Không nước nào thay đổi được phán quyết của Toà trọng tài thường trực
Toà trọng tài thường trực (PCA) chưa đưa ra phán quyết vụ kiện Trung Quốc của Philippines nhưng tình hình đã nóng lên khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của toà này.
Không nước nào thay đổi được phán quyết của Toà trọng tài thường trực
Toà trọng tài thường trực (PCA) chưa đưa ra phán quyết vụ kiện Trung Quốc của Philippines nhưng tình hình đã nóng lên khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của toà này.
Ông Hun Sen khẳng định Campuchia giữ quan điểm trung lập trong vấn đề Biển Đông – Ảnh: Reuters |
“Những nước có liên quan đến tranh chấp hãy đến và nói chuyện với nhau, Campuchia sẽ giữ vị trí trung lập trong vấn đề này |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen |
Thủ tướng Hun Sen gay gắt lên tiếng sau khi nhiều tờ báo đưa tin Campuchia và các đồng minh khác của Trung Quốc là Lào, Myanmar rút lại sự ủng hộ đối với tuyên bố chung cho báo chí ngay sau hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc.
“Campuchia sẽ không là con rối của bất cứ ai trong vấn đề Biển Đông” – ông Hun Sen phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Trường Quản trị hoàng gia ở Phnom Penh ngày 20-6, khẳng định nước này dù nhỏ nhưng “không ngu về chính sách đối ngoại”.
Đòi công bằng cho Campuchia
Thủ tướng Campuchia khẳng định những cáo buộc đối với nước này là “không thể chấp nhận được” và cho rằng Phnom Penh bị lợi dụng.
“Thật không công bằng cho Campuchia. Họ không dám đổ lỗi cho Brunei nhưng ngạo mạn sỉ nhục Campuchia. Tôi không ủng hộ bất cứ quốc gia nào nhưng tôi cần công bằng” – ông nói.
Ông Hun Sen cũng cho biết Campuchia ủng hộ cơ chế ASEAN – Trung Quốc nhằm triển khai Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hối thúc ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ tuyên bố chung của ASEAN về phán quyết của PCA tại The Hague.
“Đây không phải về luật pháp mà hoàn toàn về chính trị” - Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen, nói rằng “đại sứ một nước lớn” (ám chỉ Mỹ) từng khuyên ông rằng ASEAN nên có tiếng nói chung. Ông khẳng định Campuchia sẽ ra tuyên bố riêng và độc lập.
Để giải thích rõ hơn quan điểm của mình, ông so sánh tranh chấp Biển Đông với tranh chấp biên giới Campuchia – Thái Lan: “Khi Campuchia tranh chấp với Thái Lan, tôi không yêu cầu ASEAN ủng hộ quyết định của toà The Hague. Đừng đổ thêm dầu vào lửa… Họ cáo buộc Campuchia phá hoại hội nghị ASEAN. Đừng đổ lỗi cho Campuchia, hãy làm rõ và củng cố lập trường của mình”.
Tuyên bố này của ông bị Tân Hoa xã diễn giải thành Campuchia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng các nước nên đàm phán song phương và rằng Campuchia không ủng hộ phán quyết của PCA vào tháng sau, nhiều khả năng sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Không phải lần đầu
Tuy nhiên giới quan sát nhận định phản ứng mạnh mẽ của Campuchia tiếp tục cho thấy sự chia rẽ trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong khi một số hoài nghi về tuyên bố trung lập của Phnom Penh.
“Campuchia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc để phát triển hạ tầng, đầu tư và các lĩnh vực khác và thường chống đối các tuyên bố ASEAN lên án gã khổng lồ châu Á” – tờ Nikkei của Nhật bình luận, nhắc đến việc Campuchia từng phản đối tuyên bố chung của ASEAN năm 2012 lên án Trung Quốc.
Cùng chung quan điểm này, Thitinan Pongsudhirak – giám đốc Viện nghiên cứu an ninh quốc tế Đại học Chulalongkorn, Thái Lan – tỏ ra lo ngại: “Những nước nhỏ của ASEAN, như Campuchia và Lào, đang chịu ơn những ưu đãi của Bắc Kinh. Khi những sự bất ổn an ninh trong khu vực và tranh cãi trở nên căng thẳng, Trung Quốc sẽ đòi các nước này trả ơn và có thể chẻ nhỏ sự đoàn kết của ASEAN vốn là nền tảng cho tính trung tâm của tổ chức này trong khu vực hơn nửa thế kỷ qua”.
Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông nhắc lại sự thật về quan điểm đàm phán song phương, được Trung Quốc dẫn chứng là thoả thuận đàm phán với Philippines, và cũng là những lập luận mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố bác bỏ phán quyết của PCA.
“Tất cả những thoả thuận song phương mà Trung Quốc dẫn ra đều ký trước khi Trung Quốc bắt đầu chương trình cải tạo đất và xây đảo ở Biển Đông. Những thoả thuận cũng được ký trước khi đội quân tàu cá của Trung Quốc gia tăng số lượng đáng kể và được các tàu tuần duyên nước này bảo vệ để đi xâm phạm các lãnh hải của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei” – trang MSNBC viết.
TS Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ): PCA đúng trình tự pháp lý Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20-6 cho thấy ông đang hứng chịu nhiều sức ép, đặc biệt sau khi Campuchia bị cáo buộc là một trong những tác nhân chính khiến tuyên bố báo chí chung của ASEAN trong cuộc gặp giữa các ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Côn Minh mới đây bị rút lại chỉ vài tiếng sau khi được công bố cho truyền thông. Sở dĩ ông Hun Sen phát biểu như thế một phần do ông ấy bức xúc về những cáo buộc trên và muốn thanh minh cho dư luận trong nước và quốc tế về lập trường của Campuchia. Cũng phải nói đến Trung Quốc đang cố gắng chia rẽ ASEAN bằng cách lôi kéo và mua chuộc một vài nước trong ASEAN có gắn bó lợi ích với nước này ủng hộ lập trường của họ trước thềm phán quyết của PCA. Dù luôn miệng cho rằng PCA không có thẩm quyền ra phán quyết, nhưng chiến dịch lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình thông qua những luận điệu tuyên truyền sai sự thật cho thấy Bắc Kinh đang tỏ ra lo ngại về phán quyết của PCA, đặc biệt là phán quyết bất lợi liên quan đến đường lưỡi bò phi lý nuốt gần hết Biển Đông. Theo tôi, việc không ủng hộ phán quyết của PCA chỉ thể hiện nhận thức của cá nhân ông Hun Sen và lập trường của Campuchia về vụ việc. Quan trọng là phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế không bị ảnh hưởng bởi phát biểu hay lập trường của bất kỳ chính khách nào, quốc gia nào, dù là liên quan đến bản án hay là người ngoài cuộc. Không một nước nào có thể làm thay vai trò của cơ quan tài phán và cũng không nước nào được làm ảnh hưởng và có thể làm ảnh hưởng đến phán quyết của cơ quan tài phán. Chuyện các bên vận động trước phán quyết của một phiên tòa là rất bình thường. Quan trọng là hãy nhìn toà có làm đúng thủ tục pháp lý hay không. Rõ ràng PCA đang làm đúng trình tự pháp lý và có được những thẩm phán uy tín và khách quan. |