25/12/2024

Trung Quốc ngừng mua dăm, nông dân trồng rừng khốn đốn

Do nhiều doanh nghiệp tại Bình Định không xuất khẩu được mặt hàng dăm gỗ nên phải dừng thu mua gỗ nguyên liệu. Gỗ rừng trồng cũng vì thế mà liên tục rớt giá, khiến người trồng rừng khốn khó.

 

Trung Quốc ngừng mua dăm, nông dân trồng rừng khốn đốn

 

Do nhiều doanh nghiệp tại Bình Định không xuất khẩu được mặt hàng dăm gỗ nên phải dừng thu mua gỗ nguyên liệu. Gỗ rừng trồng cũng vì thế mà liên tục rớt giá, khiến người trồng rừng khốn khó.




Trồng rừng 5 - 7 năm, đến ngày thu hoạch lại có nguy cơ lỗ  /// Xuân Dũng

Trồng rừng 5 – 7 năm, đến ngày thu hoạch lại có nguy cơ lỗXUÂN DŨNG


Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, giá gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bình Định luôn ở mức cao, gỗ keo bán tại nhà máy 1,35 triệu đồng/tấn và gỗ bạch đàn khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá gỗ rừng trồng liên tục giảm. Hiện gỗ keo được thu mua với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, gỗ bạch đàn còn 900.000 đồng/tấn.
Gia đình ông Văn Thành Công (51 tuổi, thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, H.Tây Sơn, Bình Định) trồng 10 ha rừng đang đến thời kỳ khai thác. Do giá gỗ rừng trồng xuống thấp nên trong tháng 5 ông chỉ bán 3 ha keo lai với giá 1,18 triệu đồng/tấn, còn lại chờ giá lên. Tuy nhiên, qua đến tháng 6, số rừng còn lại thương lái chỉ trả hơn 1 triệu đồng/tấn. “Giá gỗ keo, bạch đàn ngày càng tụt dốc. Bây giờ mà tôi muốn bán thì cũng chẳng biết có ai mua không. Hầu hết các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định gần như đã dừng thu mua gỗ nguyên liệu, thương lái vì thế cũng chẳng thu mua gỗ keo, bạch đàn. Trồng rừng phải mất 5 – 7 năm mới đến kỳ khai thác, vậy mà gặp ngay lúc gỗ rừng trồng rớt giá thê thảm, người trồng rừng sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Công nói.
Ông Hồ Đức Lâm (40 tuổi, ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân), một người chuyên thu mua gỗ rừng trồng bán lại cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, cho biết do giá gỗ rừng trồng rớt quá nhanh nên không thương lái nào dám đi thu mua, sợ lỗ nặng. Thậm chí, nhiều thương lái đã ứng tiền mua rừng trồng của nông dân cũng không dám khai thác vì giá bán gỗ thấp và các nhà máy thu mua với số lượng rất hạn chế.
Theo ông Võ Vạn Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn (đơn vị chuyên băm dăm gỗ xuất khẩu, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), trên địa bàn tỉnh hiện đang có gần 20 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, tổng công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của mặt hàng này lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên khi các doanh nghiệp Trung Quốc dừng thu mua là các nhà máy chế biến dăm gỗ đều gặp khó khăn, phải dừng hoạt động. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Công ty TNHH Sông Kôn xuất khẩu sang Trung Quốc gần 10.000 tấn dăm khô. Từ tháng 4 đến nay, công ty này không xuất thêm được lô hàng nào nên đang tồn kho hàng chục ngàn tấn dăm khô và phải dừng thu mua nguyên liệu là gỗ keo, bạch đàn… “Đầu năm 2016, giá dăm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở mức 132 USD/tấn dăm khô nhưng hiện chỉ còn 123 USD/tấn và các doanh nghiệp của Trung Quốc đang ngừng thu mua mặt hàng này. Dăm gỗ xuất khẩu không có đầu ra thì các nhà máy chế biến dăm gỗ phải dừng sản xuất. Gỗ rừng trồng của nông dân vì thế cũng giảm giá và không có nhiều người thu mua”, ông Toàn nói.
Nông dân trồng rừng không có lãi
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, Bình Định đang có hơn 111.000 ha diện tích rừng trồng, trong đó có khoảng 55.000 ha do nông dân trồng. “Trồng rừng bây giờ đâu phải chỉ cắm cây giống xuống rồi phó mặc cho trời như trước đây, mà còn phải đầu tư bón phân, chăm sóc rất bài bản nên tốn nhiều công sức và tiền bạc. Vì vậy, với giá gỗ rừng trồng thấp như hiện nay thì người trồng rừng sẽ không có lãi”, ông Dũng nhận định.


 

Hoàng Trọng