăng hành động sau phán quyết
Không chỉ công bố hình ảnh tập trận của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc còn lên tiếng doạ dẫm những nước kêu gọi tuân theo phán quyết về Biển Đông.
Ngày 15.7, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải hình ảnh tập trận của Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm.
Cụ thể, Tân Văn xã đăng tin, ảnh nói hạm đội này điều 4 tàu chiến đến “vùng biển lạ” tổ chức thành đội diễn tập truy tìm, cảnh báo và xua đuổi nhằm tăng cường kiểm soát biển. Trong đó có một số bức ảnh chụp khu trục hạm Hợp Phì bắn đạn thật hoặc cùng chiến đấu cơ diễn tập. Tàu Hợp Phì thuộc lớp khu trục hạm Type 052D, được quảng cáo là đối thủ của các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis của Mỹ. Hiện chỉ có Hạm đội Nam Hải đang sở hữu loại tàu này (4 chiếc).
Cùng ngày, Hạm đội Nam Hải tổ chức lễ tiếp nhận tàu tiếp tế tổng hợp Hồng Hồ sau khi tàu này đã xâm nhập phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
|
Ngoài hải quân, Trung Quốc tiếp tục phô trương lực lượng bằng đợt tập trận rầm rộ từ tháng 7 đến tháng 9 nhằm “tăng cường hoạt động xuyên khu vực” của lục quân, không quân và lực lượng hỗ trợ chiến lược, vừa được thành lập cuối năm ngoái.
Cũng theo Tân Hoa xã, vào sáng 14.7, giới chức của cái gọi là “TP.Tam Sa” ngang nhiên tổ chức diễn tập khẩn cấp tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa, với 13 tàu và 1 trực thăng tham gia tìm kiếm, cứu hộ và chữa cháy trên biển. Phó thị trưởng tự xưng của “TP.Tam Sa” Trần Nho Mậu lớn tiếng tuyên bố về kế hoạch “bình thường hoá” cuộc diễn tập phi pháp và sẽ mở rộng sang vùng biển xung quanh Trường Sa.
Cũng trong ngày 15.7, Hoàn Cầu thời báo hôm qua dẫn nội dung kế hoạch của Công ty công nghiệp hạt nhân quốc gia Trung Quốc cho hay nước này có thể xây dựng những nhà máy điện hạt nhân di động để “hỗ trợ kiểm soát hiệu quả Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV)”.
Lời đe doạ
Những thông tin dồn dập nói trên rõ ràng là nằm trong chuỗi hành động của Trung Quốc sau khi nước này bị Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò. Hôm 14.7, nước này tiếp tục thể hiện thái độ bất chấp luật pháp quốc tế khi tàu hải cảnh vẫn ngăn chặn tàu cá Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, theo Đài ABS -CBN. Phán quyết của PCA đã quy định ngư dân 2 nước đều có quyền đánh bắt trong khu vực 12 hải lý xung quanh Scarborough và bên này không được phép cản trở bên kia.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cấp tập đưa ra phản ứng doạ dẫm nhằm vào những bên kêu gọi tôn trọng phán quyết. Ngày 13.7, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo Bắc Kinh sẽ tổn hại thể diện và danh tiếng nếu phớt lờ kết quả vụ kiện. Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố nước này “bị sốc” và “quan hệ song phương sẽ bị tổn hại” nếu Úc tiếp tục hoạt động tuần tra bảo đảm tự do lưu thông ở Biển Đông, theo Đài ABC. Chưa hết, ông Lục còn lớn tiếng rằng Trung Quốc sẽ có “ứng phó quyết định” đối với bất kỳ ai có “mọi hành động khiêu khích chống lại những lợi ích an ninh” ở Biển Đông.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm qua lên tiếng bảo vệ tuyên bố của Ngoại trưởng Bishop: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuân theo phán quyết và xem đây là kết quả cuối cùng”.
Trong bài xã luận đăng cùng ngày, tờ The Japan Times (Nhật Bản) cũng nhấn mạnh: “Phán quyết dựa trên Công ước LHQ về luật Biển mang tính ràng buộc pháp lý là kết quả cuối cùng và không thể thay đổi. Bắc Kinh nên nghĩ lại rằng liệu thái độ không thoả hiệp của mình có hợp lý hay không nếu muốn trở thành một thành viên được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế”. Bài xã luận cũng kêu gọi ASEAN tăng tốc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Biển Đông phủ bóng ASEM
Đúng như dự đoán, vấn đề Biển Đông và các diễn biến hậu phán quyết là những chủ đề được nhắc đến liên tục trong các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) tại Mông Cổ. Ngày 15.7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định hội nghị cần thảo luận về Biển Đông. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề ASEM, Thủ tướng Abe cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh Nhật luôn đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp hoà bình dựa trên pháp quyền, theo Đài NHK. Đáp lại, ông Lý tiếp tục yêu cầu Nhật không “can thiệp” vào Biển Đông.
Bên cạnh đó, trang tin Rappler dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr tái khẳng định tại Mông Cổ rằng Manila tôn trọng phán quyết của PCA và kêu gọi các bên kiềm chế. Cùng ngày, EU ra tuyên bố nhấn mạnh rằng các thành viên khối này công nhận phán quyết của PCA, kêu gọi Philippines và Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, theo AFP.
Phó tổng thống Mỹ thăm tàu về từ Biển Đông
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua lên thăm tàu sân bay USS John Stennis, vừa về đến Hawaii sau chuyến tuần tra, hoạt động tại Biển Đông. Tờ Stars and Stripes dẫn lời ông khen ngợi thuỷ thủ đoàn đã góp phần vào củng cố những chuẩn mực và luật pháp quốc tế để duy trì ổn định và phồn thịnh. “Tôi được cho biết đây là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ có mặt trên một trong những tàu sân bay của chúng ta ở tây Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ tiếp tục hiện diện năng động ở khu vực”, ông Biden phát biểu trước thuỷ thủ trên tàu.
Trong diễn biến khác, hải quân Mỹ thông báo Tư lệnh tác chiến hải quân John Richardson ngày 17.7 sẽ bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Trung Quốc và sẽ có cuộc gặp với Tư lệnh hải quân nước chủ nhà Ngô Thắng Lợi, theo AFP. Giới quan sát dự đoán tình hình Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề nổi cộm trong chuyến thăm lần này.
|
Văn Khoa