Biểu tình lan rộng ở Mỹ
Lực lượng cảnh sát tại thành phố Dallas được đặt trong tình trạng báo động vì bị đe doạ tấn công, giữa lúc các cuộc biểu tình phản đối giới công lực tiếp tục lan rộng.
Biểu tình lan rộng ở Mỹ
Lực lượng cảnh sát tại thành phố Dallas được đặt trong tình trạng báo động vì bị đe doạ tấn công, giữa lúc các cuộc biểu tình phản đối giới công lực tiếp tục lan rộng.
AFP ngày 10.7 dẫn thông cáo của Sở Cảnh sát TP.Dallas, bang Texas (Mỹ) cho hay: “Một kẻ ẩn danh vừa gửi lời đe doạ đến toàn bộ cảnh sát ở Dallas. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp an ninh để đề phòng”. Tình trạng báo động được áp dụng chỉ 2 ngày sau vụ phục kích kinh hoàng làm 5 nhân viên công lực của Dallas thiệt mạng vào rạng sáng 8.7. Nghi phạm vụ phục kích hiện đã được xác định là Micah Johnson, 25 tuổi, cư dân khu ngoại ô Mesquite của thành phố này.
Tờ The New York Times hôm 10.7 dẫn lời đại diện lực lượng an ninh Dallas Clay Jenkins cho biết: “Qua nhật ký của Johnson, có thể thấy kẻ này đã chuẩn bị rất kỹ càng. Hàng xóm của anh ta cho biết nghi phạm là một người rất quan tâm đến các loại vũ khí. Thậm chí một nhân chứng còn nói từ nhiều tuần qua, Johnson đã “diễn tập quân sự” ngay trong vườn nhà”.
Thông tin của nhân chứng nói trên cũng trùng khớp với những gì Johnson ghi trong nhật ký. Theo đó, tay súng này đã tập luyện cách xả súng trong lúc di chuyển chớp nhoáng giữa nhiều địa điểm. Ông Jenkins nhận định đây là cách để Johnson làm nạn nhân hoang mang nhất vì không biết đạn bay đến từ hướng nào. Phương cách này đã được ông ta áp dụng để bắn chết 5 cảnh sát và làm 7 người bị thương. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cũng giải thích vì sao Johnson tỏ ra rất bình tĩnh khi hành động.
Bất chấp những lo ngại về an ninh sau những gì diễn ra ở Dallas, làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng khắp nước Mỹ vào cuối tuần qua để phản đối các vụ cảnh sát bắn chết 2 người da đen gần đây là Alton Sterling (37 tuổi) ở bang Louisiana và Philando Castile (32 tuổi) ở bang Minnesota. Hai vụ việc diễn ra chỉ trong vòng 1 tuần và cảnh sát bị cho là ra tay quá vội vàng vì nạn nhân là người da đen. Nhiều đợt xuống đường đã kết thúc trong bạo động khi những người tham gia đụng độ với cảnh sát.
Tại thành phố Minneapolis, nơi ông Castile bị bắn chết, đoàn biểu tình đã phong tỏa một tuyến đường trong 2 giờ sau khi bị cấm đến gần một lễ hội âm nhạc của địa phương. Những người quá khích đã ném gạch đá, chai lọ về phía cảnh sát khi bị yêu cầu giải tán, bắt buộc lực lượng an ninh phải đáp trả bằng lựu đạn khói, hơi cay và đạn cao su. Nhiều người đã bị tạm giữ.
Tại Baton Rouge, thủ phủ của Louisiana, những người biểu tình ủng hộ phong trào Báo đen mới (NBPP) của người da đen có xu hướng cực đoan cũng đụng độ dữ dội với cảnh sát. Khoảng 30 người đã bị bắt giữ, trong đó một số người có trang bị vũ khí.
Ngoài ra, đoàn biểu tình cũng phong toả đường tại các thành phố Nashville (bang Tennessee), San Francisco (bang California) nhưng không xảy ra bạo động. Cuộc biểu tình quy tụ hàng ngàn người tham gia ở thành phố New York cũng diễn ra, nhưng khá ôn hoà.
Lan Chi