27/12/2024

Một ngày ở “thị trấn điện hạt nhân” Nga

Sau gần một tháng đăng ký người kèm thiết bị, cánh cổng nhà máy điện hạt nhân của Nga hiện ra trước mắt. Nhưng có cảm giác viễn cảnh nhà máy mở cửa đón khách du lịch còn rất xa vời, bởi khâu kiểm tra an ninh quá phức tạp.

Một ngày ở “thị trấn điện hạt nhân” Nga

 

Sau gần một tháng đăng ký người kèm thiết bị, cánh cổng nhà máy điện hạt nhân của Nga hiện ra trước mắt. Nhưng có cảm giác viễn cảnh nhà máy mở cửa đón khách du lịch còn rất xa vời, bởi khâu kiểm tra an ninh quá phức tạp.

 

 

 

 

Một ngày ở “thị trấn điện hạt nhân” Nga
Tháp làm mát tổ hợp số 6 và số 7 trong Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh – Ảnh: C.V.K.

 

 

Cũng giống tất cả nhà máy nhiệt điện khác, nhà máy điện hạt nhân có công dụng là… phát điện. Công suất cực lớn, lò gần như không dừng, liên tục phát điện và đặc biệt với nguồn nguyên liệu hạt nhân, nếu bị xâm nhập, khủng bố, tai họa sẽ xảy ra không chỉ với nhà máy, mà còn có thể khiến phóng xạ lan ra cả ngàn kilômet. Nên nhà máy điện hạt nhân được bảo vệ nghiêm ngặt, hơn cả căn cứ quân sự.

“Nhiên liệu hạt nhân rất giàu năng lượng. Một viên uranium dioxit 4,5 gram có thể sản sinh ra năng lượng bằng với 350kg dầu, 640kg gỗ, 400kg than và 360m3 khí tự nhiên. Đốt cháy 1kg than có thể sản xuất 7kWh điện. Trong khi đó, khối lượng tương tự với nguyên liệu hạt nhân có thể sản xuất ra 620.000kWh, gấp 88.000 lần

Nguồn: Tập đoàn năng lượng nguyên tử ROSATOM

An ninh nghiêm ngặt

Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh cách thủ đô Matxcơva của Nga khoảng 600km. Nằm giữa những cánh rừng và thảo nguyên bạt ngàn, có cả thị trấn và nông trại bao quanh khiến nhà máy như nhỏ lại, gần gũi. Nhưng thực tế, đây là một dạng cơ sở chưa mở cửa cho người không phận sự đến thăm.

Từ đằng xa, chỉ thấy rõ hình ảnh sáu lò nước làm mát vươn thẳng lên trời với những gợn hơi nước bay nhẹ. “Nhiều người cứ tưởng đó là ống khói, nhưng không phải. Năng lượng hạt nhân không phát thải cacbon” – chuyên gia nhà máy đón khách ngay từ cảng hàng không giới thiệu như thế.

Cũng tại đây, dù còn cách nhà máy gần 10km, những vị khách được mời, dù đã được phép tiếp cận nhà máy điện hạt nhân, đã cảm nhận rõ sự khác biệt về… an ninh so với những điểm tham quan khác.

Ngay sau khi bước chân lên xe, đã có những nhân viên nhà máy đi kiểm tra lại giấy tờ của khách. Thẻ được phát, tất cả được nghe những nguyên tắc an ninh ít thấy: không được chụp ảnh, trừ khi được phép. Những địa điểm được chụp cũng chỉ được chụp theo hướng người điều hành chỉ tay, không được phép chĩa máy sang hướng khác. Mà cũng không phải ai mang máy ảnh cũng được chụp.

Theo nguyên tắc của nhà máy điện nguyên tử, tất cả khách tham quan đều phải đăng ký những thiết bị điện tử từ trước đó… một tháng. Không chỉ máy ảnh, máy quay, mà các thiết bị điện tử khác như máy ghi âm cũng không ngoại lệ. Điện thoại di động thì cấm… 100%.

