Toà trọng tài phán quyết: Đường lưỡi bò vô giá trị
Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) chiều 12-7 đã công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết dài gần 500 trang sau hơn ba năm thụ lý vụ kiện.
Toà trọng tài phán quyết: Đường lưỡi bò vô giá trị
Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) chiều 12-7 đã công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết dài gần 500 trang sau hơn ba năm thụ lý vụ kiện.
Phản ứng của người dân Philippines sau khi Toà trọng tài phán quyết đường lưỡi bò của Trung Quốc (ảnh nhỏ) vô giá trị – Ảnh: Reuters |
Nội dung kết quả phán quyết được tóm gọn trong bản thông cáo báo chí do Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan công bố cùng ngày, với điểm nhấn là bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không có cơ sở pháp lý về quyền lịch sử
Tòa đã ra phán quyết về năm điểm chính theo hồ sơ Manila khởi kiện Bắc Kinh. Về Quyền lịch sử và “đường chín đoạn”, Toà trọng tài nhấn mạnh rằng mặc dù hai nhà thám hiểm và các ngư dân Trung Quốc, cũng như những người của các quốc gia khác, về mặt lịch sử đã sử dụng các hòn đảo tại Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực thi việc kiểm soát độc quyền về mặt lịch sử đối với các vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Toà trọng tài kết luận không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong các khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”.
Về trạng thái của các thực thể, toà xem xét liệu có bất cứ thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách (ở Biển Đông) có thể tạo ra các khu vực hàng hải ngoài 12 hải lý hay không. Theo UNCLOS, các hòn đảo tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng “các bãi đá không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Cũng theo quy định của UNCLOS, các thực thể nằm trên mực nước biển khi thuỷ triều cao sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý đối với ít nhất vùng lãnh hải 12 hải lý, trong khi các thực thể chìm khi thủy triều cao không có.
Tàu Trung Quốc và Philippines trong một lần chạm trán trên biển – Ảnh: AFP |
Trung Quốc gây thiệt hại không thể sửa chữa được
Tòa cũng cho rằng không có thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách (ở Biển Đông) có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế.
Về tính hợp pháp của các hành động của Trung Quốc, Tòa trọng tài thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ bằng cách (a) ngăn cản việc đánh bắt cá và khảo sát dầu của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) thất bại trong việc ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong khu vực.
Toà trọng tài cũng cho rằng ngư dân Philippines (cũng như ngư dân Trung Quốc) có quyền đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough và Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này trong việc giới hạn tiếp cận. Tòa trọng tài còn cho rằng các tàu chấp pháp Trung Quốc đã có hành động bất hợp pháp, tạo ra nguy cơ va chạm nguy hiểm khi họ cản trở các tàu Philippines.
Cuối cùng về leo thang tranh chấp, Toà trọng tài xem xét liệu các hành động của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu Toà trọng tài có làm tranh chấp giữa các bên tệ hơn hay không. Tòa trọng tài thấy rằng họ thiếu thẩm quyền để xem xét các hàm ý của đối đầu giữa hải quân Philippines với các tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng tranh chấp này liên quan tới các hoạt động quân sự và vì vậy nằm ngoài việc giải quyết bắt buộc.
Tuy nhiên, Tòa trọng tài thấy rằng việc cải tạo hạ tầng quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc là không phù hợp với các nghĩa vụ của một quốc gia trong suốt các quá trình giải quyết tranh chấp, các hành động của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại không thể sửa chữa đối với môi trường hàng hải, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá hủy bằng chứng về tình trạng tự nhiên của các thực thể tại Biển Đông vốn tạo thành một phần của tranh chấp giữa các bên.
Phá hoại môi trường biển
Liên quan đến thiệt hại tới môi trường biển, Toà trọng tài xem xét tác động đối với môi trường biển từ việc cải tạo hạ tầng quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc tại bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa. Toà thấy rằng Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và vi phạm các nghĩa vụ về bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh và môi trường sống của các loài sinh vật đang suy giảm, bị đe doạ hoặc đang trong tình trạng nguy cấp.
