Chờ một phán quyết công minh của toà trọng tài – PCA
Chiều nay, 12-7, dự kiến Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan sẽ công bố kết quả phán quyết về 7/15 điểm khiếu kiện mà Philippines kiện Trung Quốc.
TRƯỚC NGÀY PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI – KỲ CUỐI:
Chờ một phán quyết công minh của toà trọng tài – PCA
Chiều nay, 12-7, dự kiến Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan sẽ công bố kết quả phán quyết về 7/15 điểm khiếu kiện mà Philippines kiện Trung Quốc.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại một phiên làm việc của Toà trọng tài – Ảnh: PCA |
“Một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc cũng có nghĩa là Mỹ, Nhật và các cường quốc hải quân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có cơ sở hợp pháp để thực hiện các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý của các cấu trúc do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông |
Giáo sư Heydarian |
“Ngày phán quyết” được rất nhiều người mong chờ, trong đó dĩ nhiên có người dân Philippines. Người Philippines từ nhiều thành phần, trong đó có các chuyên gia, đã chia sẻ những cảm nghĩ, dự đoán cũng như phân tích trước thềm phán quyết.
Tin ở một phán quyết có lợi
Cô Marian Candace Tan, một người Philippines gốc Hoa đang hành nghề dược sĩ ở Lucena, Quezon, nói cô hi vọng phán quyết của Toà trọng tài sẽ có lợi cho Philippines.
“Dù Toà trọng tài ra quyết định gì chăng nữa, tôi chắc chắn phán quyết sẽ dựa trên những bằng chứng thuyết phục và tôi hi vọng Trung Quốc hoặc Philippines sẽ tôn trọng phán quyết một cách hoà bình” – cô Marian Candace Tan nói.
Còn Ellen Tordesillas, nhà báo đối ngoại kỳ cựu ở Manila, cho rằng hầu hết người dân Philippines không thật sự hiểu những vấn đề nền tảng vụ Philippines kiện Trung Quốc. “Họ cứ nghĩ rằng Toà trọng tài sẽ ra phán quyết Philippines sở hữu bãi cạn Scarborough hoặc các đảo đang trong tình trạng tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Thực tế rất khác và phức tạp hơn. Việc người dân Philippines có nắm rõ bản chất vụ kiện hay không sẽ phụ thuộc vào Chính phủ Philippines sẽ giải thích cho người dân như thế nào” – nữ nhà báo cho hay.
Ellen còn cho rằng sẽ là một chiến thắng cho người dân Philippines một khi tòa tuyên bố bãi cạn Scarborough là một phần vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Philippines theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Nữ nhà báo kỳ cựu cũng kỳ vọng tòa sẽ ra phán quyết có lợi về vấn đề quyền tiếp cận ngư trường truyền thống của Philippines ở bãi cạn Scarborough.
Theo nhà báo Ellen, có ba ý chính mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài làm rõ trong đơn kiện đệ trình vào tháng 1-2013. Đầu tiên, tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc có giá trị hay không. Kế đến, các thực thể nửa nổi nửa chìm (LTE) nơi Trung Quốc xây dựng các cấu trúc phải được toà tuyên bố là bộ phận cấu thành của thềm lục địa Philippines. Và cuối cùng là vùng biển bên ngoài phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo Panatag (bãi cạn Scarborough) phải được toà tuyên bố là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Richard Javad Heydarian – giáo sư khoa học chính trị Đại học De La Salle, Philippines – cho biết kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Toà trọng tài tuyên bố Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp các bãi đá và bãi san hô nửa nổi, nửa chìm trong các vùng biển tranh chấp. GS Heydarian nói thêm Toà trọng tài có thể đi xa hơn như đặt nghi vấn về tính hợp pháp của yêu sách chủ quyền đường chín đoạn và các quyền lịch sử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên theo ông, đây là một kịch bản mang tính lạc quan cao.
Tâm điểm Tổng thống Duterte
Nhà báo Ellen cho biết chính quyền của tân Tổng thống Duterte có mối quan hệ với Trung Quốc tốt hơn chính quyền tiền nhiệm Aquino. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để chứng minh nhận định này là ông Duterte yêu cầu người dân không được khiêu khích Trung Quốc.
Trong khi đó, GS Heydarian cho rằng Trung Quốc đang làm mọi thứ có thể nhằm tránh hệ quả bị làm nhục về mặt ngoại giao bằng cách cố gắng thuyết phục chính quyền của tân Tổng thống Philippines Duterte ít nhất không sử dụng kết quả phán quyết để làm “xấu mặt” Bắc Kinh và coi những hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông là đứng ngoài vòng “luật pháp quốc tế”.
Theo GS Heydarian, chính quyền tân Tổng thống Duterte có ý định phục hồi các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc, vốn bị sứt mẻ dưới thời của người tiền nhiệm Aquino. Do đó nhiều khả năng ông Duterte sẽ ngại sử dụng kết quả phán quyết được cho là có lợi cho Philippines để chống lại Trung Quốc, nhằm dọn đường cho một mối quan hệ đẹp sôi nổi hơn giữa hai quốc gia từng ghẻ lạnh với nhau trong quá khứ.
“Chắc chắn chính quyền ông Duterte sẽ tìm cách sử dụng phán quyết có lợi của Tòa trọng tài để gây sức ép yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ. Nhưng chắc chắn Mỹ và những đồng minh quan trọng khác sẽ gây áp lực tối đa yêu cầu chính quyền Duterte ra tuyên bố mạnh mẽ nếu kết quả phán quyết bất lợi cho Trung Quốc” – GS Heydarian nhận định.
Nhấn mạnh vai trò của ASEAN, GS Heydarian cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài có tính ràng buộc nhưng không có cơ chế thi hành, do vậy rất quan trọng để khối ASEAN bày tỏ tuyên bố ủng hộ khi phán quyết được công bố nhằm hướng các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy vậy, ông Heydarian ngờ vực về sự đồng thuận của ASEAN trong vụ việc này, đặc biệt là khi phán quyết có kết quả bất lợi cho Trung Quốc. “Theo tôi, ASEAN tốt lắm chỉ có thể đưa ra một lời ám chỉ mơ hồ đối với phán quyết của Toà trọng tài, nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế – GS Heydarian nhận định – Tôi cho rằng rất cần thiết để các quốc gia lớn trong khối ASEAN như Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam công bố những tuyên bố riêng của mỗi nước về ủng hộ phán quyết”.
Ông Heydarian cho rằng Trung Quốc đang muốn đóng vai trò lãnh đạo ở châu Á và điều này tất nhiên sẽ không đạt được nếu nước này được gán “thương hiệu” đứng ngoài vòng pháp luật.
* TS Aries Arugay (giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển Philippines): Phép thử đối với tân tổng thống Tôi nghĩ đây là phép thử chính sách đối ngoại đầu tiên của chính quyền tân Tổng thống Duterte. Người dân đang theo dõi sát sao phản ứng của chính quyền đối với phán quyết này. Theo các cuộc thăm dò công chúng, đang có một làn sóng chống đối Trung Quốc ở Philippines. Tuy nhiên cũng có nhiều người kỳ vọng chính quyền Duterte sẽ sử dụng thông minh kết quả phán quyết trong việc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc. Tôi cũng cho rằng chính quyền mới của ông Duterte sẽ có chiến lược hạn chế vấn đề tranh chấp Biển Đông trở thành “tất cả” hoặc “chấm dứt tất cả” quan hệ Philippines – Trung Quốc. |