Gắn bó mấy chục năm, hoặc chỉ mới thực sự ‘quen’ nhau sau những ‘va đập’ thì với hầu hết các doanh nghiệp lớn, nhỏ; từ các thương hiệu nổi tiếng cho đến các cơ sở sản xuất nhỏ… đều khẳng định, Báo Thanh Niên là điều không thể thiếu để khởi động một ngày làm việc.
91 năm báo chí cách mạng Việt Nam:
Bạn đồng hành của doanh nghiệp
Gắn bó mấy chục năm, hoặc chỉ mới thực sự ‘quen’ nhau sau những ‘va đập’ thì với hầu hết các doanh nghiệp lớn, nhỏ; từ các thương hiệu nổi tiếng cho đến các cơ sở sản xuất nhỏ… đều khẳng định, Báo Thanh Niên là điều không thể thiếu để khởi động một ngày làm việc.
Khi nghe mục đích của cuộc phỏng vấn, ông Lâm Tấn Lợi, chủ thương hiệu Võng xếp Duy Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi nói đùa: “Nếu tính tiền điện thoại tôi gọi đến BáoThanh Niên, chắc tôi sẽ có số tiền lớn”. Đúng vậy, hầu như mỗi ngày, ông Lợi đều gọi điện đến báo để phản hồi, khen chê về tin, bài trên báo. Thậm chí, không ít lần ông gọi điện đến Thanh Niên để phản hồi về những bài, tin của báo khác.
Mối nhân duyên
Câu nói ông Lợi nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi là “Báo Thanh Niên được đấy!” bởi báo đã có nhiều đề tài “gãi đúng chỗ ngứa”. “Cái được của Báo Thanh Niên là đã “dám” dấn thân vào những đề tài mà không phải báo nào cũng “dám” đề cập. Rất nhiều bài phản biện về chính sách nhà ở; lãi suất; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; những dự án không đúng gây thất thoát ngân sách… được nhân dân đồng tình ủng hộ. Báo đã làm quyết liệt, mạnh dạn, đọc thấy đã…”, ông Lợi nhận xét. Ông Lợi nói, trong thời buổi bùng nổ về thông tin, về mạng xã hội hiện nay, người đọc đôi lúc bị bối rối. Những lúc như vậy, ông “tìm ngay tờ Thanh Niên để xác minh độ chính xác của nguồn tin” vì “hoàn toàn đồng tình với cách đưa tin chừng mực nhưng mạnh mẽ của báo”.
Đặc biệt quan tâm đến mảng an toàn thực phẩm, y tế, ông Lợi nhận định, phóng viên của Báo Thanh Niên trong nhiều trường hợp như một điều tra viên thực thụ. Để phanh phui những vụ bỏ chất độc hại vào thực phẩm gây chết người, nạn tiêu cực tại các cơ sở y tế… phóng viên của báo đã nhập vai, xâm nhập vào những cơ sở này để có các bài phóng sự tác động đến cơ quan quản lý, cảnh báo cho người dân, phanh phui cái xấu. Đây là những lý do khiến ông “khoái” và chọn Thanh Niên để đồng hành làm từ thiện từ 15 năm qua.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á khẳng định, sự đấu tranh không mệt mỏi củaThanh Niên trên mặt trận thuế, thủ tục hải quan đã mang lại hiệu quả rõ rệt. “Bây giờ Ngân hàng Nhà nước đã có “lệnh” giảm lãi suất, công không nhỏ thuộc về báo chí, người bạn đồng hành của DN. 40% doanh thu của công ty nhờ vào xuất khẩu, nên chúng tôi rất quan tâm đến thay đổi chính sách thuế, hải quan. Đặc biệt cải cách hành chính các lĩnh vực này nên vai trò của báo chí theo tôi là cực kỳ quan trọng”, ông Trung phân tích.
