Trung Quốc, Đài Loan xâm phạm Trường Sa
Sau phán quyết của toà án quốc tế bác bỏ đường lưỡi bò, Trung Quốc và Đài Loan lần lượt điều máy bay, tàu chiến đến Trường Sa, giữa lúc Bắc Kinh doạ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền”.
Trung Quốc, Đài Loan xâm phạm Trường Sa
Sau phán quyết của toà án quốc tế bác bỏ đường lưỡi bò, Trung Quốc và Đài Loan lần lượt điều máy bay, tàu chiến đến Trường Sa, giữa lúc Bắc Kinh doạ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền”.
Ngày 13.7, Trung Quốc tung ra những lời doạ dẫm nhằm vào Mỹ và các nước khác, đồng thời tiếp tục có hành động vi phạm chủ quyền VN đối với quần đảo Trường Sa nhằm phản ứng với phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA).
ADIZ và tàu chiến
Hôm qua 13.7, Trung Quốc tiếp tục thách thức dư luận và luật pháp quốc tế khi điều thêm máy bay đến các sân bay do nước này xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Tân Hoa xã ngang nhiên đưa tin 2 máy bay dân dụng của 2 hãng China Southern Airlines và Hainan Airlines đã đáp xuống 2 đường băng trên các thực thể Vành Khăn và Xu Bi trước khi bay trở lại nơi xuất phát là đảo Hải Nam. Một ngày trước đó, 1 máy bay Cessna CE-680 của Trung Quốc đã ngang nhiên bay thử nghiệm tại 2 đường băng nói trên ngay trong thời điểm có phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Việc Trung Quốc điều máy bay đến Trường Sa diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh dọa dẫm rằng nước này có thể sẽ thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phi pháp ở Biển Đông. Theo AFP, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh ngày 13.7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân mô tả phán quyết của PCA là “mớ giấy rác”. Ông này nguỵ biện rằng Bắc Kinh đang nhắm đến việc biến Biển Đông thành “vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác” và cảnh báo các nước đừng biến vùng biển này thành “cái nôi chiến tranh”.
Tuy nhiên, cũng tại buổi họp báo, ông Lưu đã đề cập khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông. “Về việc Trung Quốc có lập ADIZ ở Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông – NV) hay không, đầu tiên chúng tôi cần phải nói rõ rằng Trung Quốc có quyền đó… Tuy nhiên, việc thiết lập sẽ phụ thuộc vào mức độ đe doạ mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng các nước không nhân cơ hội này mà đe doạ Trung Quốc”, ông này tuyên bố.
Cũng tại họp báo, ông Lưu cũng ngang ngược bôi nhọ 5 thẩm phán của PCA khi tuyên bố có thể họ “đã bị chi phối bởi tiền bạc” nên mới đưa ra phán quyết chống lại Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải còn thẳng thừng hơn: “Chắc chắn nó sẽ làm gia tăng xung đột và thậm chí đối đầu”.
Không chỉ Trung Quốc đại lục, Đài Loan cũng đã có hành động vi phạm chủ quyền VN sau phán quyết. Theo tờ South China Morning Post, lãnh đạo Thái Anh Văn ngày 13.7 đã lên tàu hộ vệ Địch Hoá thuộc lớp Khang Định, độ choán nước 3.600 tấn, và phát biểu với lực lượng trên tàu trước khi tàu này được điều đi tuần tra bảo vệ cái gọi là “lãnh thổ Đài Loan” ở Ba Bình thuộc Trường Sa. Hành động này diễn ra sau khi PCA phán quyết Ba Bình “chỉ là đảo đá”, qua đó bác bỏ đòi hỏi của Đài Bắc về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Tuy nhiên, South China Morning Post dẫn lời bà Thái tuyên bố thêm là “sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình”.
Dọa dẫm trả đũa
Cùng ngày, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã công bố Sách trắng có tựa đề Trung Quốc giữ vững quan điểm giải quyết tranh chấp với Philippines ở Nam Hải thông qua đàm phán. Trong văn bản này, Bắc Kinh tiếp tục luận điệu có “quyền lịch sử”, vốn đã bị PCA bác bỏ, đối với các đảo ở Biển Đông và coi tuyên bố chủ quyền của Manila là “không có cơ sở”. Sách trắng của Trung Quốc cáo buộc Philippines “không để mắt đến việc tìm kiếm sự đồng thuận song phương và liên tục thực hiện những bước đi làm phức tạp các cuộc tranh chấp” và khẳng định Trung Quốc “sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết”.
