26/12/2024

Liên kết vì vấn đề sống còn của ĐBSCL

Từ ngày 11 đến 15-7 tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC – Hậu Giang 2016) với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.

 

 
 

Từ ngày 11 đến 15-7 tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC – Hậu Giang 2016) với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. 

 

 

 

Liên kết vì vấn đề sống còn của ĐBSCL 
Đợt hạn mặn lịch sử đầu năm 2016 đã khiến hầu hết các kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long trơ đáy. Sự tác động của biến đổi khí hậu đã hiện hữu, đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các tỉnh và các vùng – Ảnh: CHÍ QUỐC

 

 MDEC là sự kiện thường niên quan trọng, được tổ chức theo Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ, thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp. Năm nay, MDEC diễn ra trong bối cảnh ĐBSCL vừa trải qua đợt hạn – mặn lịch sử, cần có giải pháp liên kết ứng phó một cách hiệu quả.

Thông qua báo Tuổi Trẻ, chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các đối tác phát triển hãy đồng hành với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo chính quyền các địa phương hãy hành động vì ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai.
Ông Sơn Minh Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Thành viên Ủy ban Quốc gia ứng phó BĐKH, Trưởng BCĐ MDEC-Hậu Giang 2016, cho biết:

Liên kết vì vấn đề sống còn của ĐBSCL 
Ông Sơn Minh Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Thành viên Uỷ ban Quốc gia ứng phó BĐKH, Trưởng BCĐ MDEC – Hậu Giang 2016.

– MDEC 2016 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề nóng đang đặt ra của vùng như: ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH, NBD), vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động SXKD của doanh nghiệp và người dân; bàn giải pháp khuyến khích nông nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp – nông dân khởi nghiệp; tháo gỡ khó khăn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL chủ động gia nhập và phát triển bền vững.

Thông qua Diễn đàn, BCĐ Tây Nam Bộ, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và dân vùng ĐBSCL tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, đẩy mạnh hợp tác, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, kết nối cung cầu, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho ĐBSCL trong thời gian tới.

* ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn vì BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gay gắt, những nội dung này sẽ được đặt ra bàn thảo thế nào trong MDEC 2016?

– Đây là nội dung rất quan trọng mà MDEC 2016 lần này sẽ tập trung bàn thảo đưa ra các giải pháp ứng phó. BĐKH không còn là những cảnh báo xa vời mà nó đã hiển hiện, gây thiệt hại cho ĐBSCL và đang tiếp tục đe dọa đến sự phát triển bền vững toàn vùng thời gian tới. Để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chúng tôi đưa vào chương trình chính của diễn đàn năm nay nội dung “hội thảo giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh”.

Sự kiện này có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các nhà khoa học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, hợp tác quốc tế và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp…

Điểm khác biệt so với các diễn đàn khác, là ngay sau khi kết thúc, MDEC sẽ ra Tuyên bố chung, không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của BCĐ Tây Nam bộ, lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương tham gia mà còn tập hợp sáng kiến, đề xuất của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong vùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cụ thể hoá thành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng.

MDEC từ một diễn đàn chính sách, thành hoạt động thực tiễn để thực sự là “diễn đàn nói và làm”, gắn với lợi ích thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL.

* BCĐ Tây Nam bộ sẽ làm gì để liên kết các địa phương trong việc ứng phó với BĐKH, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, giảm thiệt hại cho các tỉnh và cho vùng ĐBSCL?

– Như tôi đã nói, vấn đề BĐKH sẽ được bàn sâu tại MDEC 2016. Những gì diễn ra cho thấy, đã đến lúc toàn vùng phải kết nối thực chất để chủ động ứng phó vượt qua. Muốn kết nối được phải có sự đồng lòng các địa phương, cùng với vai trò của BCĐ Tây Nam bộ điều phối, phối hợp giữa các địa phương và bộ, ngành Trung ương như: Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học - Công nghệ… để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi phải phù hợp, có giải pháp tốt nhất ứng phó biến đổi khí hậu.

Chúng ta cần nhận thức chung rằng, điều kiện phát triển của ĐBSCL đang và sẽ tiếp tục thay đổi một cách căn bản. Xu hướng gia tăng hạn, mặn dưới tác động của BĐKH, NBD và sự sụt giảm nguồn nước ngọt sông Mekong đang làm thay đổi mạnh mẽ các điều kiện phát triển nền tảng của Vùng, gây ra các hệ lụy kinh tế – xã hội khó lường và không lường trước hết được.

Sự thay đổi các điều kiện tự nhiên có thể gây đảo lộn các lợi thế phát triển chủ yếu của Vùng thời gian qua. Nhiều người nhận ra, “ranh giới hành chính tỉnh” không thể chống đỡ chắc chắn cho các thay đổi, buộc chúng ta phải nghĩ mới, làm mới. Một trong những yêu cầu đó là phải tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng trong việc chủ động ứng phó BĐKH.

* Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sự liên kết thời gian qua là chưa thật sự mạnh mẽ, với vai trò của mình BCĐ Tây Nam bộ sẽ có những đề xuất gì để tháo gỡ đi vào thực chất hơn, thưa ông?

– Vấn đề liên kết vùng không phải bây giờ mới đặt ra, mà đã được nêu ra từ nhiều năm qua. Cơ sở của liên kết lần này là BCĐ Tây Nam bộ, các tỉnh thành và bộ, ngành sẽ tiển khai Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL theo Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành. Trong đó, có ba vấn đề liên kết.

Một là, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), đảm bảo cung – cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất,

Hai là, liên kết phát triển hạ tầng giao thông và thứ ba là thuỷ lợi.

Ba là, lĩnh vực liên kết nhằm giải quyết vấn đề nội tại của ĐBSCL trong bước chuyển rất cơ bản là lâu nay mình dựa vào tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên của vùng mà bây giờ có sự thay đổi về nguồn nước ngọt, thay đổi cách thức mới trong hội nhập.

Cụ thể lâu nay mình chỉ sản xuất ra lúa gạo, nông sản thì bây giờ tham gia vào chuỗi toàn cầu. Phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm phải thay đổi, bằng cách nâng cao chuỗi giá trị mới cạnh tranh được. Hai thay đổi căn bản này cần sự liên kết giữa các địa phương thực chất hơn.

Với vai trò được Bộ Chính trị, Chính phủ giao là chỉ đạo, làm đầu mối phối hợp thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ liên quan sự phát triển ĐBSCL để kết nối tốt về kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng.

Thời gian qua, mặt tốt đã có, nhưng sự bất cập cũng đặt ra nhiều vấn đề. Cá nhân tôi và các đồng chí trong BCĐ Tây Nam bộ rất trăn trở trước khó khăn, bức xúc của vùng và yêu cầu, thách thức mới. Nhưng quan trọng là hành động gì? Cần có sự kết nối để ứng phó, thích ứng BĐKH, hội nhập, từ chuyện sản xuất kinh doanh cho tới chuyện dân sinh.

Trên cơ sở đó, sau diễn đàn lần này, chúng tôi sẽ bóc tách, chọn lựa từng đầu việc cụ thể để kiến nghị Chính phủ có chính sách đầu tư, khắc phục những yếu kém để ĐBSCL ngày một phát triển hơn, bền vững hơn.

* Chính phủ đã phát động khởi nghiệp trong cả nước, trong diễn đàn MDEC 2016, vấn đề này sẽ được đề cập thế nào? Đánh giá của ông về thực trạng khởi nghiệp ở ĐBSCL?

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song nhìn chung doanh nghiệp ở ĐBSCL đa số vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, cần tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập. MDEC  2016 sẽ tạo điều kiện tăng cường sự hợp tác, liên kết các doanh vùng ĐBSCL với nhau và giữa doanh nghiệp ĐBSCL với các doanh nghiệp khu vực Đông Nam bộ và đặc biệt là với TP.HCM và TP Hà Nội.

Hưởng ứng năm “Quốc gia khởi nghiệp” mà Chính phủ phát động, các nội dung về khuyến khích nông nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp - nông dân khởi nghiệp sẽ được các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, tập hợp sáng kiến đề xuất thông qua các sự kiện tại diễn đàn lần này.

Các hoạt động chính tại MDEC – Hậu Giang 2016

– Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang lúc 13 giờ 30 ngày 11-7 tại hội trường Tỉnh uỷ Hậu Giang.

– Khai mạc hội chợ công thương ĐBSCL lúc 17 giờ ngày 11-7 tại công viên chiến thắng (TP Vị Thanh)

– Lễ khai mạc MDEC-Hậu Giang 2016 lúc 20 giờ ngày 11-7 tại quảng trường Hoà Bình (TP Vị Thanh)

- Hội nghị “ĐBSCL hội nhập và phát triển” lúc 8 giờ ngày ngày 12-7 tại hội trường công an tỉnh Hậu Giang.

- Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL lúc 14 giờ ngày 12- 7 tại hội trường UBND tỉnh Hậu Giang.

- Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL lúc 8 giờ ngày 13-7 tại hội trường Tỉnh uỷ Hậu Giang.

- Hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL” ngày 13-7 tại hội trường UBND tỉnh Hậu Giang.

- Hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị” lúc 14 giờ ngày 14-7 tại hội trường UBND tỉnh Hậu Giang

- Hội nghị Ban Chỉ đạo và bế mạc MDEC – Hậu Giang 2016 lúc 14 giờ ngày 15-7 tại hội trường UBND tỉnh Hậu Giang.

HOÀNG TRÍ DŨNG – CHÍ QUỐC thực hiện