10/01/2025

Rủi ro giấc mộng định cư Mỹ: Tiền mất, thất nghiệp…

Vì chương trình định cư theo dạng đầu tư EB-5 đòi hỏi số tiền quá lớn nên thời gian gần đây, các công ty tư vấn chuyển hướng gợi ý những người muốn định cư ở Mỹ làm hồ sơ theo dạng lao động như EB-3.

 

Rủi ro giấc mộng định cư Mỹ: Tiền mất, thất nghiệp…

Vì chương trình định cư theo dạng đầu tư EB-5 đòi hỏi số tiền quá lớn nên thời gian gần đây, các công ty tư vấn chuyển hướng gợi ý những người muốn định cư ở Mỹ làm hồ sơ theo dạng lao động như EB-3.




Mức phí dịch vụ chương trình EB-3 hơn 1 tỉ đồngẢNH: M.P


Thế nhưng, cũng như EB-5, chi phí và mức độ rủi ro của dạng định cư này hết sức lớn.
Nhân viên công ty tư vấn T. tại Q.3 (TP.HCM) cho biết hiện nay công ty chỉ nhận tư vấn và làm hồ sơ cho lao động phổ thông sang Mỹ (EB-3) vì hồ sơ đi Úc hay Canada dạng lao động tay nghề cao điều kiện quá khắt khe, như cần bằng cấp của các nước phát triển nên ít người Việt đáp ứng được. Hơn nữa, thủ tục làm hồ sơ các nước này cũng mất rất nhiều thời gian, thậm chí đến 7 – 8 năm. Trong khi đó, chương trình EB-3 của Mỹ có thời gian làm hồ sơ ngắn hơn, chỉ từ 24 – 30 tháng hoặc thậm chí còn sớm hơn. Vì vậy, cô nhân viên này khuyên khách hàng nên tham gia chương trình EB-3 để sớm có cơ hội định cư cho bản thân và cả gia đình.
“Hồ sơ lao động phổ thông dạng EB-3 chỉ yêu cầu khách hàng không có tiền án tiền sự, không mắc các bệnh truyền nhiễm, chưa từng vi phạm luật nhập cư Mỹ và không yêu cầu chứng minh tài chính hay bằng cấp. Vì vậy, EB-3 là cơ hội cao nhất, dễ nhất cho gia đình muốn định cư tại nước ngoài”, cô nhân viên này quảng bá.
Phí môi giới hơn 1 tỉ đồng
Cũng theo nhân viên này giới thiệu, công ty T. đang tuyển dụng lao động cho một nhà máy chế biến thịt với mức lương 22.949,33 USD/năm, tương đương 1.912 USD/tháng, làm việc 40 giờ/tuần. Nếu thông qua công ty T., mức phí dịch vụ là 45.000 USD, tương ứng 1,035 tỉ đồng. Ngoài ra, khách hàng phải nộp thêm các loại phí từ phía các cơ quan xét duyệt của Mỹ, như phí nộp đơn xin nhập cư vào Sở Di trú Mỹ 580 USD/hồ sơ; phí phỏng vấn vào Trung tâm thị thực quốc gia 345 USD/người (nếu gia đình đi 4 người thì mất 1.380 USD); phí khám sức khỏe từ 122 – 165 USD/người; phí thẻ xanh là 165 USD/người…
Theo lời tư vấn, nếu hồ sơ đi một mình phải đóng 45.000 USD, đi cùng gia đình 4 người thì tối đa là 50.000 USD tất cả các loại phí. “Chỉ cần hồ sơ được chấp thuận và làm đủ thời gian cam kết khoảng 2 năm trong nhà máy tuyển dụng, chị sẽ được cấp luôn visa cư trú đến 10 năm”, cô này chắc nịch với chúng tôi như vậy.
Tuy nhiên khi nghe mức phí đó, anh Trung (ngụ Q.Phú Nhuận) – người từng làm hồ sơ diện Skilled Worker vào Canada đã “kêu trời” vì cho rằng quá “cắt cổ”. Anh Trung cho biết, các chương trình làm thủ tục hồ sơ qua Mỹ, Canada hay Úc từ lao động có tay nghề đến lao động phổ thông đều được các tổ chức có liên quan giới thiệu rất kỹ. Khi đó, nếu tự làm hồ sơ nộp trực tiếp ở các cơ quan thụ lý thì mức phí chỉ khoảng 5.000 CAD (khoảng 3.800 USD) và Úc hay Mỹ cũng chỉ ở mức tương đương. Cụ thể trường hợp của mình, anh Trung cho biết khi hồ sơ không được chấp thuận, anh được hoàn lại hơn 4.500 CAD, sau khi trừ phí dịch thuật, tài liệu liên quan. “Các chính phủ, các bang của các nước như Mỹ, Canada hằng năm đều thay đổi về số lượng công việc, các điều kiện tuyển dụng đối với lao động nước ngoài nhập cư. Thậm chí các công ty tư vấn tuyển dụng tại VN cũng khó cập nhật được hết các quy định này nên khách hàng cũng không nên đặt hết niềm tin vào các công ty tư vấn. Cũng giống như đi xin việc, chuyện bị loại hay đánh rớt là bình thường”, anh Trung chia sẻ.
Rủi ro giấc mộng định cư Mỹ: Tiền mất, thất nghiệp... - ảnh 1