Tất cả các loại máy được phép mang vào không những phải đăng ký tên, dòng máy mà cả số xêri, imei để có thể tra ngược, kiểm tra nguồn gốc.

Sau khi xe xuyên qua “vùng trắng” không có dân cư, đến khi đỗ xịch trước cửa nhà máy, mọi người được dẫn vào căn phòng chờ nhỏ. Nơi đó, chỉ nhìn sơ đã thấy ít nhất ba lớp an ninh.

Nhân viên an ninh của nhà máy dẫn khách vào. Khách được gọi tên, mời vào căn phòng soi chiếu nhỏ chỉ tầm 1m2. Đội ngũ an ninh của Bộ Nội vụ soi đến vài phút.

Xong phòng soi, tưởng hoàn thành thì thấy lừng lững phía trước mấy anh quân đội với những nhân viên cầm các thiết bị soi chiếu đặc biệt, khó biết là họ tìm cái gì. Chỉ biết nếu ai đã từng phải cấy thiết bị y khoa vào người đều bị máy phát hiện “tít, tít”… rất đúng chỗ.

Tại khu vực nhà máy, an ninh nghiêm ngặt không chỉ khi có khách tham quan, ngay với nhân viên của nhà máy, chu trình kiểm tra để được vào làm việc cũng không kém. Không ai được chụp ảnh toàn cảnh nhà máy, kể cả những người làm ở đây.

Ông Evgenii Romanov – giám đốc tổ hợp số 5 của Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh – hồ hởi mỉm cười chào khách đằng sau cánh cửa an ninh. Sau bộ phận an ninh không được phép chụp ảnh, tới khu vực nhà máy, ông Romanov mời: các bạn chụp đi nhé.

Nhưng chỗ này toàn cỗ máy khổng lồ, đứng gần chụp không hiểu là cái gì, đứng xa chụp thì không rõ. Ông Romanov có vẻ hiểu, bảo: tổ máy này công suất hơn 1.000MW cơ mà (tức gần bằng cả một nhà máy điện than 1.200MW ở Việt Nam).

Khu vực nhà máy nằm ngay sát lò phản ứng, vì vậy bất cứ khách nào, dù VIP, khi vào thăm, đều phải đi theo dòng kẻ chỉ dẫn, không được đi ra ngoài. Đoàn khách cũng được tách nhỏ, đi kèm đoàn, bao giờ cũng là 6-7 nhân viên an ninh mặt lạnh tanh.

“Mọi khả năng xảy ra sự cố đều đã được tính đến và có biện pháp giải quyết” – ông Romanov tự tin chia sẻ. Không giải thích nhiều về chuyên môn, ông Romanov ví dụ khả năng mất điện, mất nguồn dự phòng, hỏng máy bơm… Đặc biệt, chỉ lên tháp lò phản ứng, ông Romanov khẳng định nó được thiết kế bêtông đủ độ dày để chống được trường hợp một số loại máy bay lao vào. “Nhà máy này chống được động đất cấp 9” – ông Romanov nói.

Lò thử lửa

Sau một vòng thăm khu vực máy phát điện, chúng tôi được dẫn vào khu vực “trái tim” của nhà máy. Qua hai lớp cửa, nếu khu vực nhà máy phải đeo nút tai chuyên dụng chống ồn thì tại phòng điều khiển trung tâm, không khí tĩnh lặng khác thường, dù chỉ cách khu vực máy phát điện vài mét.

Đứng lừng lững giữa “trái tim” của nhà máy – phòng điều khiển trung tâm, bốn cán bộ vận hành chính mặt lạnh tanh như không hề thấy khách. Họ tập trung cao độ vào hệ thống màn hình.

Trưởng kíp, người duy nhất được đi ra ngoài vạch kẻ đỏ ngăn khu vực làm việc với khu vực người không có nhiệm vụ vận hành, tới chào và giới thiệu với khách vài câu khái quát. Ông vẫn không bỏ quên nhiệm vụ giám sát của mình với trung bình mỗi 30 giây lại thấy quay ra với các vị trí cần quan sát trong phòng.

