23/01/2025

Cơn ác mộng của tình báo Mỹ

Giới chức Mỹ đang điều tra vụ Trung Quốc thu mua công ty chuyên bán các hợp đồng bảo hiểm về mặt pháp lý cho phía CIA, FBI và những cơ quan tình báo khác.

 

Cơn ác mộng của tình báo Mỹ

Giới chức Mỹ đang điều tra vụ Trung Quốc thu mua công ty chuyên bán các hợp đồng bảo hiểm về mặt pháp lý cho phía CIA, FBI và những cơ quan tình báo khác.




Tỉ phú Quách Quảng Xương (phải) vốn là một đại biểu của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc /// Caixin

Tỉ phú Quách Quảng Xương (phải) vốn là một đại biểu của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung QuốcCAIXIN


Công ty Wright USA, chuyên cung cấp bảo hiểm cho giới chức tình báo Mỹ, đã lặng lẽ đổi chủ vào cuối năm ngoái và lọt vào tay tỉ phú Quách Quảng Xương của Tập đoàn Fosun, trụ sở tại Thượng Hải.
FBI, CIA, Bộ Tài chính vào cuộc
 
 

 Ngay sau khi Fosun công bố thoả thuận mua Ironshore Insurance, công ty mẹ của Wright hồi tháng 11, mối liên hệ giữa tỉ phú Quách và Công ty Wright USA đã lọt vào tầm quan sát của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cũng như Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia, đầu tàu chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các cơ quan tình báo của nước này. FBI cũng triển khai cuộc điều tra hình sự nhằm xác định liệu Wright có “tiết lộ trái phép thông tin của chính phủ cho người ngoài” hay không, theo tạp chí Newsweek dẫn nguồn thạo tin.

Giới chức Mỹ lo ngại rằng thỏa thuận thâu tóm Wright USA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tình báo Trung Quốc thu thập tên tuổi, chức vụ, địa chỉ, số điện thoại của hàng chục ngàn quan chức tình báo và chống khủng bố Mỹ, trong đó có nhiều người hoạt động ngầm, trong vài thập niên qua.
 
 
Cách đây vài ngày, trong một động thái được xem là phản ứng trước quan ngại của chính quyền Washington, Fosun tuyên bố sẽ rao bán công ty mẹ của Wright USA là Ironshore Insurance, trụ sở tại Bermuda. Theo Reuters, tập đoàn Trung Quốc đã bỏ ra 2,3 tỉ USD trong suốt 2 năm để mua được công ty trên. Vẫn chưa rõ thời điểm Ironshore Insurance được rao bán.
 

Một đại diện của Tập đoàn Fosun đã bác bỏ những quan ngại trên của phía Mỹ, với lời khẳng định rằng hãng “không có quan hệ với chính phủ Trung Quốc”, dù các nguồn thạo tin cho hay tỉ phú Quách có quen biết rộng trong giới quan chức trung ương.

Sau khi Uỷ  ban Đầu tư nước ngoài mở cuộc điều tra vào cuối năm 2015, ông này cho hay Tập đoàn Fosun và công ty mẹ Ironshore Insurance đã tăng cường các biện pháp bảo vệ kho dữ liệu về khách hàng của Wright USA. Tuy nhiên, trong thông báo nội bộ vào đầu tháng 6, tức 8 tháng kể từ khi đổi chủ, Wright USA không hề đề cập đến tên tuổi của ông Quách lẫn các mối liên hệ của ông này với chính quyền Bắc Kinh, chỉ nói rằng Fosun là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc.
Cơn ác mộng của tình báo Mỹ - ảnh 1

Wright USA không hề đề cập đến tên tuổi của ông Quách lẫn các mối liên hệ của ông này với chính quyền Bắc Kinh, chỉ nói rằng Fosun là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Trung QuốcAFP