Truyền thông Trung Quốc ngày 13.7 cũng tham gia chỉ trích mạnh mẽ phán quyết, đồng thời đe doạ nước này sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa. Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong bài xã luận trên trang nhất: “Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích trên biển”. Tờ này viết một cách cay cú rằng PCA là “đầy tớ của một số thế lực bên ngoài” và sẽ được nhớ đến như một “trò cười trong lịch sử nhân loại”. Tân Hoa xã cho rằng phán quyết của PCA dựa trên “những chứng cứ yếu ớt đáng thương”. China Daily, một tờ báo lớn khác của Trung Quốc, cảnh báo “phán quyết một phía sẽ làm tăng khả năng đối đầu”. Như thường lệ, Hoàn Cầu thời báo tỏ ra hung hăng nhất khi viết rằng sự gia tăng sức ép về chính trị hoặc quân sự của Mỹ, vốn bị Trung Quốc coi là “quân sư” của vụ kiện chống Bắc Kinh, sẽ khiến người Trung Quốc “mạnh mẽ ủng hộ chính phủ tung đòn trả đũa”.
Philippines kêu gọi kiềm chế
Về phía nguyên đơn, Philippines tuy phản ứng thận trọng khi kêu gọi “kiềm chế và bình tĩnh”, song không khí tại cuộc họp nội các của Tổng thống Rodrigo Duterte được mô tả là “lạc quan”. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tiết lộ ông đã nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter trước khi phán quyết được công bố và được phía Mỹ cho biết Trung Quốc đã trấn an rằng “sẽ kiềm chế” còn Washington cũng cam kết giữ một thái độ tương tự. Cam kết này thể hiện trong các phát biểu của giới chức ngoại giao và quân sự Mỹ sau phán quyết.
Hôm qua 13.7, ông Daniel Kritenbrink, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama về chính sách đối với châu Á, khẳng định Mỹ không có ý định làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông để lấy cớ can dự vào khu vực này như cáo buộc của Bắc Kinh. “Chúng tôi có lợi ích lâu dài khi chứng kiến các tranh chấp lãnh thổ và biển ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm tại Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình, không có ép buộc và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông nói.
Trong khi đó, tờ The Washington Post đưa tin giới quân đội Mỹ dù phản bác hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc nhưng vẫn chủ trương tránh làm leo thang căng thẳng. Tờ báo dẫn lời một quan chức nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục “làm điều đang làm”, đó là kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp cùng nỗ lực giải quyết tranh chấp trong bình tĩnh và dựa trên lý lẽ.
Bên cạnh đó, theo Reuters, cả 2 ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hoà, đều đã lên tiếng về phán quyết ngày 12.7. Bà Clinton hôm qua hoan nghênh phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của vùng biển này đối với nền kinh tế Mỹ. Cùng ngày, ông Peter Navarro, cố vấn về Trung Quốc của tỉ phú Trump, cho biết ứng viên này kêu gọi tất cả các bên tôn trọng phán quyết. Úc cảnh báo Trung Quốc về “cái giá uy tín phải trả” nếu phớt lờ phán quyết. “Trung Quốc đang tìm cách trở thành nước lãnh đạo khu vực và toàn cầu và cần quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Điều đó cực kỳ hệ trọng đối với sự vươn lên của nước này”, Ngoại trưởng Julie Bishop nói với Đài ABC. Bà cũng khẳng định tàu và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
Đang ở thăm Bắc Kinh nhân dịp Hội nghị Cấp cao EU – Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Donald Tusk nói EU hoàn toàn tin tưởng vào PCA và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để tạo ra động lực tích cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông.
