23/12/2024

Khi “bà đầm thép” đòi lại tiền

Nữ thủ tướng Margaret Thatcher, lên nắm quyền tháng 5-1979, là người gây không ít sóng gió cho con đường thống nhất của châu Âu.

 BREXIT – TỪ LỊCH SỬ ĐẾN THỰC TẾ – KỲ 2:

Khi “bà đầm thép” đòi lại tiền

 

Nữ thủ tướng Margaret Thatcher, lên nắm quyền tháng 5-1979, là người gây không ít sóng gió cho con đường thống nhất của châu Âu. 

 

 

 

 

Khi “bà đầm thép” đòi lại tiền
Thủ tướng Anh Thatcher (trái) gặp Thủ tướng Pháp Michel Rocard (người vừa qua đời ngày 2-7 ở tuổi 85) trong chuyến thăm Paris tháng 6-1988

 

 

Bà đầm thép từng nổi tiếng với câu nói liên quan chuyện đóng góp của Anh vào ngân sách châu Âu: “Điều tôi muốn, rất đơn giản: tôi muốn lấy lại tiền của tôi”.

“Bà ấy đã khiến tất cả chúng tôi mệt mỏi

Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp từng tham dự vào các cuộc đàm phán thời bà Thatcher

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Thứ sáu, ngày 30-11-1979, hội nghị thượng đỉnh chín quốc gia thành viên Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) kết thúc với một thất bại rõ ràng. Bà đầm thép, người mới lần đầu tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu, đã không ngại va chạm nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc.

Câu nói của bà đầm thép khi đó rất thẳng thắn và đơn giản. Nó phản ánh mong muốn của người Anh: lấy lại phần tiền đã đóng góp nhiều hơn cho ngân sách chung châu Âu. Câu nói đó cũng hàm ý cần có những sửa đổi nhanh chóng để trả lại cho Anh những gì xứng đáng.

Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing và thủ tướng Đức Helmut Schmidt khi đó có vẻ xem thường nữ chính khách mới chập chững bước chân vào chính trị tầm cao. Do rất tự tin vào sức mạnh, kinh nghiệm lẫn trí thông minh của mình nên hai ông cho rằng sẽ giải quyết bức xúc của bà đầm thép cái một.

Họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng: cuộc khủng hoảng “đòi lại tiền” này kéo dài đến năm năm sau đó và kết thúc ngày 26-6-1984 tại hội nghị ở Fontainebleau (Pháp) với thắng lợi ưu thế cho Margaret Thatcher. Trong khoảng thời gian đó, Valéry Giscard d’Estaing và Helmut Schmidt phải lần lượt rời quyền lực trong các năm 1981 và 1982!

Giờ đây, đánh giá lại, ông Etienne Davignon – thành viên, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu giai đoạn 1977-1985 – nhìn nhận: “Đó là một trường hợp điển hình về việc chúng tôi đã xử lý sai. Sai lầm đầu tiên là tưởng rằng những gì chúng tôi đã làm tốt cho sáu quốc gia thành viên thì cũng đương nhiên sẽ tốt cho các thành viên gia nhập sau.

Sai lầm thứ hai là thiếu tính thực tế: rõ ràng mọi người đều thấy rằng phần đóng góp của Anh cho ngân sách châu Âu là quá cao nhưng để thay đổi lại các tiêu chí về phân chia thì lại đụng đến những nguyên tắc căn bản và không ai dám vượt qua lằn ranh đó”.

Sai lầm kế tiếp là thực trạng của nước Anh. Dù đã nhiều lần phân vân với việc tham gia vào cộng đồng chung châu Âu, người Anh cũng đi đến quyết định gia nhập khi tin rằng nền kinh tế của họ sẽ được nhiều cơ hội khi bước chân qua eo biển Manche tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn. Thế rồi các kỳ vọng mau chóng sụp đổ với việc phải đóng góp vào ngân sách châu Âu mà phần lớn lúc đó tập trung tài trợ cho chính sách nông nghiệp chung, trong đó nông dân Pháp lại được thụ hưởng nhiều nhất.

Một chuyên gia Anh giấu tên giải thích: “Chúng tôi đã góp tiền vào ngân sách mà lại không được hưởng lợi kinh tế vì lúc đó chỉ tập trung cho nông nghiệp, trong khi các lĩnh vực chúng tôi muốn được hỗ trợ vực dậy lại là thép và sản xuất ôtô”.

Sai lầm cuối cùng và quan trọng nhất là thuộc về con người. Ông Davignon nhớ lại: “Lúc đó nhiều người nghĩ rằng bà Thatcher, vốn đại diện cho tầng lớp trung lưu của Anh, sẽ chủ yếu chú tâm vào vấn đề đối nội và để cho chúng tôi yên ổn làm việc của mình.

Thêm nữa chúng tôi thấy bà ấy chọn ngoại trưởng là một người ủng hộ gia nhập châu Âu (ngài Carrington) nên chúng tôi cảm thấy rất an tâm”.

