24/12/2024

Không có chuyện “nhẹ tay” với cụm thi nào

Sau đợt đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở một số tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành thời gian trao đổi với báo chí về kỳ thi THPT quốc gia sắp tớ

 

Không có chuyện “nhẹ tay” với cụm thi nào

 

Sau đợt đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở một số tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành thời gian trao đổi với báo chí về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

 

 

 

 

Không có chuyện “nhẹ tay” với cụm thi nào
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra điểm thi THPT quốc gia 2016 tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh – Ảnh: V.Hà

 

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT là các cụm thi do trường ĐH chủ trì hay do sở GD-ĐT chủ trì đều phải khách quan, nghiêm túc như nhau. Cụm thi do sở 
GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH phải phối hợp, hỗ trợ.

Bộ GD-ĐT yêu cầu phải tăng cường hỗ trợ cho những cụm thi lần đầu tiên các tỉnh tổ chức. Các tỉnh phải có kế hoạch cụ thể đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi từ khâu vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi. Vì thế không thể có chuyện “nhẹ tay” hơn đối với cụm thi nào, dù là cụm do sở GD-ĐT hay cụm do trường ĐH tổ chức.

Quy định mỗi tỉnh có ít nhất một cụm thi, về ưu điểm có thể thấy rõ thí sinh ít phải di chuyển, nhất là thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Việc này hạn chế tốn kém, căng thẳng cho gia đình thí sinh và xã hội”.

Không lúng túng, thụ động

* Với những cụm thi ở những vùng được coi là điểm nóng của những năm trước thì bộ tăng cường giám sát như thế nào?

– Những cụm thi ở vùng khó khăn, bộ đã có kế hoạch bổ sung cán bộ hỗ trợ trong quá trình tổ chức thi. Đồng thời đề nghị các tỉnh phải có phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi, cho thí sinh.

Tôi đã chỉ đạo các đồng chí thứ trưởng trực tiếp đến các vùng sâu vùng xa không chỉ để kiểm tra công tác chuẩn bị thi mà còn trực tiếp xem các địa phương có khó khăn gì để hỗ trợ. Đặc biệt là kiểm tra xem điều kiện tổ chức thi như thế nào.

Theo báo cáo lại tới thời điểm này, những điểm thi do sở 
GD-ĐT chủ trì đặt tại các huyện nên cơ sở vật chất cũng tốt, về cơ bản là đủ điều kiện, đảm bảo an toàn, nghiêm túc.

* Với kỳ thi năm nay, bộ trưởng thấy có điểm gì đáng lo ngại, cần phải quan tâm, cảnh báo để các cụm thi trên cả nước lưu ý?

– Tình huống không phải mới nhưng luôn phải cảnh giác đó là thí sinh có thể sử dụng các phương tiện hiện đại, tinh vi vào việc gian lận. Đây là việc các hội đồng coi thi cần tập huấn kỹ cho giám thị, nhất là các giám thị lần đầu coi thi. Trước hết là có biện pháp ngăn ngừa, cảnh báo, sau là giám thị phải có khả năng, 
kinh nghiệm phát hiện được dấu hiệu tiêu cực để kịp thời xử lý.

Còn những lo ngại nữa là có thể xảy ra các tình huống bất ngờ như thiên tai, nhất là đối với các cụm thi ở vùng khó khăn. Bộ 
GD-ĐT đã chỉ đạo các cụm thi phải tính toán hết các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp ứng phó ngay, không bị lúng túng, thụ động.

Hạn chế điểm cao nhưng không đỗ

* Đề thi cho kỳ thi này nhằm hai mục đích như vậy thì có phân biệt phần nào để xét tốt nghiệp, phần nào để xét tuyển ĐH, CĐ không?

– Đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó, đến rất khó. Việc xét tuyển hoặc xét tốt nghiệp thì phụ thuộc vào bảng điểm thôi. Ví dụ, quy định điểm 10 là tối đa thì thí sinh chỉ cần đạt 5 điểm có thể đỗ tốt nghiệp.

Về nguyên tắc, đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ và đảm bảo được những học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản, rất cơ bản là sẽ đỗ tốt nghiệp. Thế còn những thí sinh muốn xét tuyển ĐH thì khác nhau đấy. Năm nay sẽ hạn chế được trường hợp có những thí sinh điểm rất cao nhưng không đỗ.

* Năm nay số cụm thi tăng lên, dư luận lo ngại không đủ giáo viên chấm thi và trình độ giáo viên không đồng đều giữa các tỉnh có thể dẫn tới chuyện chấm lỏng chấm chặt?

– Không, không có chuyện đó, vì như tôi đã nói ban đầu rồi. Mỗi cụm thi và các địa bàn thi đã tăng cường giáo viên có trình độ tốt ở nơi khác chứ không có chuyện khoán trắng cho địa phương và các trường. Thậm chí có địa phương chúng tôi đã phải tính tới việc thực hiện chấm chéo. Tất cả đã được Bộ GD-ĐT lường trước và có chỉ đạo cụ thể với từng địa phương.

Bên cạnh đó, năm nay hướng dẫn chấm thi sẽ cụ thể hơn, với quy định điểm số nhỏ nhất trong barem là 0,25 điểm nên sẽ rất rõ ràng. Dựa vào barem, hướng dẫn chấm, giáo viên chấm thi sẽ có thể thống nhất để không xảy ra tình trạng lỏng, chặt, nhất là ở các môn thi xã hội.

* Còn ít ngày nữa là kỳ thi diễn ra, bộ trưởng có chia sẻ gì với thí sinh dự thi năm nay?

– Kỳ thi là dịp để đo kiến thức từ thấp đến cao. Những thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản thì đều có thể đỗ tốt nghiệp THPT, tuỳ theo sức của mình, các em có nhiều lựa chọn đăng ký vào các trường khác nhau. Không đủ điều kiện học ĐH thì học CĐ, trung cấp, học nghề cũng tốt.

Vì thế thí sinh không nên quá căng thẳng. Tự tin, bình tĩnh sẽ giúp các em có kết quả thi tốt. Còn những thí sinh chỉ nghĩ đến việc làm sao để gian lận thì xác suất rủi ro là rất cao, khi bị phát hiện sẽ phải huỷ kết quả thi, ảnh hưởng tới con đường học tập sau này.

Tôi cũng mong muốn xã hội nhìn nhận kỳ thi này nhẹ nhàng hơn.

VĨNH HÀ ([email protected])