Ở lại hay rút khỏi EU, nước Anh hồi hộp ngày phán quyết
Dự kiến 10g sáng 24-6, kết quả cuộc trưng cầu ý dân Anh ở lại hay rút khỏi Liên minh châu Âu mới được công bố.
Ở lại hay rút khỏi EU, nước Anh hồi hộp ngày phán quyết
Dự kiến 10g sáng 24-6, kết quả cuộc trưng cầu ý dân Anh ở lại hay rút khỏi Liên minh châu Âu mới được công bố.
Người dân Anh đội mưa đi bỏ phiếu – Ảnh: Reuters |
Liên minh châu Âu (EU) là một liên minh kinh tế – chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên. EU thành lập ngày 1-11-1993 theo Hiệp ước Maastricht. EU có nguồn gốc từ Cộng đồng kinh tế châu Âu, ra đời năm 1958 gồm 6 quốc gia thành viên đầu tiên là Bỉ, Đức, Ý, Luxembourg, Pháp và Hà Lan. Anh trở thành thành viên của EU từ năm 1973. |
(Nguồn: Website EU) |
Kết quả các cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy “tương quan lực lượng” giữa đi hay ở gần như 50-50.
Cuộc trưng cầu ý dân bắt đầu từ 7g sáng 23-6 (13g cùng ngày theo giờ VN) và kết thúc lúc 22g (4g sáng 24-6, giờ VN).
Ước tính 46,5 triệu người có quyền tham gia biểu quyết – con số kỷ lục cho một cuộc bỏ phiếu tại Anh. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố lúc 10g sáng 24-6 (giờ VN).
Lần thứ 3 trong lịch sử
Truyền thông Anh đưa tin những công dân đầu tiên đi bỏ phiếu trong cơn mưa nặng hạt. Nhiều cử tri đã xếp hàng trong mưa chờ đến lượt mình bỏ lá phiếu góp phần quyết định vận mệnh cho nước Anh.
Có tổng cộng 380 khu vực bỏ phiếu địa phương tại Anh, Scotland và Xứ Wales, cộng thêm một khu vực tại Bắc Ireland và một tại Gibraltar.
Đây mới là lần trưng cầu ý dân thứ ba trong lịch sử nước Anh và diễn ra sau bốn tháng vận động, tranh đấu, kêu gọi và khuyên nhủ, mời mọc, dụ dỗ giữa hai chiến dịch Brexit (ra đi) và Bremain (ở lại).
Nó cũng đánh dấu một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử tồn tại 60 năm của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc gần nhất diễn ra năm năm trước. Lần đó cử tri Anh đã bỏ phiếu bác bỏ một đề xuất thay đổi cách thức bầu cử nghị sĩ quốc hội.
Còn cuộc trưng cầu ý dân lần đầu tiên được tổ chức năm 1975. Khi đó người dân phải trả lời câu hỏi nước Anh có nên tiếp tục là thành viên một tổ chức khi đó gọi là Cộng đồng kinh tế châu Âu.
Ở một trong các cuộc thăm dò cuối cùng do ComRes tiến hành qua điện thoại cho hai đơn vị báo chí là Daily Mail và ITV News, phe ở lại đang thắng thế với 48% cử tri ủng hộ, trong khi phe ra đi chỉ đạt 42%. Số còn lại chưa quyết định.
Các thị trường tài chính thế giới có vẻ như kỳ vọng vào kết quả ở lại. Tại Tokyo, đồng bảng Anh bất chợt tăng vọt lên mức cao nhất trong năm nay khi 1 bảng Anh đổi 1,4844 USD.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán tại London, Paris và Frankfurt cũng tăng điểm trong các phiên giao dịch đầu ngày.
Tại London, nhà quản lý bất động sản 57 tuổi John Thompson cho biết ông hi vọng phe ra đi chiến thắng. Ông nói: “Tôi trân trọng quyền tự trị”. Trong khi đó các lãnh đạo EU cảnh báo người dân Anh sẽ không có cơ hội quay về nếu họ nhất trí bỏ phiếu ra đi.
