25/12/2024

Anh rời EU, thế giới rúng động

Việc người Anh lựa chọn chia tay EU, còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý kết thúc ngày 24.6 (giờ VN) đã khiến cả thế giới rung chuyển.

 

Anh rời EU, thế giới rúng động

 

Việc người Anh lựa chọn chia tay EU, còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý kết thúc ngày 24.6 (giờ VN) đã khiến cả thế giới rung chuyển.




Tờ Le Figaro dẫn kết quả chính thức công bố cho thấy số người ủng hộ Brexit đạt tỷ lệ 51,9%, trong khi số phiếu chọn Anh ở lại EU chỉ đạt 48,1%. Như vậy, London đã chính thức bước vào quy trình rời khỏi liên minh khu vực sau 43 năm là thành viên.
Chỉ vài giờ sau khi có kết quả trưng cầu, Thủ tướng David Camero tuyên bố sẽ từ chức, nhiều khả năng là vào tháng 10 khi người thay thế được chọn trong đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ cầm quyền. Ông Cameron chúc mừng chiến thắng của những người ủng hộ Brexit và nói thêm: “Lựa chọn của người Anh cần phải được tôn trọng. Tôi sẽ làm những gì có thể để giữ con thuyền được vững vàng. Nhưng tôi không còn phù hợp để đưa thuyền đến bến bờ mới bên ngoài châu Âu”.
Trong khi đó, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, một trong những thủ lĩnh của phe Brexit, hồ hởi: “Chúng ta đã tìm lại được tiếng nói riêng của mình trên thế giới, tiếng nói phù hợp với vị thế của nền kinh tế lớn thứ năm trên trái đất. Tôi tin rằng giờ đây, chúng ta sẽ có một cơ hội tuyệt vời, có thể thông qua các đạo luật và thiết lập thuế má phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Anh”, theo Reuters.


Giằng co phía trước
Theo BBC, kết quả trưng cầu còn phải chờ quốc hội Anh thông qua. Tuy nhiên, đây là điều chắc chắn xảy ra vì chính sự “nổi loạn” của các nghị sĩ thuộc những đảng nhỏ, do đảng cánh hữu UKIP dẫn đầu, là một trong những lý do đưa đến trưng cầu. Trong khi đó, các nghị sĩ thuộc phe ở lại EU không thể nào dám đi ngược lại lựa chọn của người dân. Sau khi London chính thức đề xuất, quy trình “chia tay” sẽ bắt đầu và kéo dài khoảng 2 năm, bao gồm thỏa thuận lại các hiệp định, hiệp ước về kinh tế, thương mại, an ninh, đi lại, lao động… EU và phe ủng hộ ở lại chắc chắn sẽ tìm cách đàm phán sao cho nội dung các thỏa thuận mới càng mang tính gắn kết càng tốt. Tuy nhiên, dường như EU đã có động thái “dằn mặt” khi Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hôm qua tuyên bố đàm phán cần được nhanh chóng tổ chức thay vì kéo dài tới 2 năm để tránh nguy cơ kéo dài những hệ quả lên liên minh này. Có vẻ như phe Brexit cũng không muốn “được đằng chân lân đằng đầu” để đẩy thêm căng thẳng và cựu Thị trưởng Johnson tuyên bố: “Không có gì phải vội và về ngắn hạn sẽ chưa có đột biến nào”.
Trong tương lai, hàng rào thuế quan sẽ được thiết lập lại giữa Anh với tất cả các nước EU. Đó là chưa kể khoảng 50 hiệp ước tự do thương mại (FTA) giữa EU với các đối tác khác cũng sẽ không còn hiệu lực với Anh. Thị trường chung với lợi thế lưu thông hàng hoá sẽ không còn và hậu quả về kinh tế được dự báo sẽ rất lớn: Quỹ nghiên cứu Bertelsmann Stidtung của Đức cảnh báo Anh có thể sẽ thiệt hại khoảng 78 tỉ euro/năm trong vòng 10 năm. Còn theo Trung tâm nghiên cứu Open Europe, Brexit sẽ làm giá cả tại nước này gia tăng: thuốc tăng 4,5%; xe hơi tăng 10%; thực phẩm tăng 20%…


