24/01/2025

Bảo vệ mình trước, chờ Nhà nước sau

Sản phẩm vỏ ruột xe máy nhập từ VN vừa bị Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục áp mức thuế 29-49%, bằng với mức thuế chống bán phá giá (AD) mà thị trường này đã áp trong lần phán quyết đầu tiên vào năm 2004.

 Bảo vệ mình trước, chờ Nhà nước sau

 

Sản phẩm vỏ ruột xe máy nhập từ VN vừa bị Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục áp mức thuế 29-49%, bằng với mức thuế chống bán phá giá (AD) mà thị trường này đã áp trong lần phán quyết đầu tiên vào năm 2004.

Trong khi đó, sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập từ VN cũng vừa bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế AD sơ bộ lên tới 113,8%, bằng với mức thuế mà nguyên đơn cáo buộc.

Đây không phải là những trường hợp lần đầu tiên doanh nghiệp (DN) Việt bị áp thuế rất cao trong một vụ kiện phòng vệ thương mại.

Trước đó, sản phẩm gỗ MDF nhập từ VN bị Ấn Độ áp thuế AD ở mức 63,99 USD/m3, với biên độ phá giá lên tới 40-50%, túi PE của VN vừa bị Mỹ áp thuế AD ở mức 52,3- 76,11% thêm bốn năm sau khi tiến hành rà soát thuế…

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các sản phẩm của DN Việt bị áp thuế AD cao là do các DN không hợp tác điều tra theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền từ phía nguyên đơn. Khi được hỏi vì sao “không hợp tác”, phần lớn DN đưa ra nhiều lý do như không biết luật, không nắm rõ thông tin, không có kinh phí theo đuổi vụ kiện, không có thời gian…

Các chuyên gia khẳng định nếu hợp tác đầy đủ, chắc chắn mức thuế mà các DN Việt phải chịu sẽ “mềm” hơn.

Trường hợp ba DN xuất khẩu CWP sang Mỹ chỉ phải chịu mức thuế 0-0,38%, không đáng kể so với mức thuế chung lên tới 113,8%, là một ví dụ. Giải thích lý do chỉ bị áp mức thuế thấp, các DN này cho rằng đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ suốt quá trình diễn ra vụ kiện.

“Chúng tôi đã thuê luật sư ngay tại Mỹ để tham gia trả lời đầy đủ mọi câu hỏi mà phía Mỹ yêu cầu” – một lãnh đạo của Tập đoàn Hoà Phát, DN chỉ bị áp mức thuế 0,38%, cho biết.

Theo vị này, phía Mỹ đã nêu đích danh tên DN nằm trong danh sách bị điều tra và yêu cầu cung cấp dữ liệu. Nếu DN từ chối hợp tác, phía Mỹ sẽ áp các dữ liệu, thông tin bất lợi rồi áp mức thuế “đụng trần” là điều dễ hiểu.

Ngoài những lý do chủ quan từ phía DN, theo ông Trần Hữu Huỳnh – nguyên trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), một nguyên nhân ít được phía các cơ quan chức năng thừa nhận là DN Việt không “gõ cửa” nơi đâu để được hỗ trợ, tư vấn thông tin khi có sự cố xảy ra, từ các vụ kiện ở nước ngoài đến các vụ kiện trong nước.

Kết quả khảo sát vừa được VCCI công bố cho thấy chỉ có 3,09% DN có thể tập hợp được thông tin chứng minh thiệt hại trong nước và 1,01% DN có thể tập hợp được thông tin về hiện tượng nhập khẩu ồ ạt nếu muốn kiện sản phẩm nhập khẩu đe doạ đến hoạt động sản xuất của họ.

Đây cũng là lý do đến nay VN chỉ mới thực hiện sáu vụ điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm nhập khẩu (4/6 là kiện tự vệ), trong khi các nước đã kiện VN gần cả trăm vụ với gần 80% là kiện AD.

“Trong thực tế, việc chỉ “thích” kiện tự vệ, thay vì kiện chống bán phá giá như các nước, có một bất lợi rất lớn. Đó là quốc gia sở tại phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hóa bị áp thuế tự vệ như một hình thức cân bằng cam kết thương mại với nước khác” – một chuyên gia nói.

Như vậy, việc chọn cách ứng xử nào cũng như “vũ khí” gì để bảo vệ mình hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn của không chỉ DN, mà cả của cơ quan quản lý.