Ông Lê Quang Hậu, chủ hộ sản xuất kinh doanh chả ở Q.Tân Phú, TP.HCM thật thà kể, ông không phải là độc giả thường xuyên của Thanh Niên cho đến ngày đọc được bài viết về làm “chả bẩn” trên báo. Trong đó, chủ một cơ sở sản xuất loại chả này khẳng định, nếu không bỏ hàn the, khó làm được chả ngon đã khiến ông Hậu bức xúc. Trực tiếp cầm tờ báo đến toà soạn, ông Hậu khẳng định: “Bằng cả danh dự và mạng sống của mình để nói rằng, tôi làm chả không cần bỏ phụ gia độc hại, áp dụng công nghệ hiện đại và truyền thống, vẫn có sản phẩm ngon, sạch 100%”. Cũng từ đó, ông Hậu trở thành độc giả thường xuyên và chia sẻ nhiều thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm cho phóng viên của báo.
Đó cũng là “mối nhân duyên” giữa Thanh Niên với bà chủ cơ sở sản xuất bún Nguyễn Bính. “Tôi làm bún đầu tắt mặt tối, không biết tờ báo là màu xanh hay đỏ đâu. Những tờ báo “chính sự” như Thanh Niên lại càng ít đọc. Nhưng rồi tình cờ được lên báo, phóng viên trò chuyện hỏi gì mình nói nấy. Nhưng rồi sau bài báo, rất nhiều DN ở tận Cà Mau, Bạc Liêu, gọi điện hỏi tôi về bí quyết xây dựng thương hiệu… Thật lòng tôi nói tôi có biết gì đâu, tôi làm và nói chân thành tự đáy lòng mình thôi. Báo chí giúp chúng tôi, những DN nhỏ biết và tìm đến nhau, điều đó rất quý”, bà Bính bộc bạch.
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tôn vinh và đồng hành với hàng Việt.ẢNH: Đ.N.T
“Đọc báo Thanh Niên thôi là đủ rồi!”
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết cứ mỗi buổi sáng chưa có tờ Thanh Niên trên tay là “ly cà phê sáng đó không ngon”. “Với cá nhân tôi và anh em doanh nhân trong hiệp hội, Báo Thanh Niên là tờ báo cung cấp thông tin chính xác, đi trước và kịp thời. Thực tế chỉ cần đọc thông tin của Thanh Niênlà đủ rồi!”, ông Minh nhấn mạnh. Không chỉ thế, theo ông Minh, báo luôn đồng hành chặt chẽ với DN và hỗ trợ DN một cách thiết thực trong vai trò cầu nối tâm tư, nguyện vọng của họ tới cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách được điều chỉnh sau khi Báo Thanh Niên lên tiếng.
“Các cơ quan quản lý nhà nước đôi khi cũng đưa ra thông tin sớm nhưng không sinh động, hấp dẫn và chi tiết bằng diễn tả của báo chí. Đó là liều thuốc cấp thời cho DN. Chẳng hạn những chuyện xung quanh việc hội nhập sâu của VN, câu chuyện TPP… Nhờ Thanh Niên, DN mới tiếp cận dễ dàng hơn với cái khó của hội nhập để chuẩn bị. Hoặc như vụ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh, TP.HCM mới đây, nếu không có báo chí vào cuộc, mà trong đó là tiếng nói mạnh mẽ từ Báo Thanh Niên, chắc chắn DN đã bị triệt tiêu rồi”, ông Minh cho biết.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng giữa truyền thông và DN luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau và người thụ hưởng thành quả từ mối quan hệ này là người tiêu dùng. Lấy ngành mình làm minh chứng, ông Tài nói: “Với sức lan toả của báo chí, hợp sức cùng với tiếng nói của các DN đã tác động mạnh lên các cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách du lịch, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Chẳng hạn, Chính phủ đã có điều chỉnh chính sách thị thực, cụ thể là miễn giảm phí xuất nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh và áp dụng chính sách miễn thị thực thử nghiệm cho công dân 5 nước Tây Âu sau khi báo chí lên tiếng. Nhiều khi giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN có khoảng cách về thông tin, trong bối cảnh đó báo chí đã làm cầu nối rất tốt”.
