Kỳ thi THPT quốc gia: Đề mở và thực tế
Ở cả 2 môn địa và hoá trong ngày thi hôm qua (3.7), các nhà chuyên môn nhìn nhận hợp lý cho một kỳ thi nhằm 2 mục đích.
Kỳ thi THPT quốc gia: Đề mở và thực tế
Ở cả 2 môn địa và hoá trong ngày thi hôm qua (3.7), các nhà chuyên môn nhìn nhận hợp lý cho một kỳ thi nhằm 2 mục đích.
Phổ điểm môn địa sẽ cao ?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, địa lý là môn có TS đăng ký dự thi nhiều nhất trong số các môn tự chọn với tổng số 436.534 TS vì cho rằng đây là môn dễ “ăn” điểm do cho phép sử dụng Atlat trong phòng thi.
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên môn địa lý, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận xét, đề thi ngắn gọn, vừa phải, bám sát chương trình. TS nắm kiến thức cơ bản, có kỹ năng sử dụng Atlat là có thể làm tốt đề thi.
Cũng theo ông Lịch, đề thi năm nay đề cập nhiều vấn đề mang tính thực tiễn như: vấn đề bảo vệ sự đa dạng sinh học ở VN; ảnh hưởng quá trình đô thị hóa; sự chuyển dịch cơ cấu lao động; vấn đề xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL. “Với cách ra đề như vậy, điểm trung bình khá sẽ cao. Với TS quan tâm tới các vấn đề thực tiễn, thời sự trong nước, chú ý học cơ bản thì sẽ dễ đạt điểm cao”, ông Lịch nói.
TIN LIÊN QUAN
Thi THPT quốc gia: Gợi ý giải đề thi môn địa
Sáng nay 3.7, thí sinh thi môn địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Thanh Niên Online mời bạn đọc xem gợi ý giải đề thi của môn thi này.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Huỳnh Thuỷ Thuỳ Lan, Tổ trưởng tổ địa Trường THPT An Lạc (TP.HCM) cho biết đề địa nhẹ nhàng, TS học khá sẽ dễ đạt được điểm cao. Cũng theo thạc sĩ Lan, đề địa hay, câu hỏi rõ ràng, cấu trúc hợp lý. Bên cạnh bám sát chương trình học, nội dung câu hỏi còn yêu cầu TS biết cách vận dụng vào thực tế khi làm bài.
Bà Trần Thị Thanh Thu, chuyên viên môn địa lý Sở GD-ĐT Phú Yên, nhận định: “Phần phân hóa nằm ở câu 4, đây là câu lý thuyết khó, đòi hỏi phải có khả năng khái quát, tổng hợp, phân tích kiến thức. Nhìn chung đề hay, có câu hỏi mở và thực tế có thể phát huy tính sáng tạo của HS”.
Rời khỏi phòng thi môn địa lý, nhiều TS ở Lâm Đồng phấn khởi. Tại điểm thi Trường THCS và THPT Tây Sơn (TP.Đà Lạt), Trần Ý Nhi (HS Trường THPT Đạ Tẻh, H.Đạ Tẻh), chia sẻ: “Đề thi môn địa lý năm nay ra sát sườn, có trong chương trình phổ thông, mới hết hơn 2/3 thời gian, em đã làm bài xong”.
Tại TP.HCM, hầu hết TS đều phấn khởi với đề môn địa. Thiên An (Trường THPT Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Tính thời sự được đưa vào đề địa là hiện tượng nhiễm mặn ở ĐBSCL. Nếu không theo dõi tình hình nhiễm mặn ở khu vực này thời gian qua, TS không thể làm được phần này”.
