24/01/2025

Quần áo, phụ kiện từ… đồ tái chế!

Nổi bật giữa cuộc thi về sản phẩm thân thiện môi trường, nữ giám khảo Lisa Rosenthal mặc chiếc váy ngắn màu xanh lá làm từ bao tải thức ăn, đeo sợi dây chuyền làm bằng giấy lịch, tạp chí…

 

Quần áo, phụ kiện từ… đồ tái chế!

 

Nổi bật giữa cuộc thi về sản phẩm thân thiện môi trường, nữ giám khảo Lisa Rosenthal mặc chiếc váy ngắn màu xanh lá làm từ bao tải thức ăn, đeo sợi dây chuyền làm bằng giấy lịch, tạp chí…

 

 

 

 

Quần áo, phụ kiện từ... đồ tái chế!
Bà Lisa Rosenthal và chồng nghiên cứu sản xuất những món đồ tái chế tại nhà. Bà Lisa Rosenthal đang mặc chiếc váy làm từ bao tải cám – Ảnh: HỮU THUẬN

Là “mẹ đẻ” của những thiết kế độc đáo đó, trong 15 năm sinh sống ở VN, bà Lisa đã tìm hiểu cách xử lý vật liệu tái chế để làm đồ dùng trong nhà, trang sức, phụ kiện… Từng có năm cửa hàng kinh doanh thiết kế nội thất từ vật liệu tái chế nhưng không được bao lâu bà phải đóng cửa vì nhiều khó khăn.

Trong khi đó, nhu cầu này ở các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản lại ổn định, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Vì vậy, nhiều năm qua, hầu hết sản phẩm từ vật liệu tái chế “made in Vietnam” của bà Lisa đều được xuất khẩu.

Bao cám, bao tải, vỏ xe… đều tốt!

“Xung quanh TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Củ Chi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hằng ngày tạo ra nhiều vật liệu tái chế. Ở VN khá dễ dàng để mọi người mua bán vật liệu này, nên chúng tôi hợp tác với các xưởng, đại lý thu gom nguyên liệu thiết kế” – bà Lisa cho biết.

Từ bao cám, bao tải, vỏ kẹo đã qua sử dụng, bà Lisa “hô biến” thành túi xách, chân váy, ví cầm tay. Chồng bà, ông Hoàng Công Bình, quản lý việc thu gom vỏ, ruột bánh xe đã hư hỏng từ các tiệm sửa chữa. “Chúng tôi mua được rất nhiều cao su. Những thứ người ta vứt đi chưa hẳn là vô dụng” – vừa nói bà Lisa vừa chỉ vào bộ sưu tập túi xách, bình hoa đen óng.

Làm việc với bà Lisa còn có ba nhân viên thiết kế người VN và khoảng 20 thợ thủ công, thợ may ở Bình Chánh, Gò Vấp và tỉnh Vĩnh Long. Bà Lisa tham gia phác thảo một số kiểu dáng đồ dùng hiện đại để đội ngũ thợ tạo hình sản phẩm.

“Có khách hàng yêu cầu chúng tôi thêm nhựa dẻo bọc bên ngoài giấy để sản phẩm bền hơn, dễ vận chuyển hơn nhưng chúng tôi từ chối. Vì khi đó sản phẩm sẽ không thể tái chế thêm lần nào nữa. Tôi cũng không muốn những người thợ hít hơi nhựa không tốt cho sức khoẻ.

Trong kinh doanh, chúng tôi phải lựa chọn đâu là giá trị mình tin tưởng, điều gì là quan trọng nhất. Một vài công ty không quan tâm môi trường và sức khỏe người lao động. Nhưng kinh doanh bền vững phải nghĩ về con người, hành tinh của chúng ta, lợi nhuận. Làm sao để kết hợp ba yếu tố đó như cân bằng ba chân của một chiếc bàn” – bà Lisa khẳng định.

