25/12/2024

Trung Quốc phóng tên lửa gần Hoàng Sa

Lực lượng từ 3 hạm đội Trung Quốc ngang nhiên tập trận tác chiến, phóng tên lửa chống hạm tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

 

Trung Quốc phóng tên lửa gần Hoàng Sa

Lực lượng từ 3 hạm đội Trung Quốc ngang nhiên tập trận tác chiến, phóng tên lửa chống hạm tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.




Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa diệt hạm gần Hoàng Sa ngày 8.7 /// website Tân Hoa xã

 

 

Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa diệt hạm gần Hoàng Sa ngày 8.7WEBSITE TÂN HOA XÃ

 


Ngày 9.7, báo chí Trung Quốc đồng loạt tung thông tin và hình ảnh về đợt tập trận phi pháp của nước này ở vùng biển gần đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Trong ngày diễn tập hôm 8.7, máy bay, tàu chiến nổi, tàu ngầm của các hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải tập trung vào các hoạt động kiểm soát trên không, tác chiến trên biển và chống tàu ngầm, theo Tân Hoa xã.
Hãng thông tấn này còn tung 11 tấm ảnh cho thấy nhiều tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa phòng không, diệt hạm trên biển. Trong đó có tàu Quảng Châu thuộc lớp khu trục hạm tên lửa đa nhiệm Type 052B. Hiện Trung Quốc đang có 2 chiếc Type 052B và đều trang bị cho Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Một số hình ảnh khác cho thấy binh sĩ tìm kiếm mục tiêu trong phòng kiểm soát của tàu Hợp Phì thuộc lớp khu trục hạm tên lửa tối tân Type 052D.
 
 

Bắc Kinh có kế hoạch đóng 12 chiếc Type 052D và đến nay chỉ có Hạm đội Nam Hải được trang bị loại tàu chiến này. Khu trục hạm Type 052D được cho là đối thủ của khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ Aegis lớp Arleigh Burke của Mỹ.

Trong 2 tuần qua, 3 khu trục hạm lớp Arleigh Burke là USS Stethem, USS Spruance và USS Momsen đã tuần tra những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã cấp tập bồi đắp, xây dựng phi pháp với ý đồ quân sự hoá.
Trung Quốc phóng tên lửa gần Hoàng Sa - ảnh 1

Màn hình trên một máy bay của Hải quân Mỹ chiếu ảnh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Chữ Thập tại quần đảo Trường SaREUTERS

Phô trương đe doạ
Những hoạt động phi pháp hôm 8.7 nằm trong đợt tập trận kéo dài đến ngày 11.7, một ngày trước khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) của LHQ ở Hà Lan ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Với quy mô lớn cùng địa điểm và thời gian nhạy cảm như trên, giới quan sát nhận định cuộc tập trận là động thái khiêu khích nhằm “dằn mặt” khu vực trước giờ phán quyết.
Ngày 4.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ cuộc tập trận xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe doạ đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn bất chấp luật pháp quốc tế và các thoả thuận về giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, hoạt động tập trận được xem là vấn đề bí mật thuộc dạng an ninh quốc gia và thường thì các nước chờ một thời gian sau khi kết thúc mới công bố hình ảnh, thông tin. Do đó, việc báo chí Trung Quốc đồng loạt được “bật đèn xanh” tung ảnh bắn tên lửa cho thấy ý đồ phô trương sức mạnh, thể hiện Trung Quốc sẵn sàng gạt phăng Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), bác bỏ phán quyết của toà như những tuyên bố lâu nay.
Trung Quốc phóng tên lửa gần Hoàng Sa - ảnh 2

Binh sĩ Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) chiếm đóng phi pháp của Việt NamREUTERS

