Mỹ mở chiến dịch thầm lặng ở Biển Đông
Mỹ đang sử dụng chiến thuật ngoại giao âm thầm nhằm thuyết phục các nước châu Á tránh động thái quá khích sau phán quyết của Toà trọng tài thường trực bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý Trung Quốc vẽ ra.
Mỹ mở chiến dịch thầm lặng ở Biển Đông
Mỹ đang sử dụng chiến thuật ngoại giao âm thầm nhằm thuyết phục các nước châu Á tránh động thái quá khích sau phán quyết của Toà trọng tài thường trực bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý Trung Quốc vẽ ra.
Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ gần đây được điều đến tuần tra tại Biển Đông
VN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng pháp luật quốc tế
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14.7, trước câu hỏi về khả năng Trung Quốc sẽ có hành động gây căng thẳng sau phán quyết vừa qua của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình nhấn mạnh VN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có hành động làm phức tạp tình hình, duy trì hoà bình, ổn định an ninh ở Biển Đông.
Liên quan đến thông tin ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết, ông Lê Hải Bình cho biết việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và nhất là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Về thông tin ngày 12.7 Trung Quốc tuyên bố việc máy bay dân sự hạ cánh thành công xuống sân bay tại các đá Xu Bi, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VN và việc ngày 11.7, Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành 4 hải đăng và động thổ xây dựng hải đăng thứ 5 trên các đá thuộc quần đảo, ông Lê Hải Bình tiếp tục nhấn mạnh VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của VN.
Trả lời câu hỏi của Hãng tin AP về khả năng khởi kiện Trung Quốc, ông Lê Hải Bình nêu rõ VN chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Cũng tại họp báo, ông Lê Hải Bình đã cho biết một số nội dung chính trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao VN gửi Toà trọng tài (liên quan đến vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc) ngày 5.12.2014. Tại tuyên bố này, VN bày tỏ ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của UNCLOS 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các biện pháp hoà bình. VN đồng thời bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của VN ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền, lợi ích tại các vùng biển được xác định theo công ước. Cũng tại tuyên bố này, VN mong toà giải thích và áp dụng các quy định liên quan của công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. VN đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của VN ở Biển Đông và VN sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của VN trước việc Tổ chức Ân xá quốc tế ra báo cáo về tình hình trại giam tại VN, ông Lê Hải Bình khẳng định các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là hoàn toàn sai sự thật. Theo ông Lê Hải Bình, chính sách nhất quán của VN là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp Hiến pháp VN và chuẩn mực quốc tế.
Trường Sơn (ghi)
|
Nhiều thành viên ASEAN e ngại
Đó là một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế ngày 14.7, khi nhận xét với Thanh Niên về thông tin ASEAN sẽ không đưa ra tuyên bố chung đối với phán quyết ngày 12.7 do PCA đưa ra. Giáo sư James Holmes (chuyên gia của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ): Một tổ chức chỉ có thể đưa ra tuyên bố chung khi đạt được đồng thuận của các thành viên. Nhưng đáng tiếc là ASEAN khó có thể đưa ra một quyết định như thế trước Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser (Cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ): Sau những gì xảy ra ở Côn Minh (ý nói cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại TP.Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc), thì không có gì bất ngờ với việc ASEAN không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của PCA. Tuy nhiên, đây là phán quyết dựa trên luật quốc tế, tôi tin rằng Trung Quốc không thể hoàn toàn phớt lờ. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore): ASEAN đưa ra tuyên bố dựa trên sự đồng thuận, nên không thể có tuyên bố chung khi nước thành viên là Campuchia không dưới một lần cho biết sẽ từ chối đồng ý một công bố chung của ASEAN về phán quyết của PCA. Nếu cố tạo áp lực để đạt được đồng thuận thì ngược lại sự chia rẽ càng lớn hơn. Tiến sĩ Satoru Nagao (chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản): Có thể nhiều thành viên trong ASEAN biết rằng đây là cơ hội để tạo ra sự đồng thuận. Nhưng cũng có các thành viên lo ngại khi thấy rằng không có lực lượng “thi hành án” thực thi phán quyết. Vì thế, những thành viên lo ngại sẽ muốn chờ đợi thái độ của một số bên, như Mỹ. Tiến sĩ Patrick Cronin (Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới): Các thành viên ASEAN có quan hệ bất đối xứng trong vấn đề về Biển Đông. Tuy nhiên, khối này cần phải đạt được đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như phán quyết của PCA, bởi những nền tảng như thế giảm thiểu nguy cơ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. Ngô Minh Trí
(thực hiện) |
Trùng Quang