Công ty nội bộ
Đối với những người ở ngoài giới tình báo Mỹ, Wright USA là một công ty chẳng mấy tên tuổi trong ngành kinh doanh bảo hiểm. Công ty do một cựu quan chức FBI sáng lập vào năm 1965 này chỉ gây chú ý sau một bài báo của tờ The New York Times năm 2008. Theo mô tả, Wright USA có vai trò như chiếc phao cứu sinh về tài chính đối với các quan chức CIA cũng như những quan chức khác đang bị điều tra.
Khách hàng của hãng này bao gồm cựu Giám đốc CIA George J.Tenet; cựu cố vấn pháp lý Scott W.Muller; quyền cố vấn pháp lý dưới thời Tổng thống George W.Bush là John A.Rizzo; và José Rodriguez, giám đốc phụ trách chiến dịch, người từng ra lệnh tiêu huỷ các đoạn băng ghi lại hoạt động thẩm vấn của CIA.
Theo tờ The New York Times, hoạt động kinh doanh của Wright USA đã tăng trưởng gần gấp đôi trong giai đoạn 2001 – 2008, từ khoảng 17.000 người có hợp đồng bảo hiểm lên đến 32.000 người, “một phần do sự xuất hiện liên tục của các vụ kiện, điều tra và án hình sự có liên quan đến cáo buộc đối xử tệ với tù nhân ở Iraq, Guantanamo, các vụ trấn áp dân nhập cư và những dư chấn khác sau sự kiện khủng bố 11.9”, theo tờ báo Mỹ.
Trên thực tế, Wright USA từng là công ty ưa thích của CIA, với việc cung cấp bảo hiểm pháp lý cho nhân viên liên bang (FEPLI), theo Newsweek dẫn lời một cựu quan chức cấp cao của CIA. “Suốt thời gian tôi tại chức, Wright USA là phía ký kết hợp đồng bảo hiểm. Nếu bạn muốn mua bảo hiểm FEPLI, đó là nơi cần đến”, người này cho biết. Khi điền vào hợp đồng, đối tượng phải cung cấp mô tả tổng quát về nghề nghiệp, những vấn đề phải đối mặt. Tuy nhiên, các nhân viên của Wright USA khi đó đều được kiểm tra an ninh để có quyền xử lý các dạng thông tin nhạy cảm như vậy, theo nguồn tin.
Cơn ác mộng của tình báo Mỹ - ảnh 2

Wright USA từng là công ty ưa thích của CIA, với việc cung cấp bảo hiểm pháp lý cho nhân viên liên bangAFP

Chính vì Wright USA có đặc quyền tiếp cận thông tin mật nên một số quan chức cấp cao đã nghĩ ngay đến nguy cơ rò rỉ thông tin sau khi công ty này bị tỉ phú Trung Quốc mua lại, nhất là khi tin tặc Trung Quốc từng trộm đến 21,5 triệu tài liệu về nhân viên liên bang khi xâm nhập vào hệ thống của văn phòng quản lý nhân sự hồi năm ngoái.
“Họ đã nắm thông tin về chúng tôi”, một quan chức của Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, đồng thời nói thêm rằng có lẽ chính quyền Trung Quốc đã có hình ảnh và những dữ liệu khác được khai trong hộ chiếu của ông. “Phòng khách sạn của tôi luôn bị xáo trộn mỗi khi tôi đến nước đó. Họ thậm chí cũng chẳng cần che giấu chuyện lục soát. Họ lưu hồ sơ của tất cả chúng tôi”, quan chức Mỹ nói.
Theo Newsweek, một số cựu quan chức an ninh và tình báo của Mỹ hiện đang nghĩ cách ngăn cản Wright USA bán bảo hiểm FEPLI cho CIA và các cơ quan khác. “Mảng bảo hiểm FEPLI của Wright cho phép hãng có thể theo dõi, thu thập và tập hợp những thông tin hết sức nhạy cảm về giới nhân viên và các nhà thầu tình báo Mỹ”, theo cựu quan chức CIA Tom Woolston.
Trong báo cáo cá nhân soạn thảo cho các nhà đầu tư tiềm năng, ông Woolston kết luận rằng các mối liên hệ với chính quyền Bắc Kinh của tỉ phú Quách biến ông này thành một chủ nhân hoàn toàn không thích hợp cho Wright.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tổ chức nước ngoài bị liệt vào dạng thù địch đối với lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực tình báo”, theo ông Woolston. Do vậy, Wright USA không thể tiếp tục cung cấp FEPLI sau khi bị bán cho nước ngoài.
Trong khi đó, một quan chức CIA, vừa về hưu dưới vỏ bọc quan chức Bộ Ngoại giao, gọi đây là cơn ác mộng của cộng đồng tình báo Mỹ, bởi nếu một cơ quan gián điệp Trung Quốc có thể truy cập vào các giao dịch của Wright, họ có thể theo dõi các hợp đồng để lần theo danh tính của những người đang nằm vùng. “Có thể mất nhiều tháng để (CIA) tìm cách xử lý vấn đề”, ông phân tích.

 

Thuỵ Miên