24/01/2025

Bài học ‘của rẻ’ từ Trung Quốc

Công chúng Singapore đang nổi giận khi phát hiện chính phủ nước này mua tàu điện ngầm của Trung Quốc với giá hời và phải trả lại vì hỏng hóc.

 

Bài học ‘của rẻ’ từ Trung Quốc

Công chúng Singapore đang nổi giận khi phát hiện chính phủ nước này mua tàu điện ngầm của Trung Quốc với giá hời và phải trả lại vì hỏng hóc.




Những toa tàu được bọc kín do SMRT đưa đến cảng Jurong để trả về xưởng của CSR Sifang tại Thanh Đảo, Trung Quốc /// FactWire

Những toa tàu được bọc kín do SMRT đưa đến cảng Jurong để trả về xưởng của CSR Sifang tại Thanh Đảo, Trung QuốcFACTWIRE


Cơn “địa chấn” giận dữ ập đến ngay trước ngày quốc lễ Hari Raya Puasa, kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, sau khi trang tin FactWire thuộc Liên đoàn Báo chí tự do Hồng Kông hôm 5.7 đăng bài độc quyền về việc Singapore “bí mật” trả về Trung Quốc những toa tàu hỏng.
Chúng thuộc dòng tàu C151A do liên doanh Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) và CSR Sifang Locomotive & Rolling Stock (Trung Quốc) sản xuất tại TP.Thanh Đảo. CSR Sifang là một phần của tập đoàn quốc doanh khổng lồ CRRC chuyên đóng tàu hoả của Trung Quốc.
Của rẻ, của ôi
 
 

 Năm 2009, tập đoàn vận tải nhà nước lớn thứ 2 Singapore SMRT đặt mua 22 đoàn tàu điện ngầm 6 toa dòng C151A với giá 368 triệu SGD (khoảng 217 triệu USD thời điểm đó). Tính trung bình mỗi toa giá 1,64 triệu USD, thấp hơn nhiều so với giá 2,47 triệu USD/toa mà Express Rail Link (Malaysia) mua của CSR Sifang, theo FactWire.

Khi đó, CSR Sifang cho hay liên doanh trúng thầu với giá thấp thứ hai trong số các nhà sản xuất tham gia đấu thầu, còn SMRT tuyên bố họ chọn liên doanh này sau khi đã “đánh giá kỹ lưỡng” bởi “chất lượng là thứ quan trọng nhất”. Năm 2011, SMRT tiếp tục mua 13 tàu C151A và cả 35 đoàn tàu được giao từ tháng 5.2011 đến năm 2014.
Nhưng sự hân hoan của các bên “ngắn chẳng tày gang”. Những đoàn tàu C151A do Kawasaki thiết kế và sản xuất phần bệ còn CSR Sifang sản xuất toa, lắp ráp và chịu trách nhiệm kiểm tra cơ học. Sau khi được SMRT đưa vào khai thác, chúng liên tục hỏng hóc. Khó có thể kể hết những sự cố xảy ra trên 2 tuyến tàu bắc – nam và đông – tây do SMRT vận hành kể từ năm 2011 đến nay. Công chúng Singapore trở nên mất kiên nhẫn khi việc đi lại của họ liên tục bị ảnh hưởng. Tháng 12.2011, sự cố kỹ thuật của tàu dẫn đến vụ đình trệ tồi tệ nhất trong lịch sử giao thông công cộng Singapore và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SMRT Saw Phaik Hwa phải từ chức, trong khi chính phủ lập ban điều tra với trên 100 chuyên gia trong, ngoài nước kéo dài nhiều tháng. Kết luận đưa ra chủ yếu xoay quanh vấn đề bảo trì tàu.
Trong khi đó, FactWire phỏng vấn nhiều người trong các công ty liên quan cho hay hỏng hóc từng xảy ra ở tàu C151A là rất nghiêm trọng, như cửa kính ngay ghế hành khách ưu tiên bất ngờ vỡ vụn, pin nguồn điện phát nổ trong lúc bảo trì cùng hàng loạt nứt gãy ở các bộ phận cấu trúc quan trọng như chỗ nối giữa toa với bệ tàu…
Điều đáng nói là dòng tàu C151A chính là phiên bản của tàu C151 do Kawasaki sản xuất từ thập niên 1980 và gần như chưa bao giờ bị lỗi. Các nguồn tin từ Trung Quốc tiết lộ với FactWirerằng kết quả kiểm nghiệm cho thấy tạp chất trong vật liệu nhôm sử dụng làm khung thân tàu C151A. Ngoài ra, sau các sự cố, nhà sản xuất đã thay pin Trung Quốc bằng pin Đức và đến năm ngoái đã có 5 đoàn tàu C151A được thay mới.
Bài học 'của rẻ' từ Trung Quốc - ảnh 1