Lương thấp, nguy cơ thất nghiệp cao
Theo quy định, sau khi sang Mỹ, khách hàng không làm việc đủ thời gian tại công ty đã tuyển dụng trước đó (tối thiểu là 1 năm) thì sẽ bị công ty bảo lãnh từ chối đánh giá hoặc đánh giá không tốt. Khi đó, việc không được Sở Di trú Mỹ xem xét đánh giá để cấp visa dài hạn 10 năm là có thể xảy ra và khách hàng sẽ bị buộc phải quay về VN. Ngoài ra, một trong những điều kiện để có thể thực hiện hồ sơ EB-3 là các công ty tuyển dụng tại Mỹ phải đáp ứng các quy định của chính phủ, như phải chứng minh trước đó công việc này không tuyển đủ người ở địa phương sau nhiều lần thông báo; công ty không vi phạm các điều kiện tuyển dụng, quản lý người lao động… Đồng thời, bắt buộc công ty phải có hợp đồng tuyển dụng với người lao động ở VN.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, kiếm việc ở Mỹ không đơn giản khi tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hiện vẫn ở mức 5%, với khoảng gần 8 triệu người. Vì vậy những công việc có tuyển dụng lao động phổ thông nước ngoài thường ở những vùng hẻo lánh, với những việc nặng nhọc, lương thấp nên không thể thuê được người lao động bản xứ. Rất nhiều người sang nhưng không chịu nổi công việc cũng khó đi ra ngoài tìm việc khác, bởi không nắm rõ về luật pháp, kém tiếng Anh… trong khi đã đóng cho công ty môi giới tới 50.000 USD. “Thậm chí, nhiều người đã phải vay nợ, cầm cố tài sản để có đủ tiền đóng phí nhưng hồ sơ lại không được chấp thuận. Hoặc sau khi sang Mỹ thì làm nhiều năm vẫn không đủ tiền gửi về VN trả nợ”, vị này nói.
Đó là một thực tế nghiệt ngã mà rất nhiều người ôm giấc mộng Mỹ không biết. Đơn cử mức lương của nhà máy chế biến thịt của Mỹ mà công ty T. giới thiệu ở trên tương đương 1.912 USD/tháng, nghe thì cao nhưng thực tế không đủ chi phí sinh hoạt cơ bản cho một gia đình tại Mỹ.
Rất dễ mất phí
Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, thông thường, hợp đồng tư vấn của các công ty tại VN sẽ không có điều khoản cam kết việc khách hàng sẽ được cấp visa dài hạn tại Mỹ hay Canada, Úc. Thay vào đó, công ty chỉ có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ làm hồ sơ, nên khi khách hàng bị các nước từ chối cũng không có cơ sở để đòi tiền hay quy trách nhiệm cho phía tư vấn. “Do đó, phải xem kỹ hợp đồng cũng như các điều kiện khác để tránh rủi ro, không dễ gì cứ bỏ tiền ra cho công ty tư vấn là sẽ được đi định cư ở Mỹ. Bởi mức phí tư vấn quá cao, là cả một gia tài, nhất là đối với những người làm công việc lao động phổ thông có mức lương ít ỏi”, luật sư Thuận khuyến cáo.

 

Mai Phương