Trả lời về những thắc mắc liên quan tiêu chuẩn người được vào ngồi “phòng lạnh” điều khiển trung tâm, Zubahin D.V, trưởng kíp trực, giới thiệu từng người: kia là người điều khiển lò phản ứng, kia là người điều khiển khu vực phát điện… Tất cả người vào đây ngoài kiểm tra sức khoẻ, nghiệp vụ đều bắt buộc phải trắc nghiệm, kiểm tra tâm lý định kỳ để tránh mọi bất trắc.

Ông Vladimir Lobanov, phó kỹ sư trưởng kiêm giám đốc trung tâm đào tạo Nhà máy Novovoronezh, chia sẻ về quá trình được vào “phòng lạnh”: rất dài, đòi hỏi cả quyết tâm và kiên nhẫn. “Tất cả người ngồi đây phải đào tạo đại học trong năm năm. Tiếp theo là một năm đào tạo lại. Tiếp đến là thực tập trực tiếp tại nhà máy, khi nào đạt chuẩn thì được chính thức tham gia vận hành”.

Nhà máy Novovoronezh còn có cả một trung tâm đào tạo, với hệ thống điều khiển như thật, để “thử lửa” các nhân viên, với mọi tình huống.

Chia sẻ với chúng tôi, ông giám đốc trung tâm đào tạo công nhận rất nhiều sinh viên Việt Nam đã được đào tạo tại đây. Tuy nhiên, ông thẳng thắn: chưa ai được trực tiếp vào thực tập tại phòng điều khiển thật của nhà máy.

Câu chuyện mà các nhân viên điện hạt nhân Nga muốn chia sẻ, đó là nguyên tắc tối thượng, không có tình cảm đan xen, để an toàn là trên hết.

“Hoa vẫn nở…”

Một ngày ở “thị trấn điện hạt nhân” Nga
Phòng điều khiển trung tâm của tổ hợp số 6 – Ảnh: C.V.K.

Có một khu vực cuối cùng chúng tôi được dẫn đi, và được nhắc “OK, chỗ này có thể chụp”. Đó là một thùng container mới, có một người túc trực sẵn ở bên, cửa lúc nào cũng mở, đó là hệ thống máy phát điện công suất lớn.

Theo giám đốc tổ hợp số 5, sau sự cố Fukushima (khu vực làm mát bị mất nguồn khiến xảy ra sự cố), hệ thống an toàn của Nhà máy Novovoronezh đã được bổ sung hệ thống cấp điện dự phòng này.

Máy phát này được thiết kế có thể di chuyển cơ động, sẵn sàng cung ứng điện cho hệ thống làm mát. Tuy nhiên, đây chỉ là bước dự phòng thứ… n, bởi tất cả khả năng nhà máy bị sự cố đều đã được tính đến và có dự phòng.

“Song, mọi thứ đảm bảo an toàn tốt hơn đều được thực hiện, để đảm bảo nhà máy không bao giờ bị bất ngờ, gây sự cố” – ông Romanov nói.

“Hoa vẫn nở và cá vẫn bơi” – một người phụ nữ Nga sống gần cả đời mình tại “thị trấn điện hạt nhân Novovoronezh” nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về cuộc sống nơi đây khi thấy khách lạ đến thăm thị trấn.

Thị trấn này nằm ngay cạnh nhà máy điện hạt nhân, vậy mà người phụ nữ này chỉ tay xuống dưới nhánh của dòng sông, bảo: cũng giống bất cứ ai, bà rất quan tâm đến hàm lượng phóng xạ và theo dõi rất kỹ.

Tuy nhiên, hàm lượng phóng xạ ở khu vực sát nhà máy thậm chí còn thấp hơn cả một số khu vực không có nhà máy điện hạt nhân và tất nhiên, hơn 50 năm qua, vẫn ở dưới ngưỡng an toàn.

“Chúng tôi vẫn đánh bắt và ăn cá ở dòng sông này” – 
bà nói.

C.V.KÌNH – TRUNG HÀ