Chưa phổ biến 
trên “sân nhà”

“Ở Hà Nội có một số cơ sở sản xuất mặt hàng này nhưng chủ yếu là xuất khẩu. Sau nhiều năm ổn định thị trường nước ngoài, chúng tôi dự định sẽ quay lại mở rộng thị trường VN – ông Hoàng Công Bình cho biết – Công ty vẫn cung cấp hàng cho một số điểm du lịch ở Hà Nội, Phú Quốc, TP.HCM phục vụ khách du lịch”.

Về nguyên nhân đóng cửa năm cửa hàng trong nước, ông Bình chia sẻ: “Một trong những khó khăn là từ phía khách hàng VN. Họ đòi hỏi cao, đòi hỏi nhiều, có những yêu cầu thay đổi vô lý về mặt kỹ thuật, và dây chuyền làm việc của công ty khó đáp ứng. Khách Tây thì khác, họ chú trọng chất lượng, độ bền sản phẩm. Họ hài lòng với số lượng, mẫu mã công ty cung cấp”.

“Ở VN, chỉ một vài nghệ sĩ, nhà thiết kế, sinh viên sử dụng sản phẩm này vì họ quan tâm môi trường, sự tái chế và tính thủ công. Ở Mỹ, đối tượng khách hàng đa dạng hơn, họ thích sự độc đáo của câu chuyện đằng sau món đồ, và phong cách sống hướng đến môi trường trở thành thói quen ưu tiên khi họ lựa chọn hàng hoá” – bà Lisa chia sẻ.

Thừa nhận một số sản phẩm được làm tại VN lại chưa phổ biến ở VN, nhưng bà Lisa vẫn hi vọng: “Thỉnh thoảng khi tham gia hội chợ ở TP.HCM, nhiều học sinh, người trẻ hỏi han, thích thú sản phẩm của chúng tôi.

Họ sẽ là đối tượng khách hàng tiềm năng trong tương lai. Chúng tôi cũng đến trường học để nói và biểu diễn về tái chế cho học sinh xem. Hi vọng sẽ ngày càng có nhiều người ở VN bắt đầu hiểu và nghĩ về tái chế, ưa thích lối sống bền vững”.

Bạn có sẵn sàng mua một túi xách làm từ ruột xe 
giá 600.000 đồng sản xuất tại Việt Nam?

Lê Thị Ý Nhi (sinh viên, ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM):

Sản phẩm cần gắn kèm 
thông điệp môi trường

Tôi thấy giá này vẫn khá đắt với người đã đi làm. Nếu muốn thể hiện đẳng cấp, người tiêu dùng sẽ đầu tư mua hẳn một sản phẩm thật đắt của thương hiệu nổi tiếng, còn không thì họ sẽ mua sản phẩm giá vừa phải, hợp thời trang để thay đổi.

Sản phẩm này nằm ở giữa, không phải hàng cao cấp cũng không phải hàng thông dụng. Vấn đề thân thiện môi trường thì ít ai quan tâm lắm.

Tuy nhiên, nếu kiểu dáng phù hợp thị hiếu và sản phẩm gắn kèm thông điệp, logo về môi trường, người dùng sẽ dễ nhận diện và tự hào khi sử dụng sản phẩm ý nghĩa này.

* Vũ Văn Linh (kinh doanh, Q.Phú Nhuận):

Giá khá cao so với 
mặt bằng chung

Nếu thiết kế đẹp và chất lượng, tôi sẽ mua. Nhưng cơ bản là nhiều năm qua tôi chưa nghe, chưa thấy thương hiệu đó bao giờ. Không biết công ty đã quảng bá tích cực, sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng trong nước hay chưa.

Thực tế sẽ có người ngại sử dụng đồ đạc làm từ rác tái chế, chưa kể giá đó cũng khá cao so với mặt bằng chung. Tâm lý mà, ai chẳng thích dùng hàng sang, đồ hiệu, thêm giá bèo nữa thì quá tốt!

TƯỜNG HÂN