23/01/2025

Phân bón giả, thiệt thòi đổ hết lên đầu nông dân

Chiều 2-7, hội thảo “Phân bón giả – tác hại thật” đã diễn ra tại TP Vũng Tàu. Hội thảo do Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với các đơn vị tổ chức.

 

Phân bón giả, thiệt thòi đổ hết lên đầu nông dân

Chiều 2-7, hội thảo “Phân bón giả – tác hại thật” đã diễn ra tại TP Vũng Tàu. Hội thảo do Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với các đơn vị tổ chức.

 

 

 

Phân bón giả, thiệt thòi đổ hết lên đầu nông dân
Nông dân Nguyễn Hữu Năm (Bình Phước) bức xúc vì hiện có quá nhiều loại phân bón và phân bón kém chất lượng – Ảnh: Đông Hà

Tại hội thảo, các nhà khoa học lẫn nông dân đều rất bức xúc trước nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành hiện nay.

Những đề xuất của họ về siết quản lý phân bón rất đáng để các cơ quan quản lý tham khảo và có những chính sách hợp lý để triệt nạn phân bón giả, kém chất lượng.

Mỗi năm 
3.000 vụ vi phạm

Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết bình quân hằng năm, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng với khối lượng trên dưới 10.000 tấn.

Tuy nhiên theo nhiều nông dân, đó chỉ là con số bề nổi, còn rất nhiều vụ việc vi phạm khác không được phát hiện.

Ông Lam thừa nhận tình trạng phân bón giả, kém chất lượng biểu hiện ở việc ghi nhãn mác mập mờ, “sản xuất bằng cuốc, xẻng mà ghi là công nghệ Mỹ”.

Với tư cách là nhà sản xuất phân bón, đại diện PVFCCo cũng bức xúc nói rằng: phân bón giả, kém chất lượng hoành hành không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm tổn hại đến việc sản xuất 
kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới – cho biết: một trong những nguyên nhân để cho thực trạng phân bón giả hoành hành là do cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý chưa có những cải cách triệt để. Ví dụ như chưa quy định cụ thể phân bón kém chất lượng bao nhiêu phần trăm là thành phân bón giả.

Do đó, những người làm phân bón giả sẵn sàng nộp phạt vì tiền thu lợi từ bán phân bón giả cao gấp nhiều lần so với tiền phạt. Và trên thực tế những năm gần đây, qua kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Chưa hết, TS Nghĩa cũng chỉ ra một bất cập lớn khác là hiện tại thị trường phân bón ở VN có đến 7.000 chủng loại. “Việc gì chúng ta phải cho tồn tại một số lượng chủng loại phân bón nhiều như vậy? Theo tôi, chỉ cần khoảng 200 loại là đủ. Như vậy dễ quản lý, bà con nông dân dễ chọn” – TS Nghĩa đề nghị. “Với 7.000 loại phân bón thì tôi cũng nhức đầu chứ đừng hỏi vì sao bà con nông dân không hoa mắt vì có búa xua loại phân bón trên thị trường” – TS Nghĩa nói.

Đồng tình với ý kiến của TS Nghĩa, ông Nguyễn Hữu Năm (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) bức xúc nói rằng bản thân ông là nông dân nhưng khi đi mua phân bón cũng chóng mặt vì có quá nhiều loại. Ông Năm đề nghị nên học theo các nước để có cách quản lý phân bón tiên tiến, giúp người nông dân không bị hại, đừng cấp phép lưu hành phân bón tràn lan như hiện nay.

Thiệt hại nặng nề, 
nông dân lãnh đủ

Tất cả ý kiến tại hội thảo đều khẳng định tác hại của phân bón giả kém chất lượng là rất lớn và “thiệt thòi gì thì cũng đổ lên đầu nông dân”, TS Nghĩa nói. Cũng theo ông, ngoài những thiệt hại thấy được là thất thu mùa vụ còn có những thiệt hại vô hình khác như nước ngầm bị ô nhiễm, sản phẩm xuất khẩu mất uy tín và những thiệt hại này không ai bù đắp được.

Tại hội thảo, một số kinh nghiệm phân biệt phân bón thật – giả cũng được các chuyên gia, nhà quản lý và nông dân chia sẻ. Ông Hồ Quang Thái – phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia – khuyến nghị bà con nông dân nên vào trang web của Bộ Công thương để nghiên cứu, tìm hiểu các nhà máy sản xuất, các loại phân bón hoặc trực tiếp liên hệ với nhà máy để tìm hiểu trước khi mua.

Khi mua và sử dụng phải lưu lại hóa đơn, bao bì. Còn TS Nghĩa khuyên bà con nông dân không nên bón hết lượng phân mua mà nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố có bằng chứng.

“Phòng chống, ngăn chặn phân bón giả cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp chân chính, các đại lý phân bón và của chính bà con nông dân” – đại diện PVFCCo chia sẻ.

Phải biết chọn nhãn hiệu uy tín

Ông Trịnh Văn Chương – phó giám đốc PVFCCo khu vực Đông Nam bộ – khẳng định những sản phẩm của nhãn hàng này cung cấp cho bà con nông dân có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và đã có thương hiệu, được bà con nông dân tin dùng nhiều năm qua. Bên cạnh đó, PVFCCo đã xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, kịp thời trên cả nước.

Đồng thời tổ chức các hoạt động liên kết 4 nhà: nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và nhà nông nhằm cung cấp thông tin, quy trình canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung cấp các thông tin hữu ích về phân bón, sử dụng phân bón, góp phần cùng địa phương và bà con nông dân có các vụ mùa bội thu.

ĐÔNG HÀ