23/01/2025

Brussels cảnh báo Anh

“Nguyên tắc luôn phải là: quốc gia, đảng, con người. Ông Cameron đã làm ngược lại. Và khi anh làm điều đó, mọi thứ đều diễn ra sai hết”, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels.

 

Brussels cảnh báo Anh

 

“Nguyên tắc luôn phải là: quốc gia, đảng, con người. Ông Cameron đã làm ngược lại. Và khi anh làm điều đó, mọi thứ đều diễn ra sai hết”, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels.

 

 

 

 

Brussels cảnh báo Anh
Thủ tướng Anh chuẩn bị họp báo tại Brussels ngày 28-6 – Ảnh: Reuters

“Chúng tôi đảm bảo các cuộc thương lượng sẽ không diễn ra theo nguyên tắc kén chọn. Những ai muốn rời gia đình không thể trông đợi mọi nghĩa vụ sẽ biến mất trong khi vẫn giữ được quyền lợi

Thủ tướng Đức Angela Merkel

 

 

Hội nghị thượng đỉnh Brussels đã chứng kiến cuộc chia tay “đầy cảm xúc” giữa Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo 27 thành viên EU còn lại.

Theo báo Wall Street Journal, trong bầu không khí buồn bã của ngày thứ ba (28-6), ông Cameron nói rằng sự bất mãn về nguyên tắc tự do di chuyển của luồng lao động trong Liên minh châu Âu (EU), vốn dẫn đến tình trạng nhập cư hàng loạt vào Anh, là yếu tố dẫn đến kết quả Brexit (Anh rời EU).

Thủ tướng Anh nhân đó kêu gọi EU nên “mềm dẻo” trong nguyên tắc này nếu muốn duy trì quan hệ kinh tế gần gũi với Anh.

Cái giá của Brexit

Nhưng các lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande, bỏ qua lời kêu gọi của ông Cameron với một thông điệp đơn giản: tiếp cận toàn phần thị trường EU cũng đồng nghĩa phải chấp nhận nguyên tắc tự do di chuyển.

Sự khác biệt về quan điểm này đang đặt nước Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan trước thời điểm hai bên chuẩn bị đàm phán về tương lai hậu Brexit.

Nếu London muốn thuyết phục EU duy trì mối quan hệ giao thương gần gũi, họ sẽ phải chấp nhận nhiều ràng buộc hơn, trong đó có thể bao gồm những điều kiện mà phe bỏ phiếu cho Brexit chắc chắn sẽ không hài lòng.

“Để tiếp cận thị trường EU, mỗi quốc gia phải tôn trọng bốn “tự do”: luân chuyển hàng hoá, vốn, dịch vụ và con người” – ông Hollande nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp cũng cảnh báo sau khi Anh rời khỏi EU, các giao dịch tài chính bằng đồng euro sẽ không thể thực hiện được ở London.

Theo bà Merkel, lợi ích của các thành viên EU còn lại sẽ là ưu tiên trong các cuộc thương lượng với Anh sắp tới. Thủ tướng Đức cũng cho rằng Anh không thể phớt lờ kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ đồng ý rằng Anh cần một thời gian trước khi kích hoạt quá trình thoát ly kéo dài hai năm.

“Nếu một người ủng hộ Anh ở lại EU trở thành thủ tướng, ông ấy phải hoàn thành điều này (khởi động quá trình rời EU) trong hai tuần sau khi được bổ nhiệm. Nếu tân thủ tướng thuộc phe Brexit thì ông ấy phải làm ngay trong ngày hôm sau” – ông Juncker nhấn mạnh.

Ưu tiên sai của ông Cameron

Cũng theo Wall Street Journal, trước khi hội nghị Brussels diễn ra, trong một cuộc họp kín của các lãnh đạo Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) (trong đó có các nguyên thủ và thủ lĩnh đối lập), bà Angela Merkel được cho là đã gay gắt lên án ông Cameron.

Theo những ghi chép lọt ra ngoài cuộc họp, thủ tướng Đức cho rằng ông Cameron tổ chức trưng cầu ý dân chỉ để dẹp yên những bất ổn trong nội bộ Đảng Bảo thủ Anh.

“Nguyên tắc luôn phải là: quốc gia, đảng, con người. Ông Cameron đã làm ngược lại. Và khi anh làm điều đó, mọi thứ đều diễn ra sai hết” – một nguồn tin trích lời bà Merkel.

Ông Cameron không có mặt tại cuộc họp này. Văn phòng bà Merkel lẫn Văn phòng thủ tướng Anh đều từ chối bình luận.

Theo một số quan chức, các nhà lãnh đạo châu Âu đáng lý phải chuyển đi thông điệp đoàn kết sau cuộc họp, nhưng đằng sau đó họ bị chia rẽ trong cách thức tiếp cận các cuộc thương lượng với Anh và định hướng cho tương lai của EU.

Một số lãnh đạo EU như ông Juncker và chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz thì kêu gọi đẩy nhanh quá trình liên kết châu Âu.

Trước đó, Thủ tướng David Cameron và cựu thị trưởng London Boris Johnson, ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Cameron, đều bày tỏ mong muốn duy trì kết nối với thị trường chung EU, kể cả sau khi Anh thoát ly.

Ông Cameron nói sẽ làm mọi thứ trong khả năng để duy trì quan hệ gần gũi với các thành viên EU, nhưng mặt khác ông cũng thừa nhận điều này khó đạt được nếu không phải trả cái giá nào đó.

“Nói thẳng thắn, tôi quan tâm hơn đến việc Anh có một mối quan hệ đúng với châu Âu” – ông Cameron khẳng định.

Các doanh nghiệp lớn bắt đầu đóng băng đầu tư ở Anh vì lo trạng thái bất ổn. Các thị trường chứng khoán châu Âu phục hồi đôi chút trong ngày 28-6 sau khi kết quả Brexit “quét” 3.000 tỉ USD khỏi thị trường toàn cầu.

Đã xuất hiện cảnh báo suy thoái ở Anh.

MINH TRUNG