24/12/2024

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Ngoài tác động của tự nhiên, ĐBSCL đang bị uy hiếp bởi các công trình ở thượng nguồn.

 

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Ngoài tác động của tự nhiên, ĐBSCL đang bị uy hiếp bởi các công trình ở thượng nguồn.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn /// Đào Ngọc Thạch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đànĐÀO NGỌC THẠCH


Đó là ý kiến của các cấp chính quyền, nhà khoa học trong và ngoài nước đặt ra tại diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long 2016 với chủ đề “Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng khí hậu”. Diễn đàn do Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT, Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Hà Lan, và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đồng tổ chức trong hai ngày, 26 – 27.6 tại TP.HCM.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ĐBSCL chiếm 90% sản lượng cả nước và 1/5 sản lượng thương mại gạo toàn cầu. Vì thế, bất cứ một tác động nào đến vùng này sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của toàn cầu. Thủ tướng kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ VN vượt qua khó khăn thách thức nước biển dâng và biến đổi khí hậu (BĐKH). Các tỉnh thành ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới vào mục tiêu ứng phó với BĐKH bảo đảm tính đặc thù của địa phương.
 
 

 

Mực nước sông hạ thấp 1,3 m
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh đến tác động của quá trình phát triển ở thượng nguồn gồm hồ đập (dòng chính và dòng nhánh) và chuyển nước. Tổng dung tích (hữu ích) hồ đập dòng nhánh là 70 tỉ m3 nước và dòng chính là 30 tỉ m3 nước, tạo ra phù sa và sự đa dạng sinh học của các loài thuỷ sản, sự màu mỡ của vùng hạ du… Vì vậy, lượng phù sa thiếu hụt sẽ gây ra hiện tượng hạ thấp đáy sông, kéo theo mực nước sẽ hạ thấp. Theo ông Thắng, điều này có thể quan sát rất rõ ở sông Hồng. Chỉ sau không đến 10 năm đáy sông Hồng hạ thấp có chỗ đến 2,5 m khiến mực nước hạ thấp và hệ quả là các cống đập, kênh mương trước đây không còn có thể lấy nước một cách tự nhiên được nữa mà phải dùng máy bơm. Ở ĐBSCL cũng đã phải xả đến 5 tỉ m3 nước mới sản xuất được vụ đông xuân.
Kết quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học quốc tế về đáy sông và mực nước ở ĐBSCL cũng cho thấy mực nước của vùng này đã hạ thấp 1,3 m. May mắn cho vùng ĐBSCL là mực nước tự nhiên rất sâu nên việc hạ 1,3 m chưa gây ra vấn đề gì. “Nhưng đây cũng là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ở chỗ Biển Hồ – Tonlé Sap (Campuchia). Nếu mùa lũ, nước vào biển hồ ít thì tác động là rất lớn đến ĐBSCL và nó còn gây ra nhiều vấn đề khác”, ông Thắng cảnh báo. Theo ông, thượng nguồn đang có các dự án chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Kông và các dự án phát triển thuỷ lợi sẽ tác động rất mạnh đến ĐBSCL.
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận xét: ĐBSCL đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như sử dụng nguồn nước thượng nguồn hay chuyện xả thải thượng nguồn. Những vấn đề này mang tính khu vực, cộng đồng quốc tế. “Tôi đề nghị các đối tác cần có tiếng nói hỗ trợ chúng tôi ở các diễn đàn khu vực và quốc tế để có thể hài hoà lợi ích của các bên”, Phó thủ tướng phát biểu.
Ông Jake Brunner, đại diện IUCN, cũng phân tích nếu khả năng trữ nước tự nhiên không bị giảm thì có thể tích nước vào mùa lũ để giảm ngập cho vùng đô thị và giảm khô hạn trong mùa nắng. Nhưng thực tế, khả năng trữ nước của vùng Tứ giác Long Xuyên đã giảm đáng kể so với trước kia. Tại các vùng này, IUCN đã hỗ trợ triển khai các mô hình thử nghiệm trồng lúa luân canh với cây sen hoặc tôm càng xanh, cá vào mùa lũ rất hiệu quả. Vì vậy theo ông Brunner, không nhất thiết phải đắp đê bao để sản xuất lúa. Dự án của IUCN đã tiếp xúc với thương lái và họ cho biết thu mua lúa của người dân ngoài đê bao với giá cao hơn trong đê vì chất lượng cao hơn và ít sử dụng phân thuốc.
