Đây là nhận định của đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) tại phiên họp sáng nay, 11.7, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nêu ý kiến về báo cáo của Chính phủ về các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến vụ việc ô nhiễm môi trường ở miền Trung do xả thải của công ty Formosa.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, vấn đề Formosa bước đầu đã được xử lý tốt nhưng còn nhiều vấn đề liên quan. “Vấn đề khắc phục môi trường bao giờ sẽ làm được để nghề cá tiếp tục? Vấn đề liên quan quốc phòng – an ninh? Việc giải ngân số tiền đền bù của Formosa sẽ được thực hiện thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan? Tiền đến tay người dân ra sao?”, ông Đỗ Bá Tỵ đặt ra một loạt các câu hỏi.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, nếu không làm tốt các vấn đề này, sẽ có những vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, chưa kể khả năng các thế lực thù địch sẽ có những tác động lợi dụng.
“Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng – an ninh”, ông Đỗ Bá Tỵ nhận định.
Ngày 30.6, tại buổi họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung, đại diện của hãng AP (Mỹ) đặt câu hỏi có khởi tố vụ án hay không.
Trước đó, nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh về việc các giải pháp khắc phục hậu quả môi trường hậu quả của vụ Formosa gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Ông Hà Ngọc Chiến đánh giá cao việc vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, đấu tranh để buộc thủ phạm Formosa nhận trách nhiệm và bồi thường. Theo ông Chiến, đây là thắng lợi lớn trước một tập đoàn có kinh nghiệm đối phó và cũng là thủ phạm gây ra nhiều thảm hoạ môi trường ở các nước.
Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng, cần điều tra nguyên nhân chủ quan từ phía Việt Nam trong việc phê duyệt, thẩm định dự án này. Theo những thông tin được báo chí và dư luận nêu lên ông Chiến nhấn mạnh “đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh”.
“Sau khi nhà đầu tư được cấp phép thì các yêu sách cũng được đáp ứng rất nhanh và cuối cùng hậu quả thảm hoạ cũng đến rất nhanh, mặc dù chưa hoạt động chính thức, mới chỉ vận hành”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, riêng với vụ Formosa phải làm rõ nguyên nhân liên quan đến quản lý nhà nước, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát cả quá trình để xác định lỗi chủ quan như thế nào. “Cần làm rõ mới có uy tín với cử tri, với nhân dân. Vừa qua đã làm tốt rồi, còn việc khắc phục hậu quả là tất yếu”, ông Chiến nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nói thêm, qua vụ việc này cần nhìn nhận lại với những dự án tương tự. “Dự án được cấp phép tới 70 năm trên một diện tích rất lớn, ở địa bàn rất nhạy cảm. Quy mô lớn như vậy thì cần tính với các dự án như thế có nên đưa vào loại dự án cần được phê duyệt xét duyệt ở cấp nào? Có phải công trình trọng điểm của quốc gia không? Hiện nay chúng ta thấy gần như Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, tới đây cần xem xét có điều chỉnh lại quy mô dự án, điều chỉnh lại các ưu đãi đối với dự án này hay không… Theo ông Chiến báo cáo của Chính phủ cần làm rõ và nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm sẽ xử lý như thế nào chứ không chỉ nói chung chung về việc khắc phục hậu quả môi trường rồi nhắc đến Formosa.
Cần dự báo những vấn đề quốc phòng – an ninh từ phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc
Theo ông Hà Ngọc Chiến, trong 6 tháng cuối năm 2016, dự báo tình hình an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội sẽ có những phức tạp, nhất là sau khi Toà án quốc tế phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông.
“Dù kịch bản nào xảy ra, Trung Quốc cũng sẽ có hành động phản ứng. Các hành động này sẽ không chỉ ở trên biển. Việt Nam là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cũng là nước nằm cạnh Trung Quốc, do vậy cần dự báo tình hình đề ra những nhiệm vụ giải pháp sát hơn trong đó có các giải pháp liên quan đến an ninh – quốc phòng, trật tự xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự báo không chỉ Trung Quốc mà một số nước khác cũng sẽ có những phản ứng phức tạp. Theo ông Đỗ Bá Tỵ, sau Phán quyết của Tòa sẽ có nhiều vấn đề cả về đối ngoại, an ninh trên biển, an ninh trên đất liền, trong đó có vấn đề biên giới Tây Nam, cần được lưu ý, đánh giá cụ thể.