01/11/2024

Tự tạo cơ hội: Trồng cỏ mực dễ kiếm tiền

Chỉ với 6.000 m2 đất nông nghiệp, ông Trần Xuân Bình thu về hơn 150 triệu đồng mỗi năm, nhờ luân canh nhiều loại cây trồng, trong đó cỏ mực là chính.

 

Tự tạo cơ hội: Trồng cỏ mực dễ kiếm tiền

Chỉ với 6.000 m2 đất nông nghiệp, ông Trần Xuân Bình thu về hơn 150 triệu đồng mỗi năm, nhờ luân canh nhiều loại cây trồng, trong đó cỏ mực là chính.




Ông Bình bên cạnh ruộng cỏ mực sắp thu hoạch /// Tuyết Hương

 

Ông Bình bên cạnh ruộng cỏ mực sắp thu hoạchTUYẾT HƯƠNG

 


Với 4 sào đất (1 sào tương đương 500 m2) gia đình cho “làm vốn” lập nghiệp ban đầu, vợ chồng ông Bình (ở thôn Đông Bình, xã Hoà An, H.Phú Hoà, Phú Yên) đã mạnh dạn thuê thêm 8 sào đất của những hộ khác, mở rộng diện tích canh tác và đã tìm được cách nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông chia sẻ: “Nhờ tham gia nhiều lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp hay nên tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm. Nhận thấy mô hình luân canh cây trồng sẽ hiệu quả, nên tôi triển khai trồng trên diện tích hiện có. Để thành công khi tăng vụ, tôi chọn loại cây trồng phù hợp, đảm bảo đất không bị bạc màu và thoái hoá, tránh phát sinh dịch hại, sâu bệnh”. Bằng kinh nghiệm của mình, ông trồng luân canh cây lúa, bắp với hoa màu như bí xanh, dưa leo… mỗi năm được 3 vụ.
Năm 2008, khi Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung ký hợp đồng trồng và bao tiêu cây diệp hạ châu, ông Bình đã mạnh dạn tham gia. Trên diện tích 12 sào đất, ông Bình đã luân canh được 4 vụ/năm, gồm 1 vụ lúa, 2 vụ diệp hạ châu (cây diệp hạ châu có thời gian sinh trưởng 45 ngày) và 1 vụ bắp. Nhưng đến năm 2012, ông Bình chuyển sang trồng cây cỏ mực cung cấp cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung đến nay, vì cây này hiệu quả hơn.
“Cây cỏ mực có thời gian sinh trưởng ngắn, đảm bảo có thể luân canh đủ 4 vụ trong 1 năm gồm: lúa, cỏ mực, cỏ mực và bắp. Nhờ lúa và bắp được trồng trái vụ nên giá bán lúc nào cũng cao so với khi trồng chính vụ. Trong khi đó, cây cỏ mực lại được bao tiêu với giá 3.700 đồng/kg nên tôi luôn yên tâm về đầu ra”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết nhờ áp dụng hình thức luân canh cây trồng, đất canh tác được cải tạo hợp lý, tạo độ tơi xốp cần thiết, nên hạn chế sâu bệnh và dịch hại. Nhờ vậy, các loại cây đều cho năng suất vượt trội. “Nhiều năm nay, ruộng nhà tôi bao giờ cũng đạt năng suất hơn 400 kg lúa/sào; sau khi trừ chi phí lãi khoảng 15 triệu đồng/vụ. Còn cây bắp, bình quân mỗi vụ lãi khoảng 18 triệu đồng. Riêng cây cỏ mực, sản lượng thu hoạch đạt cao, khoảng 48 tấn/2 vụ (trong vòng 3 tháng), sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi gần 120 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng 150 triệu đồng”, ông Bình chia sẻ.
Hiện nay, cây cỏ mực là cây trồng chính, mang lại nguồn thu nhập cao nên ông Bình đầu tư chăm sóc theo hướng dẫn của trung tâm. Tuy nhiên khi trồng loại cây này, người trồng phải hết sức chú ý cách bón phân. Đây là loại cây dược liệu nên chỉ sử dụng các loại phân chuồng, không được dùng phân bón hóa học. Đồng thời, trên một chân ruộng không được trồng quá 2 vụ cỏ mực/năm để tránh tình trạng đất bị khô cằn, bạc màu.
Ông Nguyễn Xuân Dang, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, nhận xét: Ông Trần Xuân Bình là điển hình nông dân sản xuất giỏi, được huyện tuyên dương nhiều năm liền. Mô hình luân canh cây trồng của gia đình ông Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được địa phương nhân rộng. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Bình còn là Chi hội trưởng Nông dân và Chủ nhiệm CLB Nam nông dân, dân số và phát triển của thôn Đông Bình. Ở vai trò nào, ông Bình cũng rất nhiệt tình, năng nổ.

Đức Huy – Tuyết Hương