23/01/2025

Ba Lan, Đức hợp nhất lực lượng tàu ngầm

Trong động thái chưa từng có nhằm tăng cường sức mạnh chung, Đức và Ba Lan đã đồng ý sáp nhập lực lượng tàu ngầm của hai bên.

 

Ba Lan, Đức hợp nhất lực lượng tàu ngầm

Trong động thái chưa từng có nhằm tăng cường sức mạnh chung, Đức và Ba Lan đã đồng ý sáp nhập lực lượng tàu ngầm của hai bên.




Tàu ngầm lớp 212A của Đức (trái) và chiếc Kilo của Ba Lan sẽ sớm song hành /// Hải quân Đức/Konflikty

Tàu ngầm lớp 212A của Đức (trái) và chiếc Kilo của Ba Lan sẽ sớm song hànhHẢI QUÂN ĐỨC/KONFLIKTY


Theo chuyên san Defense News, giới chức quân sự Đức và Ba Lan đã ký kết bản ghi nhớ về việc thành lập một trung tâm chỉ huy – vận hành tàu ngầm chung đặt tại TP.Glucksberg của Đức. Cơ quan này sẽ có quyền kiểm soát quy trình hoạt động của các hạm đội tàu ngầm hai nước. Tuy nhiên về nguyên tắc, quyền quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay mỗi quốc gia, theo thông báo của hải quân Đức.
Nội dung bản ghi nhớ cũng ghi rõ hải quân Ba Lan sẽ kết nối hạm đội tàu ngầm của mình với hệ thống kiểm soát hệ thống phát sóng tàu ngầm của quân đội Đức. Ngoài ra, 2 sĩ quan hải quân Ba Lan sẽ đồn trú thường trực tại Glucksberg.
Bước ngoặt lịch sử
“Việc trao quyền kiểm soát tài sản chiến lược quốc gia như tàu ngầm vào tay nước khác là bước đi rất đặc biệt”, Defense Newsdẫn lời Tham mưu trưởng hải quân Đức Andreas Krause phát biểu tại lễ ký kết với người đồng cấp Ba Lan Miroslaw Mordel. Tàu ngầm luôn là một trong những khí tài chiến lược nhất của mọi đất nước có biển và được xem là vấn đề an ninh quốc gia, được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Vì thế, cả Đức lẫn Ba Lan đều ca ngợi thỏa thuận giữa hai nước là “bước ngoặt lịch sử”.
Bên cạnh đó, Berlin và Warsaw cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo cho sĩ quan hai bên về cách điều khiển tàu ngầm của nhau.
Tính gộp lại thì lực lượng chung sẽ cùng vận hành 11 tàu ngầm với 6 tàu lớp 212A của Đức và 5 tàu thuộc hải quân Ba Lan – gồm 1 chiếc lớp Kilo do Nga sản xuất và 4 chiếc lớp Kobben của Na Uy. Giới sĩ quan hai nước và các nhà phân tích cũng bày tỏ kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm một số nước gia nhập trung tâm vận hành tàu ngầm chung. Theo Defense News, Đức đã đưa ra đề nghị với Na Uy và dựa trên quan hệ hiện có giữa 3 nước thì viễn cảnh Oslo nhận lời là điều có thể xảy ra.
Trong 5 tàu ngầm của Ba Lan có 4 chiếc được mua từ Na Uy, và Warsaw vẫn đang đàm phán với Oslo về các hợp đồng mới nhằm nâng cấp hạm đội của mình. Đức thì đang hy vọng ký được hợp đồng bán tàu ngầm cho Na Uy để thay thế 6 chiếc lớp Ula đã già cỗi trong thập niên tới. Bản thân Đức cũng sẵn sàng trang bị thêm tàu có thiết kế tương tự để có thể vận hành chung với quốc gia Bắc Âu này, theo Defense News.
Mục tiêu quân đội EU
Trung tâm vận hành tàu ngầm chung Ba Lan – Đức có thể giúp mở ra mô hình liên kết mới ở châu Âu, đặc biệt là các nước Baltic gần Nga. Bên cạnh Glucksberg, Đức còn dự định xây dựng trung tâm vận hành mới tại TP.Rostock, nằm ở bờ biển phía tây của vùng biển Baltic vào năm 2022. Cơ sở mới này có thể hoạt động như trung tâm chỉ huy của Bộ Tư lệnh hàng hải đa quốc gia NATO.
Theo nguồn tin quốc phòng từ Berlin, kế hoạch này đã nhận phản hồi tích cực từ các nước Baltic, vốn luôn tỏ ra quan ngại về cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”, và nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 8 – 9.7 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Bên cạnh đó, kế hoạch hợp nhất hạm đội của Ba Lan và Đức còn được đánh giá có thể là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu lớn là thành lập quân đội EU. Vấn đề này từng được mang ra thảo luận nhưng chưa đi đến đâu. Nay trong bối cảnh quan hệ với Nga vẫn vô cùng căng thẳng và nội bộ liên minh chao đảo vì quyết định chia tay của Anh, nhiều lãnh đạo trong khối đã kêu gọi thành lập bộ chỉ huy quân sự chung, mở đường cho việc xây dựng quân đội châu Âu trong tương lai.
Tờ Die Welt dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu Elmar Brok nhận định quân đội EU một khi ra đời sẽ giúp “tăng cường vai trò của châu Âu trong chính sách an ninh và quốc phòng toàn cầu, giúp châu Âu thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trong thế giới cũng như giúp chi tiêu quốc phòng trong khối hiệu quả hơn”.
Hôm 28.6, EU đã công bố báo cáo kêu gọi sớm lập lực lượng vũ trang chung và giảm lệ thuộc vào NATO về an ninh. Mang tên Chia sẻ tầm nhìn, hành động chung: Một châu Âu hùng mạnh hơn, tài liệu dài 60 trang đề ra chiến lược toàn cầu mới cho khối trong bối cảnh “mục đích, thậm chí sự tồn tại” của EU “đang bị đặt dấu hỏi”, theo Đài Euronews.
Thái Lan trở lại kế hoạch mua tàu ngầm Trung Quốc
Ngày 1.7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon cho biết hải quân nước này vừa trình lại lên chính phủ kế hoạch mua 3 tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc trị giá 36 tỉ baht (hơn 1 tỉ USD). Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Thái Lan bất ngờ hoãn kế hoạch mua tàu ngầm Trung Quốc vì “chưa cần thiết” và yêu cầu hải quân xem xét lại “mức độ phù hợp cũng như hiệu quả chi phí”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lý do sâu xa hơn là Bangkok lo ngại “tiến lại quá gần” Bắc Kinh.
Lần này, hải quân Thái Lan, vốn đang không có tàu ngầm nào, tự tin sẽ được thông qua vì kế hoạch chi trả được kéo dài đến 11 năm so với 7 năm như đề xuất trước đó. “Với sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và kế hoạch đầu tư phát triển cảng nước sâu, đặc khu kinh tế Dawei ở Myanmar, công tác bảo vệ an ninh hàng hải càng trở nên phức tạp. Tàu ngầm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ này”, một nguồn tin hải quân nói. Nếu được thông qua, chiếc tàu đầu tiên sẽ được mua với giá 13 tỉ baht trong giai đoạn năm 2017 – 2021.
Lam Yên (VP Bangkok)

 

Danh Toại