Tự tạo cơ hội: Trồng bơ tứ quý cho thu nhập cao
Là người chuyên trồng rau, nhưng do rau giá cả thất thường nên ông Lê Văn Tiệp (43 tuổi) chuyển sang trồng bơ tứ quý cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Tự tạo cơ hội: Trồng bơ tứ quý cho thu nhập cao
Là người chuyên trồng rau, nhưng do rau giá cả thất thường nên ông Lê Văn Tiệp (43 tuổi) chuyển sang trồng bơ tứ quý cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Vườn bơ của gia đình ông Tiệp nằm ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn, H.Đơn Dương (Lâm Đồng). Khác với những giống bơ truyền thống mà người Đà Lạt trồng hàng chục năm qua ở chỗ, bơ tứ quý cho trái 4 lần trong một năm.
Ông Tiệp cho biết giống bơ truyền thống đã bị lão hoá, chất lượng không tốt, nhưng lại có bộ rễ rất mạnh. Vì thế, vào tháng 6.2013, ông dùng hạt của những cây bơ truyền thống ươm lên cao khoảng 50 cm thì cắt ngang, ghép ngọn bơ tứ quý hoặc bơ sáp vào thân để cây bơ tiếp tục phát triển.
Cây bơ tứ quý có chiều cao tối đa khoảng 8 m, tán rộng khoảng 5 m, cây phát triển tốt trong thời tiết khô ráo, đặc biệt thích hợp với khí hậu vùng Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Trái bơ dạng thuôn dài, da quả bóng trơn, có trọng lượng từ 450 gr đến trên 1 kg/quả, nên rất bắt mắt. Hạt quả nhỏ, thịt quả vàng nhạt, hàm lượng chất béo cao nên được nhiều người ưa chuộng.
Vườn bơ của ông Tiệp được “quy hoạch” với những hàng thẳng tắp, trông đẹp mắt, khác với kiểu trồng bơ truyền thống quanh các vườn rau theo tập quán của người dân địa phương, và mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 lứa, sản lượng được chăng hay chớ, khâu chăm bón cho cây bơ không được chú trọng.
Theo ông Tiệp, vườn bơ tứ quý cho quả liên tục, nên gần như quanh năm lúc nào gia đình ông cũng có bơ cung cấp cho thị trường và cho thu nhập ổn định hơn trồng rau. Nhưng muốn có năng suất, chất lượng tốt nhất thì khâu chăm sóc, bón phân, tưới nước cho bơ rất quan trọng. Bên cạnh đó phải cắt tỉa cành đúng kỹ thuật, đồng thời phải có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả.
Hiện nay ông Tiệp thuê 2 người chăm sóc vườn bơ 1,2 ha đặc biệt này; người làm được “bao” ăn ở, và trả lương 3 triệu đồng/tháng. Trong 3 năm qua, khi tán cây bơ chưa bung ra rộng, ông Tiệp vẫn trồng xen canh các loại rau, củ, nhờ đó có thêm thu nhập để đầu tư cho chính vườn bơ thêm xanh tốt.
Sau 2 năm trồng, cây bơ tứ quý đã cho trái bói nhưng ông “chưa ăn vội” mà ngắt trái để cây đâm thêm chồi và lớn thêm. Từ đầu năm 2016 vườn bơ 1,2 ha cho thu hoạch lứa đầu tiên. Trong 270 cây bơ xuống giống cùng đợt, chỉ 170 cây bơ tứ quý cho trái, còn 100 cây bơ sáp vẫn chưa cho trái. Sau 2 lứa thu hoạch cho sản lượng 17 tấn, trung bình 100 kg/cây. Với giá bán tại vườn bình quân 30.000 – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, thu hoạch còn thu lãi gần 400 triệu đồng.
Ông Tiệp cho biết thêm, có thời điểm bơ hút hàng, giá bơ tứ quý lên tới 70.000 -80.000 đồng/kg. Hầu hết bơ tứ quý của gia đình ông Tiệp được thương lái mua rồi chở lên Đà Lạt bán cho du khách tại các điểm tham quan. Trong khi đó, giống bơ truyền thống mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, giá bán tại vườn chỉ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Ông Tiệp so sánh với cùng diện tích trồng rau trước đây, thì vườn bơ tứ quý cho thu nhập tăng gấp 3 lần, nhưng công chăm sóc lại giảm khoảng 3 lần.
Tiếng lành đồn xa, một số doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản tại Đà Lạt đặt vấn đề với ông Tiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, với giá cả ổn định để cung cấp cho thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên diện tích 1,2 ha hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ông Tiệp vừa đầu tư trồng thêm hơn 1 ha bơ tứ quý tại xã Bình Thạnh, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) và đang mời gọi các nông hộ cùng hợp tác trồng bơ tứ quý, ông sẵn sàng chuyển giao giống, kỹ thuật và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Lâm Viên