24/12/2024

Chiến hạm Mỹ ‘vây’ Trung Quốc ở Trường Sa

Mỹ bí mật điều các tàu khu trục tuần tra quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.

 

Chiến hạm Mỹ ‘vây’ Trung Quốc ở Trường Sa

Mỹ bí mật điều các tàu khu trục tuần tra quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.




 

Khu trục hạm USS Spruance (DDG 111) cùng trực thăng MH-60R Seahawk tuần tra trên Biển Đông ngày 28.6.2016. Tàu này trong số ba tàu khu trục USS Stethem, USS Spruance và USS Momsen của Hạm đội 3 cùng tuần tra Biển Đông mới đâyHẢI QUÂN MỸ


Theo tờ Navy Times, trong 2 tuần qua, các tàu khu trục USS Stethem, USS Spruance và USS Momsen của Mỹ đã âm thầm tuần tra gần những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của VN mà Trung Quốc cấp tập bồi đắp và xây dựng phi pháp trong thời gian qua, cũng như quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Một nguồn tin giấu tên cho biết các tàu Mỹ duy trì khoảng cách từ 14 – 20 hải lý với những thực thể này. Bởi nếu tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các bãi đá thì đó là một hoạt động tự do hàng hải (FONOP) cần được sự phê duyệt từ cấp cao nhất.
Thông điệp của Mỹ
 
 

 



Hôm qua 7.7, phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bắc Kinh, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi một giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông “nhằm tránh bất kỳ sự leo thang hay tính toán sai có thể gây nguy hiểm cho an ninh và phát triển khu vực”. Đáp lại, ông Vương nói rằng Trung Quốc không muốn xung đột nhưng cũng không chấp nhận phán quyết áp đặt lên nước này.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Clint Ramsden nhấn mạnh những chuyến tuần tra của các tàu khu trục Spruance, Momsen và Stethem, cũng như nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan, là một phần trong chính sách duy trì sự hiện diện của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. “Các lực lượng hải quân Mỹ đã hoạt động tại khu vực trong nhiều thập niên và sẽ tiếp tục làm điều đó”, ông Ramsden nói.

Phát ngôn viên Mỹ từ chối bình luận về chiến thuật, địa điểm tuần tra cụ thể hoặc các hoạt động sắp tới do tình hình an ninh khu vực, tuy nhiên ông khẳng định mọi cuộc tuần tra đều “tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Vào tháng trước, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã di chuyển vào Biển Đông cùng các tàu hộ tống và đây là nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai được đưa đến khu vực trong năm nay. Tàu sân bay USS John C.Stennis đã tuần tra Biển Đông trong gần 3 tháng, trước khi rời đi vào ngày 5.6. Tính đến ngày 6.7, hải quân Mỹ có 7 tàu chiến trong khu vực, bao gồm USS Ronald Reagan, 2 tàu tuần dương và 4 tàu khu trục. Theo một thông cáo báo chí gần đây, tàu ngầm lớp Virginia USS Mississippi cũng đang tuần tra ở tây Thái Bình Dương, nhưng hải quân Mỹ không bình luận về vị trí hay hướng di chuyển của tàu.
Giới chuyên gia coi đây là thông điệp thể hiện quyết tâm ủng hộ các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đồng thời là hành động biểu dương sức mạnh có chủ ý của Washington trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông vào ngày 12.7.
Ông Jerry Hendrix, một nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, cho rằng sự hiện diện dày đặc của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, bao gồm một phi đội và hàng trăm ống phóng tên lửa trên các tàu khu trục, không chỉ nằm trong khuôn khổ các chiến dịch duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân Mỹ trong khu vực, mà còn là sự đề phòng trước phán quyết của PCA. “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hành động sau phán quyết, vì thế Mỹ đã điều tàu chiến đến trước để sẵn sàng đối phó”, ông nói.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Đông Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết trong năm 2015, tổng số ngày hoạt động của các tàu chiến Mỹ trên Biển Đông là 700 và con số này sẽ tăng lên đến 1.000 trong năm 2016. “Bất kể ngày nào bạn cũng thấy có ít nhất 2 tàu hoạt động ở Biển Đông”, bà Glaser nói.
Theo chuyên gia này, sự có mặt đông đảo của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy các chỉ huy quân sự Mỹ, trong đó có Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris, đã thành công trong việc thúc đẩy một chiến lược toàn diện về sự hiện diện của Washington trong khu vực. Trước đó vào tháng 4, truyền thông Mỹ đưa tin ông Harris đã hối thúc áp dụng cách tiếp cận quyết liệt hơn tại Biển Đông nhằm ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và bắt nạt các nước láng giềng.
Bắc Kinh tiếp tục lớn giọng
Trong khi đó, càng cận kề ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc càng có những phát ngôn ngang ngược. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6.7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Washington không nên có hành động xâm phạm “lợi ích an ninh và chủ quyền Trung Quốc”. Theo Tân Hoa xã, ông Vương đã thúc giục Mỹ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp cũng như “thận trọng lời nói và hành động của mình”. Ông Vương cũng lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là PCA không có thẩm quyền trong vụ kiện của Philippines, đồng thời coi việc phân xử của PCA là “trò hề nên kết thúc sớm”. Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng rằng bất kể phán quyết như thế nào, Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải chính đáng của riêng mình”.
Từ cuối năm 2015, Mỹ tiến hành những cuộc tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và điều này đã khiến Trung Quốc tức giận. Trong phản ứng mới nhất, Bắc Kinh hôm 5.7 đã bắt đầu một cuộc tập trận rầm rộ tại khu vực bao gồm quần đảo Hoàng Sa của VN, quy tụ cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Theo Reuters, giới chức Mỹ cho biết nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng phớt lờ phán quyết của PCA, việc tăng cường tuần tra áp sát các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ tiếp tục là một trong các đối sách mà Washington thực thi tại khu vực này.

 

Trùng Quang