Biển Đông trước thời khắc lịch sử
Sức ép của cộng đồng quốc tế ngày càng đè nặng lên Bắc Kinh trước khi toà án quốc tế công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào hôm nay 12.7.
Biển Đông trước thời khắc lịch sử
Sức ép của cộng đồng quốc tế ngày càng đè nặng lên Bắc Kinh trước khi toà án quốc tế công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào hôm nay 12.7.
Trong bài xã luận đăng trên số báo ngày 11.7, tờ The Bangkok Post cho rằng Trung Quốc luôn hành xử theo kiểu hiếp đáp láng giềng trong những năm qua thông qua việc xúc tiến bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Theo tờ báo, những đảo nhân tạo phi pháp này có thể dễ dàng biến thành tiền đồn trên biển. Và trong khi thế giới đang chờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có hành động dọa dẫm khi tổ chức tập trận nhiều ngày xung quanh Hoàng Sa. Với hành vi này, Trung Quốc chỉ càng tự cô lập chính mình trước thế giới.
Bên cạnh đó, nhật báo uy tín của Thái Lan cho rằng Bắc Kinh nên biết rằng trở thành một siêu cường mới không có nghĩa là “giẫm đạp” lên các quốc gia yếu hơn, mà thay vào đó là nên hỗ trợ láng giềng cùng nhau phát triển.
Tờ The Philippine Star ở Philippines cùng ngày cũng dẫn phân tích của một nhóm chuyên gia quốc tế cho rằng EU và Mỹ nên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những hành động vi phạm luật lệ hàng hải quốc tế xung quanh cuộc tranh chấp tại Biển Đông.
Theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, với việc bắt đầu quy trình tham vấn trước khi triển khai biện pháp trừng phạt, EU và Mỹ có thể củng cố việc thi hành luật quốc tế và một lần nữa xác nhận chính sách tái cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà phân tích cho rằng cặp bài trùng phương Tây này cũng nên hợp tác với ASEAN để tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông, đồng thời có thể cân nhắc khả năng hợp tác ba bên nhằm đưa ra một hướng tiếp cận dựa trên luật lệ.
Phán quyết được chờ đợi
Theo trang GMA News, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng Philippines nhiều khả năng sẽ thắng vụ kiện lịch sử. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose cam đoan rằng dù kết quả như thế nào đi nữa, Manila sẽ tôn trọng phán quyết, theo tờ Manila Bulletin. Theo thông báo của PCA, phán quyết sẽ được công bố vào khoảng 11 giờ, giờ Hà Lan (18 giờ, giờ Việt Nam).
Không chỉ được chờ đợi bởi những ý nghĩa quan trọng, vốn được dự đoán có thể bao gồm việc bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò”, phán quyết lịch sử này còn thu hút sự quan tâm sát sao của cộng đồng khu vực và thế giới bởi theo giới quan sát, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện hành vi gây hấn ở nhiều mức độ khác nhau nếu phán quyết gây bất lợi cho Bắc Kinh trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh trước nay luôn khăng khăng tuyên bố không tham gia phiên toà và sẽ phớt lờ mọi phán quyết.
Trong khi các bên hồi hộp chờ đợi tin tức từ tòa án, người Philippines sống tại Trung Quốc đã đồng loạt nhận được tin nhắn qua điện thoại di động từ sứ quán ở Bắc Kinh, cảnh báo không nên thảo luận về đề tài chính trị ở nơi công cộng và tránh tham gia vào các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Theo Reuters, công dân Philippines cũng được khuyên luôn mang theo hộ chiếu và giấy tờ lưu trú tại Trung Quốc, và lập tức liên lạc với sứ quán ở Bắc Kinh hoặc cảnh sát sở tại nếu gặp phải sự cố hoặc chuyện phiền phức gì trong thời gian có phán quyết.
Liên quan đến tình hình ở Biển Đông, Cục Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) hôm qua thông báo vừa điều một chiếc tàu tuần tra 2.000 tấn đến đảo Ba Bình mà Đài Bắc đang chiếm giữ phi pháp nhằm thay thế 2 tàu tuần tra 100 tấn mới được rút về trước đó.
Cần dự báo những vấn đề quốc phòng – an ninh
Tại phiên họp sáng 11.7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến cho biết trong 6 tháng cuối năm 2016, dự báo tình hình an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội sẽ có những phức tạp, nhất là sau khi tòa án quốc tế phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông. “Dù kịch bản nào xảy ra, Trung Quốc cũng sẽ có hành động phản ứng. Các hành động này sẽ không chỉ ở trên biển. Việt Nam là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cũng là nước nằm cạnh Trung Quốc do vậy cần dự báo tình hình đề ra những nhiệm vụ giải pháp sát hơn trong đó có các giải pháp liên quan đến an ninh – quốc phòng, trật tự xã hội”, ông Chiến nêu quan điểm. Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng không chỉ Trung Quốc mà một số nước khác cũng sẽ có những phản ứng phức tạp. Sau phán quyết của toà sẽ có nhiều vấn đề cả về đối ngoại, an ninh trên biển, an ninh trên đất liền, trong đó có vấn đề biên giới Tây Nam cần được lưu ý, đánh giá cụ thể.
Trường Sơn
|
Thuỵ Miên