06/01/2025

Tên lửa Indonesia hướng về Biển Đông

Indonesia dự kiến triển khai hệ thống tên lửa đối không trên Biển Đông giữa lúc Trung Quốc đang có nhiều hành động đáng quan ngại.

 

Tên lửa Indonesia hướng về Biển Đông

Indonesia dự kiến triển khai hệ thống tên lửa đối không trên Biển Đông giữa lúc Trung Quốc đang có nhiều hành động đáng quan ngại.



Hãng thông tấn Sputnik (Nga) ngày 7.4 dẫn một số nguồn tin tiết lộ Indonesia đang có kế hoạch triển khai tên lửa đối không Oerlikon Skyshield ở quần đảo Natuna trên Biển Đông.
Được cung cấp bởi Công ty Oerlikon Contraves (Thụy Sĩ) thuộc Tập đoàn vũ khí Rheinmetall (Đức), Oerlikon Skyshield chính xác là hệ thống pháo phản lực phòng không đa nòng có cỡ đạn 35 mm. Dù chỉ là hệ thống phòng không tầm ngắn, nhưng nhờ vào kỹ thuật tác chiến điện tử, khoá mục tiêu có độ chính xác cao và có khả năng bắn 1.000 phát mỗi phút, nên hệ thống Oerlikon Skyshield được đánh giá rất cao về khả năng cận chiến.
 
 

 

Vị trí quần đảo Natuna nơi Indonesia dự định đặt tên lửa Oerlikon Skyshield - Đồ họa: Ngô Minh Trí

Vị trí quần đảo Natuna nơi Indonesia dự định đặt tên lửa Oerlikon Skyshield – Đồ họa: Ngô Minh Trí

Lo xa không thừa
Cuối năm ngoái, tờ The Washington Times dẫn lời ông Hồng Lỗi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định: “Trung Quốc không tranh chấp với Indonesia về chủ quyền đối với quần đảo Natuna”. Tuy nhiên, tuyên bố trên không đủ để khiến Jakarta an tâm. Đó là vì dù không tranh chấp Natuna, nhưng khu vực “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông lại “liếm sát” quần đảo này.
 
 
Tên lửa Indonesia hướng về Biển Đông - ảnh 2
Rõ ràng, các nước trong khu vực ASEAN đang tăng cường phòng thủ khi Trung Quốc liên tục xâm nhập vào ngư trường của các nước lân cận. Jakarta rất tức giận khi vùng biển của họ gần đây bị Bắc Kinh xâm phạm

Tên lửa Indonesia hướng về Biển Đông - ảnh 3
 
Giáo sư Richard Javad Heydarian
 
Chính vì thế, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Indonesia muốn được hưởng lại nằm trong khu vực “đường lưỡi bò”. Chính vì thế, Jakarta có lý do để lo ngại lợi ích bị xâm hại trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục có nhiều hành vi gây căng thẳng trong khu vực. Hồi tháng 3, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Indonesia và đụng độ với tàu nước chủ nhà.
Cũng trong ngày 7.4, bình luận với Thanh Niên về diễn biến trên, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng: “Động thái của Indonesia không gây đe doạ”. Tuy nhiên, tiến sĩ Koh cũng nhận định: “Đây cũng có thể xem là một tín hiệu chính trị về quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền của nước này đối với quần đảo Natuna”.
Cùng ngày, trả lời Thanh Niên, Giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Salle (Philippines), nhận định: “Rõ ràng, các nước trong khu vực ASEAN đang tăng cường phòng thủ khi Trung Quốc liên tục xâm nhập vào ngư trường của các nước lân cận. Jakarta rất tức giận khi vùng biển của họ gần đây bị Bắc Kinh xâm phạm. Thậm chí, Indonesia còn đe doạ xem xét lại quan hệ với Trung Quốc”.
Chống “trộm”
Thực tế, không chỉ triển khai tên lửa đối không, Jakarta còn tăng cường sức mạnh không quân ở quần đảo Natuna. Ngày 31.3, sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định với Hãng tin Bloomberg rằng Jakarta sẽ triển khai 5 chiến đấu cơ F-16, lực lượng thủy quân lục chiến, đặc nhiệm không quân, 3 tàu hộ tống, 1 đơn vị pháo binh, hệ thống radar và máy bay không người lái.
Bộ trưởng Ryacudu tuyên bố: “Natuna là cửa ngõ, nếu không giữ vững thì trộm sẽ vào nhà”.
Củng cố cho tuyên bố của ông Ryacudu, Sputnik đưa tin Indonesia đang theo đuổi kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho không quân để đảm bảo khả năng bổ sung một phi đội chiến đấu cơ tại quần đảo Natuna. Cụ thể, Jakarta dự kiến chi 91 triệu USD để hoàn thành nhà chứa máy bay đủ cho 8 chiến đấu cơ đa nhiệm vào năm 2019.
Trao công hàm phản đối Trung Quốc
Về việc giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc từ tối 3.4 đi vào vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua cho biết chiều 5.4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối hành động này của Trung Quốc. “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi khu vực này”, ông Bình tuyên bố.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho biết công hàm phản đối việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được trao cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào chiều 7.4.
Trường Sơn

Ngô Minh Trí