Quan tâm nhiều hơn đến DN nhỏ
Thừa nhận vai trò của báo chí nhưng không ít DN vẫn còn “tâm tư”. Ông Lâm Tấn Lợi đề xuất, Báo Thanh Niên cần phát triển nhiều hơn những tuyến bài gần gũi với DN nhỏ. “Chuyện vĩ mô, tác động đến chính sách, phỏng vấn các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế nhằm góp ý với Chính phủ là điều quan trọng. Song, trong một nền kinh tế hội nhập, đa phần DN VN là nhỏ và rất nhỏ, báo chí cần đưa tiếng nói của những “người nhỏ” này nhiều hơn để hiểu tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của họ. Có thể vì một lý do nào đó, báo chí muốn phỏng vấn những người có tên tuổi để tiếng nói có “giá trị” cao hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, tiếng nói của những người “vô danh” cũng rất quan trọng. Nếu phát triển mạnh hơn những điều này, độc giả sẽ đến với báo ngày càng nhiều hơn là điều chắc chắn”, ông Lợi góp ý.
Còn bà Bính thì nhắn gửi: “Nhờ Báo Thanh Niên lên tiếng mạnh mẽ về quy hoạch làng nghề để những DN làm ăn chân chính, muốn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chỗ để sản xuất mà không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Chẳng hạn, như nghề bún của chúng tôi, đầu tư nhiều để xử lý vệ sinh nước thải, nhưng cần hướng quy hoạch vùng sản xuất thì đến nay chưa có”.
Đồng ý với chia sẻ trên, ông Minh nói thêm, báo chí nói chung nên nghiên cứu tìm những gương DN vượt khó để nêu nhằm “khích lệ” tinh thần cho họ. Những công ty này có quy mô nhỏ, nhưng đã cố gắng, cần mẫn sản xuất những sản phẩm nhỏ nhất cho xã hội, đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm… BáoThanh Niên thời gian qua cũng có dạng bài viết kiểu này, chẳng hạn như chuyên mục Tự tạo cơ hội kéo dài suốt nhiều tháng. Nhưng trên bình diện chung, gương DN, cá nhân vượt khó trong làm ăn, kinh doanh cũng chưa thật sự được truyền tải nhiều.
Niềm tin của Báo Thanh Niên vào doanh nghiệp trẻ đã khích lệ chúng tôi
Là một DN trẻ, mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhưng Báo Thanh Niên đã tin tưởng vào tâm huyết mà chúng tôi bỏ ra để phát triển các dự án căn hộ phục vụ khách hàng.
Điều này nói thì đơn giản nhưng không phải tờ báo nào cũng dám đặt lòng tin vào những doanh nhân, DN trẻ. Thực tế, BĐS là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm về thông tin. Thông tin thiếu chính xác sẽ gây tác động đến tâm lý khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của DN và sức mua trên thị trường. Tôi thấy thông tin trên Thanh Niên có độ chính xác rất cao và rất kịp thời.
Đặc biệt thời gian gần đây, cùng với việc phản ánh cơ chế, chính sách, các sự kiện, vấn đề trên thị trường, báo còn chủ động đứng ra tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, các lãnh đạo ban ngành, khách hàng và DN, từ đó mang đến những thông tin vô cùng hữu ích, góp phần điều chỉnh chính sách, minh bạch thị trường, củng cố niềm tin đến khách hàng. Báo chí nói chung và Báo Thanh Niên nói riêng chính là cầu nối giữa DN và nhà nước, DN và khách hàng.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia Investment
“Quyền lực thứ 4” để gia tăng tính minh bạch xã hội
Nghề báo là một nghề đòi hỏi sự dấn thân và lòng quả cảm. Những nhà báo hoạt động trong lĩnh vực BĐS thời gian qua đã mạnh dạn phản biện lại các chính sách chưa đúng, chưa hợp lý của nhà nước để từ đó các cơ quan chức năng nhìn nhận để sửa đổi lại một cách đúng đắn hơn.
