Trung Quốc thử 2 đường băng phi pháp ở Trường Sa, rộ tin ‘báo động tác chiến’
Trung Quốc ngang nhiên điều máy bay phi pháp ra quần đảo Trường Sa của VN ngay trong thời điểm có phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Trung Quốc thử 2 đường băng phi pháp ở Trường Sa, rộ tin ‘báo động tác chiến’
Trung Quốc ngang nhiên điều máy bay phi pháp ra quần đảo Trường Sa của VN ngay trong thời điểm có phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Ngày 12.7, một máy bay Cessna CE-680 của Trung Quốc ngang nhiên bay thử nghiệm trên 2 đường băng do nước này xây dựng phi pháp trên đá Vành Khăn và đá Xu Bi nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Tân Hoa xã khoe rằng chiếc CE-680 từ Trung tâm kiểm tra chuyến bay thuộc Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc bay qua lại giữa 2 đường bay mới và chúng sẽ cung cấp thêm điểm hạ cánh trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc còn ngụy biện rằng 2 đường bay mới có thể xử lý các chuyến bay dân sự và tạo điều kiện cho việc vận chuyển, cứu hộ khẩn cấp và dịch vụ y tế.
Trong đó, đường băng trên đá Vành Khăn được cho là dài 2.644 m còn đường băng trên đá Xu Bi dài 3.250 m. Cuối năm ngoái và đầu tháng 1.2016, Trung Quốc cũng đã ngang nhiên cho máy bay dân sự thử đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập. Giới chuyên gia cho rằng các đường băng phi pháp này đủ cho tất cả các loại chiến đấu cơ hoạt động và có thể là một phần trong kế hoạch lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Hành động phi pháp mới của Trung Quốc diễn ra ngay trong ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông cũng như những hành động vi phạm luật pháp quốc tế khác, bao gồm xây dựng, bồi đắp những thực thể ở Trường Sa. Vì thế, vụ thử không những rõ ràng vi phạm chủ quyền của VN mà còn thể hiện sự ngang nhiên bất chấp pháp luật và thái độ thách thức về kết luận của tòa.
Rộ tin “báo động tác chiến”
Trong lúc đang có nhiều cảnh báo về phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết, trang Bác Văn xã của nước này dẫn nguồn giấu tên loan tin Quân ủy trung ương Trung Quốc đã ra lệnh đặt toàn quân trong tình trạng báo động cấp 2.
Riêng Chiến khu miền Nam (quản lý các tỉnh, khu vực như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Vân Nam) và hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược cùng đặt trong tình trạng báo động cấp 1 trong khi Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, lực lượng tên lửa và không quân cũng sẵn sàng tác chiến.
Ngoài ra, tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” DF-21D được triển khai tới Chiến khu miền Nam, còn Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải điều nhiều khu trục hạm và hộ vệ hạm gia nhập, tập trận với Hạm đội Nam Hải. Ba hạm đội Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận phóng tên lửa phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN từ ngày 5 – 11.7, đúng một ngày trước khi PCA ra phán quyết cho vụ kiện.
Nguồn tin còn tiết lộ với Bác Văn xã rằng sau khi cuộc tập trận kết thúc, Tư lệnh Chiến khu miền Nam Vương Giáo Thành và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi sẽ theo tàu chiến đến Trường Sa VN để “chỉ huy ứng biến”.
Bên cạnh đó, nhiều trang mạng, diễn đàn Trung Quốc loan tin sĩ quan về hưu và binh sĩ xuất ngũ đã được triệu tập tác chiến. Chính quyền Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về những thông tin trên. Tuy nhiên, ngày 12.7, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, nhấn mạnh trong những cuộc tập trận trước đây đều có binh sĩ xuất ngũ, sĩ quan về hưu tham gia và trong trường hợp xảy ra xung đột thì chắc chắn họ sẽ được triệu tập.
Chưa hết, đúng vào thời điểm nhạy cảm này, Hạm đội Nam Hải hôm qua tổ chức lễ tiếp nhận khu trục hạm tên lửa Type 052D thứ tư mang tên Ngân Xuyên. Tàu Type 052D là khu trục hạm tối tân của Trung Quốc được trang bị tên lửa diệt hạm và hiện chỉ có Hạm đội Nam Hải vận hành loại tàu này, theo website Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Văn Khoa