Phản ứng của một số nước ASEAN
Sau tuyên bố hoan nghênh việc PCA ra phán quyết cuối cùng của VN, một số thành viên ASEAN khác cũng đã có phản ứng riêng. Theo Reuters, Singapore tuyên bố ghi nhận phán quyết của PCA và đang nghiên cứu kỹ nội dung cũng tác động từ phán quyết đối với nước này và toàn khu vực, còn Bộ Ngoại giao Malaysia bày tỏ tin tưởng “mọi bên có thể giải quyết hoà bình tranh chấp bằng cách tôn trọng triệt để các tiến trình ngoại giao và pháp lý, luật pháp quốc tế liên quan và UNCLOS 1982”. Thái Lan và Indonesia đều ra thông cáo kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hiện giới quan sát đang chờ đợi khả năng ASEAN ra tuyên bố chung của khối về phán quyết. Trả lời Thanh Niên, giáo sư về an ninh và chính trị Đông Nam Á thuộc Trường Chiến tranh quốc gia (Mỹ) Zachary Abuza cho rằng các bên trong khu vực cần ủng hộ ASEAN để có được đồng thuận liên quan đến một phản ứng chung.
H.G
|
Thế khó ở Bắc Kinh
Giới chuyên gia và dư luận quốc tế tiếp tục bình luận về các diễn biến xung quanh phán quyết, đặc biệt là phản ứng của Trung Quốc.
Trong phân tích độc quyền cho Thanh Niên, cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans, hiện là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Úc, viết: “Trong phán quyết với ngôn từ mạnh mẽ hơn mong đợi, toà án đã đập tan cơ sở của tuyên bố và quan niệm cho rằng Biển Đông là ao nhà của Trung Quốc”. Theo ông, phán quyết cũng cho thấy Trung Quốc không có bất cứ quyền nào trong việc bồi đắp, xây dựng trên các thực thể ở quần đảo Trường Sa. Chuyên gia này cũng khẳng định thậm chí trong trường hợp mọi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đều được công nhận thì chúng cũng không đủ cơ sở để gom gần trọn Biển Đông vào yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”.
Tương tự, trong bài xã luận nhan đề Trung Quốc không thể tự áp đặt luật lệ tại Biển Đông, tạp chí Forbes nhận định: “Phán quyết đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể tự vẽ ra luật lệ hàng hải của chính mình tại Biển Đông hoặc kiểm soát các luồng chảy thương mại đi qua một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới”.
Về những phản ứng tiếp theo, hầu hết chuyên gia đều có chung nhận định là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa hành động gây thêm căng thẳng, phớt lờ phán quyết và chấp nhận hậu quả tổn hại nặng nề về uy tín, ngoại giao… hoặc bị chỉ trích bởi các thế lực chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước. Hiện, giới truyền thông nước này và một lực lượng khổng lồ thuộc nhiều tầng lớp như sinh viên, công chức, nghệ sĩ… đều tỏ thái độ phản bác cực kỳ hung hăng sau phán quyết. Thậm chí, AFP dẫn các nguồn tin trong nước tiết lộ giới hữu trách đã phải kiểm duyệt các tuyên bố quá hiếu chiến trên mạng. Theo chuyên gia Euan Graham thuộc Viện Lowy (Úc), chính sách thổi phồng chủ nghĩa dân tộc và các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về cái gọi là chủ quyền Biển Đông lại đang đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó.
Ngược lại, nếu tiếp tục bác bỏ phán quyết và có hành động khiêu khích, gây thêm căng thẳng thì Bắc Kinh sẽ tự biến mình thành “kẻ ngoài vòng pháp luật”. “Trung Quốc đang hướng tới tham gia định hình các thể chế quốc tế và đã đóng vai trò dẫn dắt trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, uy tín, thể diện và vị thế của Trung Quốc sẽ đổ sông đổ biển nếu dư luận thấy rằng nước này đi ngược lại luật pháp và nền tảng quốc tế”, chuyên gia Tạ Diễm Mai thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) nói với AFP. Về lâu dài, việc một uỷ viên thường trực HĐBA LHQ lại ngang nhiên đạp lên các tiêu chuẩn và quy định của chính LHQ sẽ khiến mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc suy yếu và tổn hại nặng nề các mục tiêu chiến lược.
Tương tự, Đài CNBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh: “Trung Quốc buộc phải lưu ý cách nhìn nhận của các nước khác trên thế giới về tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và đánh giá của toàn cầu về bản thân nước này”, ông nói. Chuyên gia người Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh cũng thừa nhận một phản ứng quân sự sẽ khiến Trung Quốc ngày càng đóng cửa với thế giới.
Thuỵ Miên
|
Trùng Quang