Tôi cũng cho rằng, không có công cụ hữu hiệu nào hơn báo chí truyền thông để truyền tải những thông điệp, những sản phẩm của DN đến khách hàng. Vì chúng tôi có thể làm tốt, làm đẹp, làm xuất sắc nhưng không có sự hỗ trợ này chúng tôi không thể nào truyền tải được những gì chúng tôi đã làm đến khách hàng. Nhiệm vụ và vai trò của báo chí từ trước đến nay vẫn luôn là “quyền lực thứ 4” để gia tăng tính minh bạch xã hội và phản biện xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt
Báo chí thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội
Những năm gần đây, báo chí đã thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Sự vào cuộc kịp thời, đi đến tận cùng vấn đề để tiếng nói của DN đến được với cơ quan có thẩm quyền.
Điển hình như khi gói 30.000 tỉ đồng bị “tắc” hay những bất cập của Thông tư 36 và mới đây nhất là những lùm xùm tại một số dự án, Báo Thanh Niên đã phản ánh rất kịp thời, đã đứng ra tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến phản biện của DN, của người dân, các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, lấy lại lòng tin cho khách hàng, góp phần hoàn thiện các cơ chế chính sách.
Báo Thanh Niên nói riêng và các cơ quan truyền thông đã luôn đồng hành cùng người dân và DN phản ánh, đấu tranh trước những bất công, vướng mắc của xã hội, chính sách. Đồng thời giúp cho nhà nước có được một cái nhìn tổng quan về nền kinh tế.
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đặc biệt là 5 năm tới – mốc thời gian được xác định là năm “quốc gia khởi nghiệp”, tôi mong rằng báo chí tiếp tục phản ánh chân thật những khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh… nhằm tạo nên sự đồng thuận và chia sẻ của xã hội đối với các DN, doanh nhân. Đồng thời tôn vinh, động viên DN, doanh nhân có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hung Thinh Corp
Báo chí và doanh nghiệp đã gắn kết hơn
Thời gian qua, Báo Thanh Niên đã có những phản ánh thời sự, kinh tế kịp thời và dần dần bám sát đời sống, hoạt động kinh doanh của các DN, lấy DN làm trọng tâm, ủng hộ cho sự phát triển của DN.
Điều đó khiến tờ báo và DN gắn kết hơn. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập với công nghệ phát triển nhanh chóng, sự cạnh tranh của báo chí ngày càng gay gắt, một số tờ báo lớn như Báo Thanh Niên đã bắt kịp xu thế này cũng như tăng cường tính tương tác với bạn đọc.
Thế nhưng bản thân báo chí đôi khi chưa dám nói đầy đủ, nói hết sự thật về các câu chuyện thời sự hay cả về nhiều câu chuyện xoay quanh DN. Hy vọng trong thời gian tới điều này sẽ được thay đổi và báo chí sẽ cởi mở hơn, phản ánh đầy đủ hơn các hoạt động thời sự, kinh tế của đất nước. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi để kinh tế VN nói chung và các DN nói riêng phát triển mạnh hơn.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn
Nhờ báo chí giám sát các quy định mà Chính phủ đã công bố
Nhờ báo chí tiếp tục phản ánh và giám sát việc thực hiện các quy định, hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố. Bởi thời gian qua dù có nhiều chính sách nhưng việc thực hiện trong thực tế lại quá chậm trễ, không phát huy được tác dụng.
Riêng đối với ngành dệt may, thời gian qua có nhiều báo hơi tô hồng về thuận lợi về Hiệp định TPP mà quên mất những điều kiện cần phải có đối với VN. Đó là quy tắc xuất xứ, là phải có công nghiệp hỗ trợ thì mới phát huy được cơ hội của TPP. Báo chí phải phân tích những điểm yếu, các thiếu sót cũng như có những cảnh báo cho DN trong nước để các DN nhìn nhận lại thực tiễn và phấn đấu thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thương mại may Sài Gòn
Nhờ báo chí, thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn
Báo Thanh Niên là một trong những tờ báo phản ánh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất tích cực ở cả 2 mặt là phản ánh mặt tiêu cực – thực phẩm bẩn, hoá chất, phụ gia độc hại… ngược lại cũng thường xuyên giới thiệu các mô hình, chuỗi sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tôi mong rằng Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục theo đuổi chủ đề này để góp phần cùng xã hội đẩy lùi thực phẩm bẩn nhằm góp phần bảo vệ sức khoẻ giống nòi.