23/01/2025

Không được tận thu gây khó khăn cho doanh nghiệp

Ngành tài chính phải rà soát các quy định và thực thi việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, không được để lợi ích nhóm xen vào từ khi xây dựng thể chế chính sách đến khi thực thi.

 

Không được tận thu gây khó khăn cho doanh nghiệp

 

Ngành tài chính phải rà soát các quy định và thực thi việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, không được để lợi ích nhóm xen vào từ khi xây dựng thể chế chính sách đến khi thực thi.

 

 

 

Ngày 2-7, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của ngành tài chính, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo không để lợi ích nhóm xen vào chính sách thu chi ngân sách. Đặc biệt không được tận thu gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

​Cụ thể, Phó thủ tướng đề nghị ngành tài chính cần rà soát chính sách thu. Bởi trong điều kiện hội nhập ngày càng tăng, cần thực hiện việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo cam kết.

Do đó, để bù đắp hụt thu do giảm thuế, chính sách thu ngân sách cần nghiên cứu đảm bảo bù đắp hụt thu.

Đặc biệt, ngành tài chính phải rà soát các quy định và thực thi việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, không được để lợi ích nhóm xen vào từ khi xây dựng thể chế chính sách đến khi thực thi.

Riêng về thu ngân sách, Phó thủ tướng lưu ý khi giao dự toán thu cho các địa phương sao cho hợp lý. Với cách làm như hiện nay, có thể khiến tỉnh nào cũng phải tìm cách tăng thu.

Tùy đặc thù địa phương, theo ông, không nhất thiết mọi tỉnh đều năm sau thu phải tăng so với năm trước với tỉ lệ như nhau.

Ngoài ra, để đảm bảo thu ngân sách bền vững, không được ban hành thêm chính sách gây khó khăn cho sản xuất, thương mại, mà trái lại, phải tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo cân đối ngân sách, Phó thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính và các tỉnh không đạt chỉ tiêu thu trong năm nay thì sang năm cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu chi, không thể cứ chi để gây bội chi ngân sách địa phương rồi chạy lên kêu trung ương hỗ trợ.

Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm chi hội họp, khánh tiết để cắt giảm tiêu thiết thực và hiệu quả.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lo ngại nguy cơ hụt thu ngân sách trung ương có thể xảy ra vì giá dầu bình quân 6 tháng đầu năm là 40 USD/thùng, giảm trên 20% so với dự toán.

Cùng với đó là tác động của việc thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi VN tham gia các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư rất chậm.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thấp và thu khó khăn hơn.

Để đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách, ông Dũng cho hay đã họp với 13 địa phương có điều tiết thu về trung ương và cùng chỉ ra “từng món, từng miếng” có khả năng thu.

Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu tăng thu thêm so với dự toán cho 13 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…) với tổng số tiền hơn 58.000 tỉ đồng (không kể tiền sử dụng đất). Do đó, tổng thu ngân sách năm nay sẽ vượt dự toán như năm ngoái.

Không tăng thêm tiêu chuẩn xe công

Tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho các sở ngành của Hà Nội được tăng gấp đôi tiêu chuẩn định mức xe ôtô công, tức là từ 2 chiếc lên 4 chiếc.

Lý do là địa bàn Hà Nội rộng, khối lượng công việc nhiều. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng nên xem xét lại quy định về định mức xe công.

Tuy nhiên, trả lời báo chí về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai vẫn khẳng định đây là quy định nêu trong quyết định 32 vừa được Thủ tướng ký nên tất cả các bộ ngành, địa phương phải thực hiện. Ý kiến đề xuất của các đơn vị, bộ ngành sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi nếu chưa phù hợp.

LÊ THANH