“Nửa cái bánh mì”

Trong thời gian ngắn trước khi diễn ra hội nghị ở Dublin cuối tháng 11-1979, thủ tướng Thatcher gia tăng sức ép dần. Ngày 2-11, trong chuyến viếng thăm chính thức thủ đô Bonn của CHLB Đức, bà thuyết phục thủ tướng Schmidt về chuyện đòi hỏi của Anh là đúng đắn nhưng không thành công.

Ngày 20-11, tại London, cuộc nói chuyện của bà với tổng thống Pháp cũng thất bại. Sáu ngày sau đó, chủ tịch Ủy ban châu Âu là Roy Jenkins, một người Anh, cũng đã nói không với đồng hương của mình.

Khi đó bà đầm thép vẫn cho rằng những đề xuất mới của EEC giảm nhẹ phần đóng góp của Anh là chưa đủ dù tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing lại cho rằng “quá hào phóng”. Nhìn chung, ban lãnh đạo EEC ở Brussels lúc đó đề nghị giảm khoảng 3 tỉ franc cho Anh vốn khi đó bị thiếu hụt ngân sách đến gần 9 tỉ. Bà Thatcher tuyên bố gọn lỏn: “Chưa được đến nửa cái bánh mì”.

Bà đầm thép dùng đến cách vận động dư luận nước Anh, thông qua một số nhà báo đặc biệt chống lại việc đóng góp quá nhiều, trong đó có John Palmer, đặc phái viên của tờ Guardian ở Brussels. Ông này chính là người đã châm ngòi tranh luận một năm trước đó khi tung ra báo cáo mật lấy được từ Bộ Tài chính Anh cho biết Anh sẽ phải góp vào ngân sách châu Âu nhiều hơn những năm trước đó.

Trong sự bất đồng ở Dublin, một số nhà phân tích tại London cho rằng bà Thatcher có thể dùng đòn “để ghế trống” (như kiểu De Gaulle từng làm hồi năm 1965) nhằm làm tê liệt tiến trình thống nhất châu Âu. Một thăm dò dư luận công bố ngày 28-11-1979 cho biết đến 40% người Anh cho rằng Anh nên rút khỏi EEC trong trường hợp thủ tướng của mình không đạt được ý định.

Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày thứ năm 29-11 tại một lâu đài ở Dublin cho thấy mong muốn của Anh không gặp được đề xuất từ tám thành viên còn lại dù họ đã thảo luận dài hơn dự kiến. Để tránh một cuộc khủng hoảng mất mặt, hai bên hẹn gặp lại dù không xác định ngày giờ.

Hai bên tiếp tục có những cuộc họp những tháng ngày sau đó nhưng không ai thuyết phục được bà đầm thép thay đổi yêu sách. Thậm chí thủ tướng Đức Helmut Schmidt không giữ nổi bình tĩnh để phải so sánh bà đầm thép với… một con tê giác.

Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào tháng 5-1982 khi Anh từ chối mọi thỏa hiệp về phần đóng góp ngân sách của mình và bỏ phiếu phủ quyết việc áp dụng giá nông sản chung.

Tổng thống Pháp François Mitterrand trong lần thăm viếng tại Alger (Algeria) từng nói thẳng toẹt ra về “sự hiện diện hoặc kiểu hiện diện của Anh trong cộng đồng chung”. Rồi đến giữa tháng 6-1983, tại hội nghị thượng đỉnh ở Stuttgart (Đức), tổng thống Pháp không còn giữ đủ bình tĩnh để nói thẳng vào mặt bà Thatcher: “Thưa bà, không chỉ có nước bà là nghèo đâu!”.

Trong bài diễn văn tại Bruges (Bỉ) năm 1988, bà Thatcher tái khẳng định sự chống đối của mình với kiểu châu Âu liên bang và với ý tưởng Cộng đồng châu Âu có nguồn tài chính riêng. Đến khi sắp rời ghế vào cuối tháng 11-1990, nhà lãnh đạo cứng rắn của Anh vẫn chống lại chuyện thiết lập đồng tiền chung châu Âu.

Nhầm

Nhiều chính khách từng nghĩ bà đầm thép là một người ủng hộ gia nhập châu Âu. Tháng 5-1979 khi tiếp đón thủ tướng Đức Schmidt ở London, bà Thatcher từng tỏ ra rất hồ hởi khi tuyên bố việc Anh gia nhập EEC là “một điều tốt cho châu Âu và cho nước Anh”. Đưa tin về việc đó, nhật báo Pháp Le Monde ngày 4-7-1979 từng viết: “Theo ý kiến chung thống nhất, bà Thatcher đã gia nhập thành công vào châu Âu”.

Vào thời điểm đó, khi nêu vấn đề đóng góp của Anh vào ngân sách châu Âu, ngoại trưởng Pháp Jean François-Poncet từng tuyên bố tự tin: “Chín quốc gia thành viên đã quyết định thảo luận vấn đề này trong tinh thần cởi mở”. Vì lẽ đó vào đầu tháng 11 cùng năm khi hội nghị thượng đỉnh EEC khai diễn tại Dublin, mọi người không nghĩ đến sự thất bại rõ ràng của nó.

_______________

 

NGUYỄN QUÂN