Tại Brussels, nơi đặt trụ sở của EU, giới chức EU đang thật sự e ngại về hiệu ứng domino nếu kết quả bỏ phiếu nghiêng về Brexit.
Sợ hiệu ứng domino
Đứng đầu chiến dịch ủng hộ Brexit là cựu thị trưởng London Boris Johnson. Ông khẳng định chiến dịch thoát ly này đang trên đà chiến thắng.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có thể rất gần với chiến thắng trong một sự kiện đặc biệt trong lịch sử của đất nước chúng tôi và đối với toàn bộ châu Âu” – ông Johnson phát biểu tại miền đông nước Anh hôm 22-6 trong nỗ lực cuối của chiến dịch thoát ly.
Trong khi đó, theo AFP, Thủ tướng Anh David Cameron, người đã đánh cược cả di sản chính trị của ông cho cuộc trưng cầu ý dân, cầu xin mọi người bỏ phiếu để ở lại trong khối tại một buổi diễn thuyết cuối cùng ở Birmingham vào đêm trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đã cảnh báo người Anh rằng họ sẽ không có cơ hội quay lại khối nếu số phiếu Brexit chiếm quá bán. “Thoát ly là thoát ly” – chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh tại Brussels, gạt bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào về một thỏa thuận hậu bỏ phiếu về thời hạn thành viên của Anh tại EU.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều kêu gọi Anh ở lại EU.
Tại châu Âu, cuộc trưng cầu này dấy lên lo ngại về một hiệu ứng domino làm nguy hiểm đến tính toàn vẹn của khối, khi nhiều nước sẽ nhìn Anh như nước tiên phong cho việc tách khỏi khối.
Các lãnh đạo EU sẽ mở một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày vào ngày 28-6 tại Brussels, để đương đầu với kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Vương quốc Anh và quyết định nên đối phó với những mối nguy hiểm tương tự ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của khối tại châu lục này.
Sự kiện cá cược chính trị lớn nhất Nhiều tổ chức tài chính, doanh nghiệp, ngân hàng ủng hộ các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Anh ở lại EU. Giám đốc WTO Roberto Azevedo dự đoán nếu “ly dị” với Brussels, Anh có thể mất khoảng 10 năm để trở lại vị thế hôm nay. Về chính trị, hậu quả nhãn tiền là lãnh đạo Nicola Sturgeon của Scotland nói rằng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân rời Anh nếu London chọn Brexit. Tờ Wall Street Journal của Mỹ cũng đồng ý rằng hậu quả của Brexit sẽ kéo dài hàng thập kỷ và tác động lên sự hội nhập toàn cầu khi dẫn ra đánh giá 13 nghiên cứu độc lập, trong đó 8 nghiên cứu cho rằng tình hình sẽ tệ đi nếu Anh rời EU và chỉ 3 nghiên cứu ủng hộ, số còn lại không xác định được hậu quả. Còn giáo sư Swati Dhingra của Trường kinh tế London cho biết: “Vấn đề lớn nhất là EU chính là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của chúng ta. Nếu chúng ta chọn Brexit, phí thương mại với EU sẽ tăng làm giảm thương mại, đầu tư và GDP sụt giảm 1-3% trong vòng năm năm tới”. Tác động này đủ để kéo London rơi vào suy thoái. Trong khi mọi người đau đầu, ngành cá cược lại tỏ ra hào hứng với cuộc trưng cầu ý dân. Mike Smithson, nhà sáng lập trang cá cược politicalbetting.com, nói rằng tình hình cá cược rất sôi nổi và gọi cuộc bỏ phiếu là “sự kiện cá cược chính trị lớn nhất từ trước đến nay”. New York Times cho biết trong một sàn cá cược ở Westminster ngày 22-6, 13 USD đặt cược vào Bremain chỉ có tỉ lệ sinh lãi 3 USD và đến cuối ngày còn thấp hơn. Còn tỉ lệ thắng của Brexit vào khoảng 4,4 USD ăn 1,5 USD. “Những người đem tiền ra cược đều kết luận rằng London sẽ ở lại liên minh” – tờ báo nhận định. |