24/12/2024

Hai hạm đội Mỹ ‘canh chừng’ tây Thái Bình Dương

Hạm đội 3 hùng mạnh sẽ tăng cường hiện diện tại tây Thái Bình Dương phối hợp cùng Hạm đội 7 ngăn chặn nguy cơ bất ổn ở châu Á.

 

Hai hạm đội Mỹ ‘canh chừng’ tây Thái Bình Dương

Hạm đội 3 hùng mạnh sẽ tăng cường hiện diện tại tây Thái Bình Dương phối hợp cùng Hạm đội 7 ngăn chặn nguy cơ bất ổn ở châu Á.




Tàu sân bay USS Ronald Reagan (gần, Hạm đội 7) và USS John C.Stennis (Hạm đội 3) cùng diễn tập trên biển PhilippinesẢNH: US NAVY


Trong thời gian qua, Mỹ liên tục triển khai lực lượng hùng hậu đến các vùng biển ở tây Thái Bình Dương như Biển Đông, biển Philippines, vùng biển bán đảo Triều Tiên… Đặc biệt, phần lớn trong số này thuộc Hạm đội 3 chứ không phải Hạm đội 7 truyền thống. Đáng chú ý nhất là cuộc diễn tập và hoạt động chung vào ngày 19.6 trên biển Philippines giữa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C.Stennis thuộc Hạm đội 3 và USS Ronald Reagan của Hạm đội 7. Trước đó, USS John C.Stennis đã có đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông kéo dài khoảng 3 tháng. Mới nhất, hải quân Mỹ hồi giữa tuần tiếp tục thông báo điều động 2 tàu chiến Hạm đội 3 là khu trục hạm USS Spruance và tàu tác chiến cận bờ USS Coronado đến Biển Đông nói riêng và tây Thái Bình Dương nói chung. Những diễn biến này củng cố tiết lộ của giới chức cấp cao Mỹ với Reuters rằng Hạm đội 3 sẽ rời khỏi khu vực hoạt động truyền thống để hoạt động cùng Hạm đội 7 ở Đông Á.
Phối hợp sức mạnh
Hạm đội 3 có lực lượng hùng hậu hơn Hạm đội 7, chuyên phụ trách khu vực đông và bắc Thái Bình Dương tính từ Đường đổi ngày quốc tế (IDL), đường tưởng tượng từ cực bắc đến cực nam chia dọc Thái Bình Dương. Từ căn cứ chính ở bang California, hạm đội này có nhiệm vụ “canh chừng” Nga cũng như bảo vệ các tuyến giao thương, vận chuyển dầu khí quan trọng với Mỹ và các quốc gia bạn bè, theo chuyên trang Global Security. Trong khi đó, Hạm đội 7, đặt trụ sở ở TP.Yokosuka của Nhật Bản, có phạm vi hoạt động trải dài từ quần đảo Kuril (Nga) đến Nam cực và căng rộng từ Biển Đông đến IDL. Hiện nay, khu vực này được đánh giá là có vai trò năng động bậc nhất trong kinh tế, giao thương hàng hải và địa chiến lược của thế giới nhưng lại đang chứng kiến nhiều biến động khó lường về an ninh vì những diễn biến đáng quan ngại ở Biển Đông cũng như tình hình biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
Vì thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của tờ Nikkei Asian Review, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Scott Swift tiết lộ rằng hải quân Mỹ sẽ tận dụng sức mạnh tổng hợp của 2 hạm đội 3 và 7 để ngăn chặn nguy cơ bất ổn đang gia tăng ở châu Á với các chiến dịch được tiến hành đồng bộ dựa trên nhiệm vụ cụ thể hơn là phân chia địa lý. “Việc Hạm đội 3 hoạt động ở vùng biển xa là sự thật. Tôi không hiểu tại sao cứ phải giới hạn hoạt động bằng IDL”, Đô đốc Swift tuyên bố.
Bằng chứng rõ rệt nhất cho sự tận dụng sức mạnh tổng hợp chính là cuộc diễn tập chung nói trên giữa 2 nhóm tàu sân bay. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh giữa lúc Trung Quốc bành trướng sức mạnh trên biển và cấp tập tiến hành các hoạt động xây cất phi pháp trên các bãi đá ở Biển Đông cũng như trước thềm phán quyết của Tòa án thường trực LHQ (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tờ The Japan Times dẫn lời chuyên gia Ashley Townshend, thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney (Úc), nhận định: “Cuộc tập trận phối hợp giữa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay chắc chắn gửi một thông điệp về sự cam kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khả năng vô đối của họ trong việc triển khai sức mạnh hải quân”.
Hùng hậu Hạm đội 3