London cũng có nhiều lựa chọn như tham gia Khu vực kinh tế châu Âu (EEE) tương tự Na Uy, giúp những quốc gia ngoài EU có thể hưởng chế độ mở của thị trường chung. Tuy nhiên, là thành viên của EEE cũng kèm nhiều điều kiện như chấp nhận tự do di chuyển và tự do lưu thông hàng hoá; tiếp tục đóng góp vào ngân sách chung… Đây lại chính là những điểm đã bị phe Brexit dùng để đả kích EU. Nếu muốn hoàn toàn xóa bỏ mọi ràng buộc, Anh có thể lựa chọn giao thương với các quốc gia trong khu vực này như bất kỳ thành viên nào của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
EU sang trang
 
 
Hiệu ứng domino
Brexit làm giới lãnh đạo EU lo ngại sẽ tạo một tiền lệ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến “hiệu ứng domino” trong khu vực. Theo AFP, tại Hà Lan, nghị sĩ cực hữu Geert Wilders đã kêu gọi thực hiện một cuộc trưng cầu tương tự còn Chủ tịch đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc của Ý Matteo Salvini tuyên bố: “Tôi hoan nghênh sự dũng cảm của người Anh và bây giờ đến lượt chúng ta”. Tại Pháp, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Marine Le Pen nói: “Như tôi đã đề xuất từ lâu, cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu như ở Anh tại mọi nước EU”.
Một hiệu ứng domino khác là sau khi có kết quả cuộc trưng cầu, Tây Ban Nha đã lên tiếng về khu vực Gibraltar, đang do London kiểm soát nhưng Madrid cũng tuyên bố chủ quyền. Tờ Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Jose Manuel Garcia-Margallo tuyên bố: “Hôm nay, cờ của Tây Ban Nha đã gần Gibraltar hơn bao giờ hết. Chúng tôi sẽ nói với Hội đồng châu Âu rằng vấn đề này chỉ còn là vấn đề song phương giữa Anh với Tây Ban Nha”.

 

Về phía EU, Anh ra đi đồng nghĩa với việc mất một thành viên “nặng ký” cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự và khối này sẽ tổn hại nặng nề về uy tín và thể diện. Các nhà đầu tư vốn lựa chọn những quốc gia EU để được hưởng lợi ích của thị trường chung từ nay sẽ phải đắn đo hơn trước nguy cơ “nói lời chia tay” của một số nước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, Brexit sẽ mở ra triển vọng thực hiện nhiều kế hoạch trước giờ vẫn vấp phải sự phản đối của London, chẳng hạn thành lập lực lượng quân sự chung. Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố sẽ cùng với các nước trong khu vực, đặc biệt là Đức “tiếp tục củng cố EU”, tăng cường các biện pháp bảo vệ biên giới và tạo điều kiện để nhấn mạnh vai trò của “hệ thống quốc phòng châu Âu”.
Có thể nhận thấy các nhà lãnh đạo tại châu Âu tỏ ra khá cứng rắn trong phát biểu về Brexit, hầu hết đều dùng cụm từ “27 thành viên” dù về mặt giấy tờ, con số này vẫn còn là 28. Trong thông cáo do Phái đoàn EU tại VN gửi cho Thanh Niên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định: “Không thể có cách nào tiên liệu được hết những hệ quả chính trị từ sự kiện này, đặc biệt là đối với Anh. Đây là một thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn đây không phải là lúc dành cho những phản ứng hỗn loạn. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này. Như mọi người đều biết, tiến trình hội nhập EU không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Thay mặt cho 27 vị lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng tôi quyết tâm gìn giữ sự nhất thể. Liên minh là khuôn khổ dành cho một tương lai chung của chúng tôi”. Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào ngày 28 và 29.6, ông Tusk đã mở một cuộc họp bất thường quy tụ lãnh đạo của các nước EU nhưng không có ông Cameron.
Nguy cơ ly khai mới
Một trong những nguy cơ mới sau trưng cầu là Anh có thể đối mặt làn sóng đòi ly khai mạnh mẽ hơn. Tại Scotland, tỷ lệ ủng hộ “ở lại EU” lên đến 62%. Theo Thủ hiến Nicola Sturgeon, đây là điều kiện để mở lại một cuộc trưng cầu về độc lập khỏi Anh vì người dân chọn EU nhưng bị buộc phải “nói lời chia tay”. Tương tự, đảng Sinn Fein trong liên minh cầm quyền tại Bắc Ireland cũng kêu gọi tổ chức trưng cầu độc lập sau khi tỷ lệ ủng hộ EU tại đây là 56%.
Ngoài ra, kết quả chênh lệch sít sao giữa “đi” và “ở” đã cho thấy Anh gần như chia thành 2 chiến tuyến. Trước đó, nhà báo Janan Ganesh Financial Times đã nêu câu hỏi mà không khác gì lời bình luận: “Người dân Anh liệu sẽ cho thấy họ có ghét nạn nhập cư lậu đến mức hy sinh sự ổn định kinh tế?”. Theo Le Monde, một thăm dò trước khi diễn ra trưng cầu cho kết quả 61% người được hỏi cho biết sẵn sàng chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm để đổi lấy việc nước Anh có thể siết chặt kiểm soát dòng người nhập cư. Phe Brexit cũng quả quyết rằng chủ quyền bị ảnh hưởng khi có quá nhiều luật tại nước này được lập ở thủ đô Brussels của Bỉ, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trọng yếu của EU. Những luận điểm này đã thắng thế so với cảnh báo của những người ủng hộ Anh ở lại EU, trong đó có Thủ tướng Cameron về những hậu quả nặng nề và dài hạn của Brexit. Người dân London đã lựa chọn “ở lại”, nhưng không thể làm thay đổi được tình hình. Brexit chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến vị thế là cửa ngõ tài chính tại EU của thủ đô Anh.
Thế giới phản ứng
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24.6 khẳng định cả EU và Anh sẽ tiếp tục là “những đối tác không thể thiếu” của Washington, theo AFP. Tương tự, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “Anh vẫn sẽ tiếp tục là một đồng minh bền vững của chúng tôi. NATO đoàn kết và kiên quyết sẽ đóng vai trò quan trọng trong một thế giới nhiều biến động hiện nay”. Trong khi đó, Nga từ chối bình luận về ý kiến cho rằng Brexit và một EU biến động sẽ có lợi cho nước này trong bối cảnh quan hệ Moscow – phương Tây đang căng thẳng.
Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều khẳng định “tôn trọng lựa chọn của người Anh” nhưng hy vọng sự ổn định của châu Âu không bị ảnh hưởng. Các bên đều tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình và chuẩn bị biện pháp đề phòng bất ổn về kinh tế, an ninh, chiến lược…
Lan Chi

