23/01/2025

Nghẹt thở giải cứu con tin ở Bangladesh

Một vụ tấn công mang dấu ấn IS đã làm rung chuyển thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến khoảng 20 người nước ngoài thiệt mạng.

 

Nghẹt thở giải cứu con tin ở Bangladesh

Một vụ tấn công mang dấu ấn IS đã làm rung chuyển thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến khoảng 20 người nước ngoài thiệt mạng.




Lực lượng binh sĩ giải cứu con tin /// Reuters

 

Lực lượng binh sĩ giải cứu con tinREUTERS


AFP hôm qua 2.7 đưa tin một nhóm gồm 7 – 9 tay súng đã xông vào nhà hàng Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dhaka tối 1.7, nơi có nhiều người nước ngoài đang dùng bữa.
Các tay súng nhanh chóng bắt giữ khoảng 20 thực khách và 20 nhân viên của nhà hàng làm con tin. Sau hơn 10 giờ thương thuyết bất thành, lực lượng đặc nhiệm Bangladesh sáng 2.7 đã quyết định ập vào bên trong toà nhà, châm ngòi cho vụ đấu súng dữ dội giữa hai bên.
Cảnh sát cuối cùng đã tiêu diệt được 6 tay súng và bắt giữ 1 nghi can. Về phía cảnh sát, có 2 sĩ quan thiệt mạng và 30 người khác bị thương, theo Reuters. Có ít nhất 13 con tin đã được giải thoát. “Ba trong số những nạn nhân được giải cứu là người nước ngoài, gồm 1 công dân Nhật Bản và 2 người Sri Lanka”, một phát ngôn viên quân đội cho biết.
Chỉ giết người nước ngoài
Cuộc tấn công con tin bắt đầu khi các nhân viên an ninh tại khu nhà giàu Gulshan ở Dhaka phát hiện nhóm người lạ mang súng tụ tập bên ngoài một trung tâm y tế, theo Reuters dẫn lời ông Gowher Rizvi, cố vấn của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Khi lực lượng an ninh tiến đến, các tay súng nhanh chóng tháo chạy vào nhà hàng Holey Artisan Bakery bắt giữ con tin. Lúc này, lực lượng đặc nhiệm hơn 100 người đã được huy động đến bao vây hiện trường.
Thân nhân của các con tin chờ đợi tin tức bên ngoài nhà hàng - Ảnh: Reuters

Thân nhân của các con tin chờ đợi tin tức bên ngoài nhà hàng – Ảnh: Reuters

Bên trong nhà hàng, các tay súng tỏ ra rất manh động. Ali Arsalan, chủ nhà hàng trên, cho biết các nhân viên của ông kể lại rằng bọn khủng bố đã hét lớn “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại) khi xông vào tòa nhà. Sau đó, bọn chúng ra lệnh các thực khách và nhân viên trong nhà hàng đọc kinh Koran. Những ai không đọc được sẽ bị đánh đập dã man, thậm chí bị giết chết, theo tờ báo địa phương The Daily Star.
Riêng các con tin Bangladesh thì được đối xử tốt và các tay súng còn cho phép họ ăn cơm tối. “Thật là một đêm kinh khủng. Bọn bắt giữ con tin có súng tự động và cả bom. Tôi cảm nhận được đạn bay sát bên mình”, ông Diego Rossini, một đầu bếp người Argentina, kể lại. Theo AFP, ông này đã may mắn thoát chết nhờ chạy kịp lên lầu và nhảy qua nóc nhà bên cạnh thoát thân.
Giới chức quân đội Bangladesh đến tối 2.7 xác nhận 20 người thiệt mạng phần lớn là công dân nước ngoài. Đến tối 2.7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga xác nhận 7 công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ tấn công, theo Reuters. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cũng xác nhận có 9 công dân Ý bị sát hại và người thứ 10 đang mất tích. Ông Gentiloni cho rằng người này có thể đang ẩn nấp hoặc nằm trong số những người bị thương. Trong số nạn nhân tử vong còn có 1 công dân Mỹ và 1 nữ sinh Ấn Độ, theo xác nhận của bộ ngoại giao hai nước.
Thủ phạm là IS?
Khoảng 4 giờ sau vụ tấn công, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm thông qua tổ chức truyền thông Amaq của nhóm. IS sau đó còn công bố hàng loạt bức ảnh chụp hiện trường bên trong nhà hàng với nhiều thi thể nằm trong vũng máu. Hiện chưa rõ tính xác thực của những bức ảnh này.
Thủ tướng Sheikh Hasina ngay lập tức lên án vụ tấn công, đồng thời khẳng định sẽ mở chiến dịch quy mô lớn truy quét khủng bố. Chính phủ của bà Hasina từng bác bỏ các cáo buộc cho rằng IS “cài cắm” tại đây, đồng thời cho rằng chính các tay súng cực đoan địa phương mới là thủ phạm đứng sau một loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào cộng đồng thiểu số tôn giáo trong nước cũng như người nước ngoài. Tuy nhiên, vụ tấn công trên cho thấy nhiều khả năng IS đã vươn vòi sang Bangladesh.
Truyền thông Bangladesh cho hay nhà hàng Holey Artisan Bakery toạ lạc tại khu Gulshan, nơi có nhiều đại sứ quán và tổ chức phi chính phủ nên có tới hàng trăm người nước ngoài lưu trú.
Tầng lớp trung lưu Bangladesh cũng mua nhà sống tại Gulshan. An ninh tại khu vực này rất nghiêm ngặt và đây được xem là một trong những nơi an toàn nhất ở Dhaka. Theo BBC, chính phủ Bangladesh đã cho tăng cường an ninh tại Gulshan ngay sau khi một công dân Ý bị các tay súng cực đoan sát hại hồi năm 2015.

 

Danh Toại