23/12/2024

Đề thi từ dễ đến khó

Trong ngày thi đầu tiên (1.7) kỳ thi THPT quốc gia 2016 ở cả 2 môn toán và ngoại ngữ, có nhiều thí sinh bước ra phòng thi than đề quá khó nhưng không buồn bã; ngược lại không ít thí sinh cho rằng đề vừa sức.

 

Đề thi từ dễ đến khó

Trong ngày thi đầu tiên (1.7) kỳ thi THPT quốc gia 2016 ở cả 2 môn toán và ngoại ngữ, có nhiều thí sinh bước ra phòng thi than đề quá khó nhưng không buồn bã; ngược lại không ít thí sinh cho rằng đề vừa sức. 




Thí sinh TP.HCM sau khi thi môn toán ///  Ảnh: Độc Lập

Thí sinh TP.HCM sau khi thi môn toánẢNH: ĐỘC LẬP


Nhưng chưa thí sinh nào chắc chắn làm hết 100%, đặc biệt với môn toán.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, các giáo viên đều có cùng nhận định đề thi môn toán và tiếng Anh năm nay có khả năng phân loại học sinh (HS) tốt hơn năm trước.
Phổ điểm môn toán sẽ đẹp !
Ông Nguyễn Hoàng Cương, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhận xét: “Đề thi vẫn bám theo cấu trúc của đề năm trước, đảm bảo độ phân hóa từ căn bản đến khó và rất khó, rõ nhất ở câu 9, 10, 11. Tính căn bản của đề là đảm bảo những HS chỉ cần lực học ở mức trung bình có thể đạt được từ 5 – 6 điểm. HS khá có thể đạt được mức điểm từ 6 – 7,5. Phần còn lại ở dạng rất khó, chỉ những HS giỏi mới có thể lấy điểm được.


Ông Đinh Hữu Lâm, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) chỉ ra cụ thể hơn: “Năm nay tôi đánh giá mức độ phân loại từ 6 điểm, 6,5 điểm lên 7 điểm có mức phân loại tốt hơn so với năm ngoái. Câu cuối cùng khác hẳn mọi năm, có 2 ý nên các em có thể không làm trọn vẹn được nhưng vẫn làm được 1 ý nên được nửa điểm hoặc 0,25 điểm. Ý thứ 2 của câu 10 tương đối khó, đòi hỏi các em phải có năng lực đặc biệt mới có thể làm được. Câu tọa độ phẳng, mức độ điểm từ 7 lên 8 tôi cho là rất hay. Với đề thi năm nay, số lượng HS đạt từ 8 điểm trở lên sẽ nhiều hơn so với năm ngoái. Phổ điểm chung tôi cũng nghĩ là sẽ tương đối đẹp”.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) nhận định: “Thông thường câu hỏi về hình học không gian rất ít khi cho dạng hình lăng trụ và nếu có cho thì cho dạng lăng trụ đứng chứ không phải lăng trụ xiên như năm nay. Do vậy thí sinh (TS) chỉ xét tốt nghiệp sẽ khá vất vả với câu hỏi này”.


Ngoài ra, ông Toàn cho rằng TS chỉ xét tốt nghiệp sẽ khá vất vả hay TS có học lực trung bình sẽ không dễ dàng để lấy điểm 5. Đề thi có độ phân hóa tốt, có tính khoa học. Chẳng hạn câu hỏi số 8 là câu hỏi trong mặt phẳng OXY được phân nhỏ thành 3 ý có tác dụng dẫn đường để học trò giải bài toán được cho là khó.
Hiếm thí sinh đạt điểm tuyệt đối
Với môn tiếng Anh, bà Lê Thu Hương, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An nhận xét, việc phân loại HS khá giỏi năm nay rõ rệt hơn hẳn năm trước. HS có học lực khá sẽ đạt được mức điểm 7 – 8, nhưng để đạt được điểm tuyệt đối thì sẽ rất hiếm vì có 1 – 2 câu ở mức rất khó mà giáo viên cũng phải suy nghĩ kỹ mới có câu trả lời đúng.


Tuy nhiên, theo bà Hương, phần đề dành cho HS trung bình với mục đích tốt nghiệp THPT thì lại vẫn còn tương đối khó so với yêu cầu. Cụ thể, bà Hương cho rằng với đề thi năm nay, HS trung bình trở xuống nếu không luyện thi môn tiếng Anh như HS khối D hoặc khối A1 thì chỉ có thể làm được khoảng 25/64 câu. “Năm trước, phổ điểm môn tiếng Anh rất “xấu” và tôi lo ngại rằng điều này cũng sẽ vẫn không được cải thiện trong năm nay vì HS trung bình sẽ khó đạt được mức điểm 6”, bà Hương nói.


Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) cho rằng đề tiếng Anh “dễ thở” hơn năm trước. 18 câu hỏi phần trắc nghiệm tổng quát không hóc búa, mà lại có rất nhiều câu giúp TS không bị điểm liệt. Phần đoạn văn điền từ cũng không phức tạp, các từ dùng để điền vào ô trống đều khá quen thuộc…


Phần đề thi mà nhiều TS lo lắng là viết luận nhưng trong đề thi có cho gợi ý, do vậy TS chỉ cần viết mở bài nói về lợi ích của bơi lội sau đó phát triển ý như gợi ý của đề thi là chắc chắn có điểm.
Theo ông Tùng, kết quả thi sẽ cao hơn, nhiều TS đạt điểm từ 7 trở lên hơn và ít TS bị điểm liệt.
Đề thi thiết kế giúp TS có tâm lý tốt làm bài thi
Trả lời Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đề thi được Bộ GD-ĐT thiết kế từ dễ đến khó trên cơ sở giúp cho TS dễ dàng hơn khi làm bài. Nếu khi mới đọc đề đã tiếp cận ngay câu khó, các TS sẽ khó làm bài và bị ảnh hưởng tâm lý.
Chủ trương ra đề thi của Bộ GD-ĐT trong năm nay cũng là không bắt TS phải học thuộc, đề thi không đánh đố và kiến thức nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa.
Đăng Nguyên

Ý kiến:
Không còn “xé vé đồng hạng”
Đề thi toán năm nay tương đối hoàn hảo so với một kỳ thi có 2 mục đích: vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH. Phần lớn TS có thể dễ dàng đạt 6 điểm ở 6 câu hỏi đầu tiên. Từ câu 8 thì bắt đầu có tính phân loại, câu 10 hợp lý ở chỗ tách ra làm 2 ý để phân loại giữa HS giỏi với xuất sắc.
Về tính phân loại, đề thi năm nay tốt hơn nhiều, không thuộc diện “xé vé đồng hạng” như kiểu đề thi năm ngoái. Câu dễ cũng rất dễ (chẳng hạn như câu 1, câu 2), nhưng mức độ dễ giảm dần, và thực sự khó ở 3 câu cuối. Cả hai câu cuối tôi đều thấy có ý tưởng hay khi người ra đề đặt ẩn phụ. Nó tạo một liên kết mắt xích các kiến thức cơ bản của chương trình môn toán phổ thông, kể cả cấp trung học cơ sở, đòi hỏi TS phải có kiến thức tổng hợp mới giải quyết tốt.
Nguyễn Thị Mai Hương (giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội)
Học sinh trung bình làm được 50% bài
Nhìn chung, đề thi tiếng Anh 2016 có phần cơ bản bên cạnh phần nâng cao. HS trung bình đạt được 50% đề thi này.
Từ vựng của các đoạn văn đọc hiểu ở cấp độ nâng cao, với HS vốn từ kém không thể hiểu được bài này. Phần đồng nghĩa, HS đoán được nếu nắm được ngữ cảnh của câu. Phần viết lại câu hợp lý cho cấp độ HS giỏi, khá để đi chuyên ngành tiếng Anh. Phần viết bài luận chủ đề phổ biến với những gợi ý rõ ràng. Tuy nhiên, nếu TS không luyện tập trước đó phần viết luận ở lớp thì không dễ gì đạt điểm ở phần này.
Lê Thị Thanh Xuân (Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)
Sắp xếp có lợi cho thí sinh
So với năm trước, đề thi năm nay thay đổi cấu trúc theo hướng có lợi cho TS. Nghĩa là đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp TS làm tuần tự câu dễ trước, câu khó sau, không phải cân nhắc, chọn lựa như đề các năm. Đề thi cũng nằm trong phạm vi chương trình học.
5 câu hỏi đầu chỉ cơ bản, không đánh đố, HS có học lực trung bình, học ở trường rất bình thường cũng có thể giải được. Từ câu thứ 6, đề bắt đầu phân loại TS và đến câu số 10 là rất khó.
Trong đó đề hay nhất ở câu số 6 nói về xác suất. Đề thi bắt đầu nói về việc làm của HS A, nhưng câu hỏi lại nói về xác suất việc làm của HS B, không hề liên quan đến A. Việc đưa A vào sẽ gây rối một chút cho HS có học lực trung bình, bị sa vào “bẫy” của đề thi. Với đề thi này, sẽ có nhiều nhất điểm 6 – 7.
Thạc sĩ Phan Thiện Danh (Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Quý Hiên – Bích Thanh – Đăng Nguyên (ghi)

 

Lê Duy – Tuệ Nguyễn – Bích Thanh