23/01/2025

Tự tạo cơ hội: Dầu lạc, đặc sản miền nắng gió

Sau 2 lần khởi nghiệp đều thất bại, anh Từ Linh Nhân (36 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị) sực nhớ đến hạt lạc (đậu phộng).

 

Tự tạo cơ hội: Dầu lạc, đặc sản miền nắng gió

Sau 2 lần khởi nghiệp đều thất bại, anh Từ Linh Nhân (36 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị) sực nhớ đến hạt lạc (đậu phộng).




Anh Từ Linh Nhân đặt hàng cho nông dân trồng lạc hữu cơẢNH: NGUYỄN PHÚC


Loại hạt ở quê anh nơi nào cũng có, giờ đã gắn với nhãn hiệu dầu lạc Super Green, vừa đoạt giải nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 – năm 2016.
Cơ duyên
Gia đình anh Nhân (ở xã Cam Thanh, H.Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có 20 năm trong nghề thu mua lạc nhưng khi còn trẻ, anh đã không khởi nghiệp bằng nghề của gia đình. Sau gần chục năm học hành từ trung cấp kế toán, cao đẳng công nghệ rồi đại học quản trị kinh doanh, Nhân đã chọn kinh doanh đồ gỗ, nhưng chỉ sau 1 năm thì đóng cửa vì bán buôn bết bát. Năm 2007, Nhân thử sức với việc mở đại lý bán tôn, xà gồ và cũng không thành công sau 2 năm. Trong lúc buồn chán thì anh nhớ đến hạt lạc.
 
 

 

Vừa hay, lúc đó có một bạn hàng của mẹ anh từ Quảng Nam ra biếu gia đình một chai dầu lạc được ép theo kiểu thủ công nên ý tưởng về một dây chuyền dầu lạc đã thoáng trong đầu Nhân từ đó. Là tay ngang, anh đã mất khá nhiều thời gian để đi “học lỏm” nghề ép dầu lạc ở Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Anh cho hay, những người dân ở đó biết ép dầu lạc từ lâu nhưng chỉ làm theo kinh nghiệm, quy mô hộ gia đình nên chỉ để dùng hoặc bán trong làng cho vui. Chính vì thế, với ước mơ ép dầu lạc theo kiểu công nghiệp, anh đã cùng các kỹ sư ở Quảng Nam mày mò để tự chế tạo máy. Và những chiếc máy bóc vỏ, ép, xay lạc… cứ thế ra đời. Tháng 8.2015, Nhà máy dầu lạc Cam Lộ tại cụm công nghiệp xã Cam Thành đi vào hoạt động và trở thành nhà máy duy nhất ở địa bàn tỉnh Quảng Trị hoạt động trong lĩnh vực chế biến loại nông sản này. Trên nhãn hiệu của chai dầu lạc thành phẩm, anh Nhân đã cho in dòng chữ đầy tự hào: “Đặc sản miền nắng gió”.
Đầu tư cho sản phẩm sạch
Ngay cách đặt tên cho “đứa con” dầu lạc của mình, anh Nhân đã rất ý thức về việc mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm sạch – Super Green (Siêu Xanh). Theo anh, lạc trồng trên đất Cam Lộ từ lâu đã nổi tiếng ngon, chắc. Với vùng nguyên liệu của huyện lên tới 800 ha, nhà máy của anh không phải lo lắng cho vấn đề số lượng đầu vào. “Nhưng tôi lo lắng cho chất lượng đầu vào. Tôi không hề muốn lạc nhân nguyên liệu của tôi là hạt lép, hạt non hoặc dính các chất bảo vệ thực vật”, anh Nhân chia sẻ. Chính vì thế, Nhân không ngồi chờ nông dân mang lạc nhân đến mà lại muốn ra đồng cùng họ. Anh đã đặt hàng cho nông dân triển khai trồng lạc hữu cơ, tức là không dùng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào trong suốt quá trình phát triển của cây lạc. Nhân cho hay: “Có thể sẽ có sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất nhưng đổi lại tôi sẽ có hỗ trợ bà con bằng nhiều cách, trong đó tôi đảm bảo sẽ thu mua với giá cao. Bà con có lợi mà tôi cũng được việc. Trước mắt tôi phải lo khoảng tầm vài chục héc ta đã”.
Hiện, trung bình mỗi tháng anh sản xuất khoảng 5.000 lít dầu lạc, doanh thu 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 7%. “Ban đầu mà, chỉ đủ trang trải điện, nước, nhân công thôi. Tương lai chắc phải tính, phải đầu tư thêm nhiều vì tôi muốn sản xuất sao mà không vứt một thứ gì, kể cả khô dầu lạc (bã lạc) cũng sẽ được ủ để làm thức ăn gia súc hoặc phân bón”, Nhân chia sẻ. Với khuôn chai, mẫu mã, mã vạch điều riêng biệt và đăng ký bản quyền, hiện sản phẩm dầu lạc của anh đã đến được với TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, phân phối chủ yếu thông qua các cửa hàng bán thực phẩm sạch chứ chưa bán đại trà ở chợ.

Nguyễn Phúc