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, chuyên gia Richard Javad Heydarian tại Đại học La Salle (Philippines) nhận định việc Trung Quốc huy động cả hạm đội Bắc Hải lẫn Đông Hải cùng tập trận với Hạm đội Nam Hải ở vùng biển xa khu vực hoạt động truyền thống thể hiện rằng nước này “sẵn sàng viễn chinh” để phục vụ cho mưu đồ chủ quyền”.
Cũng trong hôm qua 9.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh quyết định của PCA “sẽ có tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines” và hy vọng hai bên sẽ kiềm chế, theo Hãng thông tấn PTI. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tiểu ban về châu Á và Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Matt Salmon khẳng định Mỹ và nhiều nước khác nhận thấy mức độ nghiêm trọng của mối đe doạ từ những hành vi cưỡng ép, hung hăng, không tuân theo chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tranh cãi nội bộ
Mặt khác, cũng có chuyên gia cho rằng cuộc tập trận phi pháp nói trên là một dạng “phản ứng có phần mang tính tình thế” và Trung Quốc vẫn đang “nháo nhào” tìm cách phản ứng về phán quyết. Một trong những lý do là trong nội bộ nước này vẫn đang tranh cãi về chính sách đối với Biển Đông.
Trong bài phân tích trên chuyên san Foreign Policy, nhà nghiên cứu Trương Phong thuộc Trường đại học Quốc gia Úc và làm việc tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, viết có thể tạm chia các luồng ý kiến ở nước này thành 3 phe là thực tế, cứng rắn và ôn hoà.
Phái thực tế tin rằng những chính sách hiện nay của Bắc Kinh về Biển Đông “hợp lý, không cần điều chỉnh”. Nhóm này nhận ra cái giá phải trả về mặt ngoại giao và uy tín nhưng họ bất chấp để đạt được cái gọi là sự hiện diện cùng khả năng hữu hình của Trung Quốc. Họ tin rằng thời gian và hiện trạng đang ủng hộ Trung Quốc miễn là nước này có thể duy trì sự trỗi dậy. Theo ông Trương, quan điểm này đang chiếm ưu thế trong quá trình ra quyết sách về Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, phái thực tế đang không chắc nên tăng cường hiện diện đến mức nào ở 7 bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Trong khi đó, phe cứng rắn diều hâu khăng khăng đòi bành trướng lãnh thổ và sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Họ phớt lờ quan ngại của thế giới và chỉ muốn tối đa hoá tư lợi của Trung Quốc. Theo chuyên gia Trương, nhóm này hiện chưa chiếm ưu thế. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể dễ dàng phớt lờ hoặc loại bỏ họ do lo ngại có thể thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như vẫn muốn tận dụng những ý kiến diều hâu khi cần trang trải dư luận trong những thời điểm cụ thể.
Trung Quốc phóng tên lửa gần Hoàng Sa - ảnh 3

Hải đăng do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường SaREUTERS

Cuối cùng, phe ôn hoà cũng bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” đối với Biển Đông nhưng tin rằng đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách để làm rõ mục tiêu, lập luận đối với Biển Đông. Họ thừa nhận tình trạng Bắc Kinh đang rất mơ hồ về những tuyên bố chủ quyền cũng như chiến lược nên gây thêm quan ngại và thiếu lòng tin cho thế giới bên ngoài. Theo họ, cố ý duy trì sự mù mờ về yêu sách đường lưỡi bò càng khiến bản đồ phi lý này trở thành “gánh nặng lịch sử” và biến Trung Quốc trở thành đối thủ với hầu hết các quốc gia khu vực.
Phe ôn hoà cho rằng vấn đề lớn nhất là Trung Quốc thiếu chiến lược rõ ràng và hiệu quả về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, bản thân họ không trả lời được là cần làm gì vì bản chất vấn đề là Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý, ngoại giao hay lập luận hợp lý nào cho tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà lâu nay vẫn dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép là chính.
Trước mắt, chuyên gia Trương Phong cho rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và ASEAN, cần góp phần giúp nâng cao tầm quan trọng của những người ôn hòa trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc, biến quan điểm này từ thiểu số thành đồng thuận đa số để có thể giảm căng thẳng.

 

Văn Khoa