23/01/2025

Mất nghìn tỉ đồng vì ‘ông trùm’ trốn thuế

Lợi dụng lỗ hổng chính sách, sự yếu kém trong quản lý thuế, các ‘ông trùm’ công nghệ như Google, Facebook, Apple, Uber… đua nhau lách, né, trốn thuế tại VN khiến ngân sách bị thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

 

Mất nghìn tỉ đồng vì ‘ông trùm’ trốn thuế

Lợi dụng lỗ hổng chính sách, sự yếu kém trong quản lý thuế, các ‘ông trùm’ công nghệ như Google, Facebook, Apple, Uber… đua nhau lách, né, trốn thuế tại VN khiến ngân sách bị thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.



Giờ vẫn không biết Uber kinh doanh gì?
Khuynh đảo thị trường taxi từ năm 2014, nhưng đến nay ngành thuế vẫn chưa biết xếp Uber vào loại hình kinh doanh gì. Trước đó, tốc độ phát triển chóng mặt của mô hình này khiến Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM liên tiếp gửi kiến nghị, tố Công ty TNHH Uber VN hoạt động “taxi trá hình” trong khi ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber VN vẫn một mực khẳng định doanh nghiệp (DN) này chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm công nghệ hỗ trợ chứ không kinh doanh vận tải.
 
 

 

Ngành thuế chật vật đánh thuế Google, Facebook, Uber…

Ngành thuế chật vật đánh thuế Google, Facebook, Uber…

Khi dư luận lên tiếng, Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM bắt tay vào cuộc thì lại rối như canh hẹ, thậm chí phải gửi công văn cầu cứu Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vì không biết tính thuế như thế nào. Sau một thời gian dài lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cuối cùng đến Tổng cục Thuế cũng… bó tay. Giữa tháng 6.2016, đơn vị này đành phải “tạm thời” hướng dẫn hai cục thuế trên cho vào nhóm ngành “kinh doanh khác”. Lý do là “dịch vụ cung cấp phần mềm để kết nối điều hành hoạt động vận tải” mà Uber kiến nghị được thực hiện chưa có quy định trong luật. Tỷ lệ phần trăm thuế giá trị gia tăng trên doanh thu tính thuế 2%; trong khi với thuế thu nhập DN tỷ lệ doanh thu tính thuế cũng chỉ 2%. 



PGS-TS Ngô Trí Long: Cơ quan thuế lâu nay vốn đã quá quen với phương thức quản lý thuế truyền thống. Nhưng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, họ không theo kịp. Nên dẫn đến tình trạng, người dân, DN nhỏ chỉ thiếu một đồng thì bị phạt, bị cưỡng chế còn hàng tỉ USD thuế từ các đại gia nước ngoài thì không thu được.



Trong khi ngành thuế còn loay hoay thì theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM, mỗi ngày Uber VN chuyển về công ty mẹ tại Hà Lan ít nhất 1 tỉ đồng lợi nhuận, mỗi năm 365 tỉ đồng. Từ con số trên, chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, với thị phần liên tục mở rộng trong thời gian qua chắc chắn lợi nhuận Uber thu được chưa dừng lại ở đó. Nếu xác định được đúng loại hình kinh doanh, buộc Uber lập pháp nhân tại VN thì với mức thuế thu nhập DN 20 – 22%, thuế giá trị gia tăng 10% và nhiều loại thuế khác thì chắc chắn số thuế thu được từ Uber cũng lên tới cả trăm tỉ đồng mỗi năm, ông Long nhận định.
“Uber đã vào VN từ hơn 2 năm nay, thời gian qua đã có pháp nhân hoạt động là Công ty TNHH Uber VN. Thế nhưng đến nay mọi văn bản pháp lý, quy định đều không có để xếp loại hình kinh doanh của DN này vào đâu để đánh thuế thì tôi cũng thật không thể hiểu nổi. Lẽ ra chúng ta đã có thể thu thuế họ được rất nhiều nếu có quy định xác định được loại hình kinh doanh”, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong bình luận.
Facebook, Google cho ngành thuế ăn trái đắng
Trước đó, Facebook và Google – hai “đại gia” công nghệ hàng đầu thế giới cũng liên tục cho ngành thuế ăn trái đắng. Theo thống kê, trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường VN năm 2014 ước rơi vào khoảng 216 triệu USD và năm 2015 ước tính 329 triệu USD. Trong đó, riêng doanh thu của Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu USD cho năm 2014. Năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu USD cho Facebook. Nếu có thể đánh thuế đầy đủ từ giá trị gia tăng, thu nhập DN hay thuế nhà thầu, ước các công ty này nộp về ngân sách hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, rất tiếc cho đến nay gần như ngành thuế không thu được đồng nào từ hai “ông lớn” này.
Tại hội nghị thuế gần đây, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận theo quy định, các đại lý của Google, Facebook tại VN phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. Điều quan trọng nhất là cơ quan thuế chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại VN, do các công ty này không có chi nhánh tại VN, chỉ có đại diện tại VN. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được muốn đánh thuế, thu thuế thì phải đánh vào đâu?
Quản lý lỏng lẻo, cố tình né thuế
Theo TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, việc các đại gia công nghệ chuyên kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới hay trong lĩnh vực thương mại điện tử né, lách thuế có nguyên nhân không nhỏ từ lỗ hổng về chính sách quản lý thuế. Hiện nay, hệ thống pháp luật về thuế chưa có quy định cụ thể các DN quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải đóng thuế như thế nào. Hơn nữa, để đi đến quyết sách về thuế trong trường hợp này còn cần phải tham chiếu luật pháp quốc tế về thuế đối với loại hình hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bởi nếu không, việc ép nộp thuế tại VN không khéo lại vi phạm, xung đột với các cam kết đối với các cộng đồng thương mại quốc tế.
Song nhìn từ một góc độ khác thì thấy rõ Google, Facebook, Uber… không hề có ý định đóng góp thuế cho VN. Đơn cử, cho đến nay các DN này vẫn không chịu lập pháp nhân dù đây là thị trường mà mỗi năm họ đang thu về hàng trăm triệu USD. Ngoài ra, kể từ khi hoạt động đến nay, tất cả cũng chỉ đóng góp chút ít tiền “thuế nhà thầu” nhưng cũng chỉ là trên danh nghĩa, vì thực tế họ ép các đại lý quảng cáo VN đóng thay ở mức 10%.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho rằng hiện nay do thiếu quy định cụ thể về thương mại điện tử nên quá trình thu thuế trên thực tế đối với các DN trên gặp quá nhiều khó khăn. Do đó, cần phải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến. Trong đó, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể: DN nước ngoài có cơ sở thường trú tại VN và không có cơ sở thường trú tại VN.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), tổng doanh thu lĩnh vực này năm 2013 đạt 2,2 tỉ USD, năm 2014 khoảng 4 tỉ USD và năm 2015, doanh thu ước đạt 6 tỉ USD. Việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông minh và quảng cáo trực tuyến (Google, Yahoo, Bing, YouTube, Facebook…) đã mang lại lợi nhuận béo bở cho các ông chủ sở hữu. Tuy nhiên, các DN vi phạm thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế giá trị gia tăng; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia như Google, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở VN.

 

 

Anh Vũ