Nhiều thách thức lớn
Tối 24.6, các chuyên gia chính trị, tài chính quốc tế đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về Brexit.
Giáo sư Karl Kaiser, chuyên gia về châu Âu của Đại học Harvard, nhận định: Brexit làm suy yếu vai trò của châu Âu – vốn là mô hình khắc phục các xung đột cũ để giúp tạo dựng sự ổn định lâu dài. Diễn biến này còn có thể tạo ra hiệu ứng lan rộng khiến các nước khác trong khối làm theo, càng gây đảo lộn ở khu vực và thế giới. Đức và Pháp là 2 nước khởi tạo quan trọng nhất, đóng vai trò động lực nền tảng cho EU. Vì thế, 2 nước này sẽ nỗ lực đưa ra các sáng kiến mới để dẫn dắt tiến trình ổn định cũng như “níu giữ” sự kết nối với các thế mạnh của Anh, điển hình như ở góc độ quân sự. Về lâu dài, dù phải trải qua biến động, nhưng EU đã là một phần trong cuộc sống của người dân khu vực này. Vì thế, EU rồi cũng sẽ ổn định và việc vượt qua được thử thách sẽ giúp khối này trở thành thực thể vững vàng hơn.
Về góc độ kinh tế, ông Dong Tao, Tổng giám đốc kiêm Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á không tính Nhật Bản – Tập đoàn tài chính Credit Suisse, nhận xét: “Diễn biến Brexit tạo ra ảnh hưởng ở 3 khía cạnh: Thứ nhất về nhu cầu và xuất khẩu, Anh sẽ rơi vào suy thoái còn EU sẽ tăng trưởng chậm lại. Điều này gây khó khăn cho xuất khẩu của châu Á nhưng mức độ gây hại sẽ không quá lớn. Thứ hai là về thị trường tài chính sẽ không tránh khỏi bất ổn, nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến châu Á. Tuy vậy, cũng đừng bỏ qua hiện tượng “Thiên nga đen” (ý nói những diễn biến bất ngờ, không nghĩ xảy ra lại xảy ra – NV) vốn có thể ảnh hưởng lâu dài đến châu Á. Thứ ba là về tính hệ thống, tôi nghĩ Brexit sẽ tạo ra một cuộc trưng cầu dân ý khác. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đe doạ cả khối EU lẫn euro, thậm chí đe doạ cả quá trình toàn cầu hoá”.
Ngô Minh Trí (thực hiện)


 

Nguyễn Ngọc Lan Chi