Phát triển theo vùng sinh thái
Giải pháp nào để phát triển bền vững vùng ĐBSCL là câu hỏi chính mà diễn đàn muốn tìm câu trả lời. Lúa là cây trồng cần nhiều nước nhưng nước đang ít dần và chúng ta không còn được sử dụng nước thoải mái nữa. Vì vậy, đây là lúc VN phải tính đến chuyện trồng lúa hay trồng cây ăn trái cho phù hợp với tình hình mới.
Theo các chuyên gia, nên phân ĐBSCL thành 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ và mặn để có những mô hình sản xuất, cây con phù hợp. Ở vùng ngọt từ chính sách chống lũ chuyển sang kiểm soát và sống chung với lũ. Bỏ vụ 3 (vụ thu đông) để lấy không gian tích nước, đón phù sa. Ở vùng ven biển sẽ phát triển trồng rừng kết hợp nuôi tôm sinh thái thay cho các giải pháp đê bao “hao tiền, tốn của”. Đê nếu có phải lùi sâu vào đất liền chứ không nên đưa đê ra biển để bảo vệ rừng. Ở các vùng nước lợ (mặn – ngọt theo mùa) sẽ tuân theo quy luật tự nhiên và kinh nghiệm bản địa kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như lai tạo giống mới phù hợp. Giải pháp quan trọng thứ 4 chính là hạn chế sử dụng nước ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún mặt đất. Bốn chiến lược này sẽ dần được chuyển thành các kế hoạch phát triển theo giai đoạn 5 – 10 năm.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ ở 4 huyện vùng bán đảo Cà Mau từ 2 vụ lúa sang 1 lúa – 1 tôm/cua cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với trước kia. “Chúng ta cũng cần phải có biện pháp đấu tranh với các nước thượng nguồn để chia sẻ nguồn nước hợp lý cho vùng ĐBSCL”, ông Nhịn nói.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), nhấn mạnh: Khoảng 15 triệu người dân vùng ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng của BĐKH trong tương lai. Diễn đàn là sự tương tác giữa các bên có liên quan để tìm giải pháp cho ĐBSCL bền vững trong tương lai. Muốn thế, phải quản lý tốt sự xung đột trong sử dụng nguồn nước. Tăng cường hệ thống pháp luật, sử dụng chung nước ở ĐBSCL và sông Mê Kông.
Tạo cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển
Chiều 27.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Buổi làm việc có sự tham gia của 3 phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; 12 bộ trưởng, gồm thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa; Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết so với cùng kỳ, kinh tế TP 6 tháng đầu năm 2016 đạt tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) đạt 13,5 tỉ USD, thu ngân sách đạt hơn 143.000 tỉ đồng (tăng 8,08% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, theo Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức như vấn đề cải cách hành chính, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp, công nghệ lạc hậu… dẫn tới khả năng cạnh tranh của TP giảm sút. “Trước mắt TP xây dựng một quy hoạch tổng thể để phát triển nhanh hơn. Rất mong những vấn đề TP kiến nghị sẽ được Thủ tướng kết luận cụ thể chứ còn giao cho các bộ ngành sẽ xảy ra việc tình trạng ghi nhận, nghiên cứu đề xuất theo quy định hiện hành”, ông Thăng nói.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản tán thành các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM về phân cấp, uỷ quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính đặc thù cho TP… TP cần tiếp tục chủ động huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp bách để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, có sức cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới.
Tân Phú – Trung Hiếu

Chí Nhân