“Cắn bút” ở các câu cuối
Ông Nguyễn Văn Bang, giáo viên dạy hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) nhận định: “Đề có 60% là kiến thức cơ bản. Hầu hết TS làm được 5 điểm. Đề có 10 câu thật sự khó”. Ông Đoàn Thuật, giáo viên hóa Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhận xét đề có nhiều câu liên hệ thực tiễn ứng dụng giáo dục trong cuộc sống khá hay như câu về thuỷ ngân, rượu metanol… Đề có tính phân loại cao nên HS ở vùng nông thôn khó đạt được điểm 9, 10. Nếu tự học, học lực khá giỏi ở những vùng này cũng chỉ có thể đạt điểm 7 – 7,5”.
Phần lớn TS nhận định đề hoá khó. Ở Quảng Ngãi, Trần Ái Anh (HS Trường THPT Võ Nguyên Giáp) chia sẻ: “Em là HS giỏi hóa cấp tỉnh nhưng có nhiều câu phải cắn bút. Trong phòng thi của em, sau khi đọc đề thi nhiều bạn mặt mày tái mét”. Nhiều HS chuyên hoá Trường THPT chuyên Lê Khiết cũng than đề khó, thời gian không đủ để tính toán.
TIN LIÊN QUAN
Thi THPT quốc gia: Gợi ý giải đề thi môn hoá
Chiều nay 3.7, thí sinh tiếp tục thi môn hoá học trong kỳ thi THPT quốc gia, Thanh Niên Online mời bạn đọc xem gợi ý giải đề thi của môn thi này.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhiều TS âu lo sau khi rời khỏi phòng thi. Yến Mai (HS Trường THPT Tân Phong) nhận xét: “Theo em nghĩ, đề môn hóa có tính phân hóa rõ rệt nhất, chỉ những HS giỏi thật sự mới đạt điểm cao”. Anh Tuấn (HS Trường THPT Minh Khai) nói: “Đề quá khó. Nhiều câu đánh… may rủi. Chỉ mong được 5 điểm”.
Tuy nhiên cũng có nhiều TS tự tin. Các TS tại điểm thi Trường ĐH Xây dựng miền Trung cho biết dự đoán đạt
8,5 điểm, tuy có một số câu hỏi khó đành phải chấp nhận làm bài theo kiểu may rủi. Diễm Lợi (HS Trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM), nhận xét: “Đề hóa năm nay cũng… bình thường thôi. Em nghĩ không khó để đạt điểm 6. Có khoảng hơn 20 câu bài tập tương đối khó, nhưng nếu ôn tập kỹ, tiếp xúc với nhiều đề thi thử… thì cũng có thể tìm cách giải được”.
Các trường sẽ chọn được thí sinh phù hợp từ đề thi hóa
Đề năm nay dài hơn mọi năm dễ tạo tâm lý hoang mang ngay từ đầu cho TS. Nội dung trải rộng cả 3 khối 10, 11 và 12, trong đó có những câu phải vận dụng kiến thức cả 3 khối để giải quyết.
Không như năm trước 30 câu đầu là những câu đơn giản, đề năm nay đã phân hóa từ nhóm 30 câu đầu này, tức chỉ có 26 câu TS có thể dễ dàng đánh ngay đáp án, còn lại 4 câu không dễ dàng có ngay kết quả. Ưu điểm của đề năm nay là phần này đã đưa ra những câu có tính chất vận dụng chứ không thuần tuý là nhận biết và thông hiểu.
Ở 20 câu còn lại thực sự là những câu có tính phân hóa rõ rệt giữa tương đối khó – khá khó – khó – cực khó. Mức độ phân hoá rất rõ phù hợp với mức độ xét tuyển vào các trường ĐH khác nhau. Nhóm câu này đều tập trung ở mức độ vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết… Có những câu khó và dài hơn năm trước nên TS không dễ để kết thúc sớm bài thi.
Nhìn chung, đề phân hoá rất tốt giữa các mức điểm 5, 6, 7, 8, 9 và 10 nên các trường ĐH có đủ dữ kiện để chọn lựa TS cho phù hợp. Điểm 10 năm nay sẽ hiếm.
Nguyễn Đình Độ (Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân – TP.HCM)
|
Thanh Niên