Vận tải các toa tàu kém chất lượng ra cảng Jurong, Singapore để trả về Trung QuốcFACTWIRE

Che giấu ?
Bài báo từ Hồng Kông lập tức gây phẫn nộ trong công chúng Singapore. Trên các diễn đàn, câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao một việc nghiêm trọng liên quan đến đời sống và quyền được biết của người dân lại do truyền thông nước ngoài phát giác?
Trả lời báo chí, Giám đốc phụ trách mảng tàu điện của SMRT Lee Ling Wee cho hay: “Kỹ sư của chúng tôi phát hiện 26 trong số 35 tàu có vết nứt trong cấu trúc nối toa tàu với bệ đỡ vào năm 2013. Từ đó, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Singapore (LTA) và nhà sản xuất để sửa chữa”. Ông Lee cũng cho biết những đoàn tàu lỗi vẫn còn trong thời hạn bảo hành và sẽ được nhà sản xuất sửa chữa cho đến năm 2023.
Thế nhưng, ngay sau đó, trang Facebook của LTA có thông cáo: “Các vết nứt trên thân tàu không phải là nghiêm trọng về mặt an toàn, không ảnh hưởng đến hệ thống và việc vận hành”.
Phản hồi của LTA như “thêm dầu vào lửa”. “Nếu các vết nứt không ảnh hưởng đến an toàn, tại sao phải trả tàu cho nhà sản xuất?”, trang The Online Citizen cật vấn. Trên các trang Facebookcủa SMRT, LTA cũng như nhiều diễn đàn mạng, toàn bộ bình luận đều chỉ trích những đơn vị liên quan là “cố tình che giấu sự thật”, “thiếu thành thật” kể cả khi vụ việc đã bị lộ. Nhiều người cũng đặt vấn đề vì sao SMRT chọn mua tàu giá rẻ do Trung Quốc sản xuất để liên tục gặp sự cố. Bình luận với Thanh Niên,một quan chức Singapore không giấu sự thất vọng: “Tôi rất buồn vì chuyện này”.
Lo ngại ở Mỹ

Trong khi công chúng Singapore phẫn nộ và tính toán thiệt hơn trong dự án mua “tàu rẻ”, báo điện tử Quartz uy tín của Mỹ cũng tỏ ra lo lắng trước chiến lược dùng giá rẻ để thắng thầu của các công ty Trung Quốc.
Tháng 3.2016, Công ty vận tải Chicago Transit chọn CSR Sifang liên doanh với một công ty Mỹ để mua 400 toa tàu với giá 632 triệu USD, thấp hơn 226 triệu USD so với giá của đối thủ Bombardier (Canada) và thấp nhất trong các nhà thầu. Trước đó, hồi tháng 10.2014, cơ quan điều hành hệ thống giao thông công cộng vùng đô thị Greater Boston, bang Massachusetts (MBTA) cũng trao cho CRRC, công ty mẹ của CSR Sifang, gói thầu 284 toa tàu điện ngầm với giá 567 triệu USD, chỉ bằng 50% giá thầu của Bombardier.
Cho tới nay, chưa có sản phẩm nào được giao cho khách hàng Chicago và Massachusetts, nhưng sự cố ở Singapore khiến bài học “tiền nào của nấy” đang được đem ra cân nhắc.


 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)