Mỹ – Trung cùng cạnh tranh ngầm dưới Biển Đông
Cuộc cạnh tranh ngầm bên dưới mặt biển ngày một nóng lên. Đến nay, tàu ngầm của Trung Quốc đã có mặt tại khắp các điểm nóng, đe doạ các tàu chiến Mỹ, theo South China Morning Post ngày 9-7.
Mỹ – Trung cùng cạnh tranh ngầm dưới Biển Đông
Cuộc cạnh tranh ngầm bên dưới mặt biển ngày một nóng lên. Đến nay, tàu ngầm của Trung Quốc đã có mặt tại khắp các điểm nóng, đe doạ các tàu chiến Mỹ, theo South China Morning Post ngày 9-7.
Một chiếc tàu ngầm lớp Jin trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc – Ảnh: USNI |
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây tuyên bố Mỹ sẽ chi 8 tỉ USD trong năm sau để đảm bảo Washington có “lực lượng dưới biển và chống tàu ngầm hiện đại, nguy hiểm nhất trên thế giới”.
Khoản ngân sách này, tăng 14% so với trước đó, cũng sẽ bao gồm chi tiêu cho chương trình phát triển thiết bị không người lái dưới biển.
Mỹ muốn giữ vị trí dẫn đầu
Hồi đầu năm nay, đô đốc Harry Harris – tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ – đã phàn nàn với các nghị sĩ rằng: “Tôi không có những tàu ngầm mà tôi thấy cần” để đối phó với việc quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc gửi Quốc hội Mỹ năm ngoái, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có khoảng 70 tàu ngầm, tức gần bằng Mỹ, trong đó có 16 tàu hạt nhân, 15 tàu tàng hình được trang bị động cơ đẩy không gây ồn, cho phép chúng có thể ở lâu hơn dưới nước.
Trong khi đó, Mỹ có 75 tàu ngầm nhưng chỉ 4 chiếc lớp Los Angeles hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ căn cứ hải quân Guam.
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận trong PLA nói rằng đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ còn mạnh hơn khi đô đốc Tôn Kiến Quốc lên thay tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi vào năm sau.
Nhiều năm trước, Mỹ thường chế giễu các tàu ngầm Trung Quốc quá ồn ào và dễ dàng bị phát hiện, nhưng tình thế đã thay đổi khi các tàu của Bắc Kinh có thể theo dõi các hàng không mẫu hạm của Mỹ đi qua biển Hoa Đông vài năm trở lại đây.
Hồi tháng 10-2015, khi tàu USS Ronald Reagan của Mỹ đi qua vùng biển gần Nhật Bản, các quan chức của tàu này đã sốc khi phát hiện một tàu ngầm chiến đấu của PLA lởn vởn ở cự ly “rất gần”, theo Washington Free Beacon.
Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đang tập trung vào mẫu tàu ngầm hạt nhân lớp Jin mới nhất của mình, trong đó có bốn tàu đóng xong đã hoạt động và một tàu đang đóng.
Các tàu này có thể được trang bị tên lửa đạn đạo 12 JL-2 có tầm bắn lên đến 7.400km, tức đủ để chạm đến lãnh thổ Mỹ.
Nhưng Mỹ cũng có những động thái để duy trì vị trí dẫn đầu. Cuối năm ngoái, Văn phòng nghiên cứu hải quân của hải quân Mỹ đã công bố thiết bị ngầm bán tự động dài 3m, có khả năng “đánh hơi” tàu ngầm cũng như các chiến dịch chống tàu ngầm và chiến dịch dài hơi trên các đại dương.
Hải quân Mỹ cũng cho biết sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Virginia, Ohio và dự kiến có đội tàu mới vào năm 2020, trong đó thiết bị không người lái cũng sẽ là một lợi thế cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh dưới nước.
Theo chuyên gia Toshi Yoshihara – Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, những thiết bị này có thể lọt qua các máy dò cùng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc và di chuyển trong những vùng nước nông, hay thậm chí áp sát các cảng của Trung Quốc.
Nguy cơ trên Biển Đông
Tại Biển Đông, Mỹ đã tăng cường gửi tàu ngầm và máy bay do thám đến khu vực này từ năm 2000, sau khi phát hiện Bắc Kinh bắt đầu xây dựng căn cứ tàu ngầm tại đây.
Theo chuyên gia tàu ngầm Collin Koh Swee Lean của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Nanyang của Singapore, cảng nước sâu vừa được xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ mở rộng tầm hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc mà không cần phải trở về các căn cứ chính.
“Các tàu ngầm của PLA có thể hoạt động thường xuyên hơn tại các cơ sở trên Biển Đông như đá Chữ Thập và ở thế thuận lợi để theo dõi hoạt động của hải quân Mỹ” – ông Koh Swee Lean đánh giá.
Để đối phó với Mỹ trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đang phát triển thế hệ tàu ngầm hạt nhân Type 096 được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa JL-3.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch xây dựng “vạn lý trường thành” dưới biển, sử dụng hệ thống tàu và cảm biến dưới nước để loại bỏ lợi thế của tàu ngầm Mỹ và kiểm soát Biển Đông.
“Các tàu ngầm chiến đấu của Trung Quốc trên Biển Đông, nếu không bị phát hiện, sẽ gia tăng nguy cơ cho các tàu chiến Mỹ hoạt động trong khu vực – nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc ĐH Sydney (Úc) nhận định – Các tàu ngầm tàng hình sẽ thách thức năng lực duy trì tự do đi lại của Mỹ ở một mức chấp nhận được, nhưng chỉ khi Trung Quốc có thể cải thiện được năng lực chiến tranh chống tàu ngầm của mình và khiến Mỹ mất vị thế dẫn đầu”.
Lo ngại gia tăng đụng độ Giới chuyên gia lo ngại sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ, Trung Quốc và cả Nhật Bản có thể gia tăng các vụ đụng độ giữa tàu ngầm tại khu vực Biển Đông thời gian tới. “Nếu lưu ý đến vô số vụ việc xảy ra thời Chiến tranh lạnh, khả năng những vụ tương tự xảy ra ở Biển Đông có thể dễ dàng gây ra vấn đề ngoại giao làm bẽ mặt nhau và làm leo thang căng thẳng” – nhà nghiên cứu Koh Swee Lean từ ĐH Sydney nói. |