Hạm đội 3 được thành lập vào ngày 15.3.1943 dưới sự chỉ huy của Đô đốc William F.Halsey để chống lại hải quân Nhật trong Thế chiến 2. Ngày 29.8.1945, trên soái hạm USS Missouri, Đô đốc Halsey dẫn đầu hạm đội tiến vào vịnh Tokyo và đến ngày 2.9, chiến hạm này trở thành nơi đại diện chính phủ Nhật ký văn kiện đầu hàng. Hạm đội 3 duy trì hiện diện tại vùng biển của Nhật cho đến cuối tháng 9.1945 và sau đó nhận lệnh tái bố trí về bờ biển phía tây của Mỹ.
Hiện nay, Hạm đội 3 là lực lượng sẵn sàng tác chiến, kiểm soát các tàu chiến nổi, tàu ngầm và máy bay đóng trú ở các bang California, Washington và Hawaii. Lực lượng hải hành của hạm đội có tới 4 nhóm tác chiến tàu sân bay là 1, 3, 9, 11 và 15. Trong đó, nhóm tác chiến 3 chính là nhóm tàu sân bay USS John C.Stennis. Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm có 1 hàng không mẫu hạm dẫn đầu, 1 tuần dương hạm được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 2 khu trục hạm tên lửa dẫn đường, 1 tàu ngầm và 1 tàu tiếp tế tổng hợp, theo website của hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, trong biên chế Hạm đội 3 còn có trên 10 đơn vị tác chiến khác như nhóm tấn công viễn chinh số 3, đội tàu tác chiến cận bờ 1, bộ chỉ huy tác chiến chống tàu ngầm và thuỷ lôi, phi đội trực thăng tấn công trên biển và nhóm hành động nổi Thái Bình Dương… Hạm đội 3 hiện nay có tổng cộng khoảng 100 tàu, gồm cả hơn 30 tàu ngầm, 12 tàu tiếp tế cho các nhóm tác chiến tàu sân bay, trên 400 máy bay, trong đó có chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 cùng trực thăng tấn công AH-1Z. Đáng chú ý, tư lệnh hiện nay của Hạm đội 3 là Phó đô đốc Nora Tyson, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ được trao quyền chỉ huy một hạm đội.
Uy lực Hạm đội 7
Hạm đội 7 được thành lập cùng ngày với Hạm đội 3 và từng tham gia nhiều cuộc chiến lớn ở châu Á như trận vịnh Leyte ở Philippines trong Thế chiến 2, chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Chiến tranh VN và Chiến tranh vùng Vịnh (1990 – 1991). Đến năm 1996, Hạm đội 7 chịu trách nhiệm chính lên kế hoạch và tổ chức triển khai lực lượng nhằm ứng phó căng thẳng quanh eo biển Đài Loan.
Hạm đội hiện sở hữu 50 – 70 tàu chiến, kể cả tàu ngầm, 140 máy bay và 20.000 quân nhân. Cụ thể, hạm đội này có 1 tàu sân bay mang tên USS Ronald Reagan kết hợp với các tàu tuần dương và khu trục để tạo thành nhóm tác chiến tàu sân bay gồm 12 tàu và 75 máy bay. Bên cạnh đó là 10 – 14 khu trục hạm, tuần dương hạm mang hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa diệt hạm. Trong số này có 11 chiếc đóng trú tại Yokosuka và 2 – 5 chiếc được triển khai định kỳ tới khu vực từ Hawaii hoặc San Diego. Trên website của mình, Hạm đội 7 nhấn mạnh rằng nếu căng thẳng leo thang dẫn đến cuộc xung đột vũ trang, thì đội tàu ngầm hạt nhân tiên tiến gồm 8 – 12 chiếc của họ sẽ mang lại lợi thế chiến lược lớn cho lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Về lực lượng hỗ trợ, Hạm đội 7 được trang bị 4 tàu đổ bộ, với chiếc lớn nhất là tàu trực thăng Bonhomme Richard có thể mang hàng chục trực thăng và khoảng 1.000 lính thủy đánh bộ. Nhóm tàu này đóng ở TP.Sasebo thuộc phía tây nam Nhật Bản. Ngoài chiến đấu cơ, hạm đội còn sở hữu 16 – 20 máy bay do thám, bao gồm dòng P-8 tối tân, giúp cung cấp thông tin tình báo, giám sát, do thám toàn bộ khu vực đảm trách cũng như thực hiện sứ mệnh săn ngầm nhờ mang ngư lôi.
Hạm đội 3 dẫn đầu cuộc tập trận lớn nhất thế giới
Hải quân Mỹ hôm qua thông báo cuộc tập trận đa quốc gia được tổ chức 2 năm một lần mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sẽ diễn ra từ ngày 30.6 – 4.8 tại vùng biển xung quanh Hawaii và phía nam bang California. Tham gia RIMPAC 2016 có 45 tàu hải quân, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng 25.000 quân nhân của 26 nước, trong đó có Anh, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Úc. Theo thông báo trên website của hải quân Mỹ, RIMPAC 2016 là cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới, được tổ chức bởi Hạm đội Thái Bình Dương và sẽ do Chỉ huy Hạm đội 3 Nora Tyson dẫn đầu.

 

Văn Khoa