Toà trọng tài cũng thấy rằng chính quyền Trung Quốc đã biết về việc ngư dân Trung Quốc khai thác với quy mô lớn các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ đang nguy cấp tại Biển Đông (sử dụng các phương pháp gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô) và không thực hiện các nghĩa vụ phải dừng các hành động như vậy.
Hi vọng phán quyết mở ra cơ hội đàm phán Ngay khi sau Tòa trọng tài công bố phán quyết, những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân Philippines đã reo hò ở các quán cà phê, nhà hàng, nơi công cộng khắp thủ đô Manila. Cô Nikkon Dizon, một nhà báo đang làm việc ở quê nhà Manila, chia sẻ với tư cách là một công dân Philippines rằng đây là một quyết định quan trọng và lịch sử đối với Philippines. “Chúng tôi đứng về phía công lý. Chúng tôi tôn trọng tính pháp quyền. Tôi hi vọng quyết định của toà sẽ được các bên tôn trọng và được tuân thủ vì lợi ích của người dân hai nước” – cô Nikkon chia sẻ. Trong khi đó, anh Chino Leyco – phóng viên kinh tế của tờ Manila Bulletin - cho biết anh rất vui sau khi toà tuyên bố phán quyết. Tuy nhiên, anh Leyco cho rằng phán quyết này sẽ không tạo ra được giải pháp lập tức giải quyết các tranh chấp đang diễn ra giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. “Tôi hi vọng phán quyết này sẽ mở rộng cánh cửa cho đàm phán giữa hai bên và củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân hai nước” – Leyco nói. |
Philippines hoan nghênh, Trung Quốc bác bỏ Ngay khi Toà trọng tài thường trực tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines nói ông hoan nghênh kết quả phán quyết. Tại cuộc họp báo ở Philippines, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết Philippines tôn trọng quyết định của Toà trọng tài và phán quyết này hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế. “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế – ông Yasay nói – Philippines khẳng định mạnh mẽ rằng chúng tôi tôn trọng quyết định cột mốc này và xem phán quyết của Toà trọng tài đóng góp vào những nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”. Tuy nhiên, Trung Quốc cùng ngày tuyên bố bác bỏ phán quyết, khẳng định các đảo nhân tạo mà nước này xây trên Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và tiếp tục luận điệu cũ rằng người Trung Quốc đã có mặt ở đây hơn 2.000 năm trước. Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh có chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông và tuyên bố này của Trung Quốc phù hợp với luật lệ quốc tế. Trước đó, người phát ngôn Lục Khảng của Trung Quốc cũng mỉa mai “cái gọi là phiên toà phân xử ngay từ đầu đã được thiết lập trên cơ sở hành động trái luật của Philippines. Sự tồn tại của nó đã bất hợp pháp thì bất cứ phán quyết nào của nó cũng vô giá trị”. |
Không quốc gia nào coi thường phán quyết của tòa quốc tế Trong lịch sử giải quyết tranh chấp quốc tế, hầu như không có trường hợp nào các quốc gia hoàn toàn coi thường các phán quyết của các tòa án. Một trong những ví dụ hiếm hoi liên quan đến quốc gia bị đơn dứt khoát tuyên bố rằng họ sẽ không tuân thủ phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp là vụ Nicaragua kiện Mỹ trước Toà án công lý quốc tế (ICJ). Tuy vậy, cho dù sự tuân thủ lập tức và đầy đủ có thể không đạt được ngay lập tức thì cũng có nhiều con đường khác nhau để các quốc gia liên quan có thể viện dẫn phán quyết để đảm bảo tính “công minh” và “ràng buộc” của luật pháp quốc tế. Quá trình tuân thủ phán quyết thậm chí có thể kéo dài nhiều năm sau khi phán quyết được đưa ra. Ngay trong vụ Nicaragua và Mỹ cho thấy Mỹ dần dần tìm cách tiệm cận với phán quyết của toà theo các cách thức riêng của họ. |
Việt Nam sẽ ra tuyên bố riêng Trong bản thông cáo phát ra cùng ngày về phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa trọng tài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Toà trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7 và Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Toà trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương” – ông Lê Hải Bình nêu rõ. Người phát ngôn Lê Hải Bình thông tin thêm nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thuỷ và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Xem toàn bộ diễn biến vụ kiện:
Diễn biến vụ kiện |