28/12/2024

London cấm quảng cáo chân dài, dáng chuẩn

Thị trưởng London vừa có quyết định gây nhiều tranh cãi khi cấm những biển hiệu quảng cáo có thể gây ra những vấn đề về sự tự tin đối với cơ thể của người dân bình thường.

 

London cấm quảng cáo chân dài, dáng chuẩn

 

Thị trưởng London vừa có quyết định gây nhiều tranh cãi khi cấm những biển hiệu quảng cáo có thể gây ra những vấn đề về sự tự tin đối với cơ thể của người dân bình thường.

 

 

 

 

London cấm quảng cáo chân dài, dáng chuẩn
Biển quảng cáo gây sốc của thương hiệu Protein World từng bị buộc rút khỏi các phương tiện giao thông công cộng ở Anh – Ảnh chụp lại từ Twitter

“Khi đi lại trên các phương tiện giao thông, không ai lại không thấy bị áp lực từ những hình ảnh phi thực tế liên quan đến thân thể như thế. Tôi muốn gửi đi thông điệp rõ ràng đến các nhà quảng cáo về chuyện này

Thị trưởng London Sadiq Khan

 

 

Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ tháng 7 và áp dụng trên các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện ngầm, xe điện mặt đất, xe lửa…) ở London, Anh. Thị trưởng London Sadiq Khan có quyền ra chỉ thị như trên vì hệ thống giao thông công cộng ở London (TfL) thuộc quyền điều hành của tòa thị chính.

Trong thông cáo phát đi, Văn phòng toà thị chính London nêu rõ: “Từ tháng tới (tháng 7), TfL sẽ không được phép cho dán những biển hiệu quảng cáo có thể gây áp lực, đặc biệt với những công dân trẻ, khiến họ nghĩ phải có được một hình thể phi thực tế hoặc không lành mạnh, hay những biển hiệu có thể gây ra những vấn đề liên quan đến sự tự tin đối với cơ thể mình”.

Vị thị trưởng gốc Hồi giáo của thành phố London giải thích về quyết định của mình: “Là cha của hai cô con gái tuổi thiếu niên, tôi đặc biệt lo ngại với những loại biển hiệu quảng cáo có thể làm hạ phẩm giá con người, đặc biệt là với phụ nữ và làm họ thấy xấu hổ về cơ thể mình. Đã đến lúc phải chấm dứt loại quảng cáo đó”.

Như vậy thị trưởng đã sớm thực thi lời hứa hồi vận động tranh cử chức lãnh đạo thủ đô nước Anh. Về biện pháp, Công ty TfL và các đối tác quảng cáo của mình sẽ thiết lập một nhóm kiểm tra có trách nhiệm rà soát mọi hình ảnh quảng cáo sẽ được đưa lên các phương tiện giao thông công cộng.

Giám đốc thương mại của TfL, ông Graem Craig, nhấn mạnh họ đã ra quyết định cứng rắn như trên vì quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng khác với quảng cáo trên truyền hình hoặc báo chí.

“Khách hàng của chúng tôi không thể tắt tivi hoặc lật sang trang khác nếu thấy quảng cáo làm họ tổn thương hoặc bực dọc. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao cho các biển hiệu quảng cáo phải thích ứng với môi trường quảng cáo trên xe”.

Công ty TfL hiện là một trong những công ty giao thông công cộng đạt doanh thu quảng cáo không hề nhỏ với mức gần 2 tỉ euro trong tám năm tới, theo số liệu của t thị chính London.

Tuy nhiên theo báo Financial Times, toà thị chính London không e ngại mất tiền vì số hình ảnh quảng cáo có liên quan hình ảnh cơ thể hoặc có thể bị cho là “phân biệt giới tính” chỉ chiếm phần nhỏ trong số 12.000 biển hiệu quảng cáo xuất hiện hằng năm ở các phương tiện giao thông công cộng của London.

Hồi tháng 7-2015, Cơ quan Kiểm soát quảng cáo Anh (ASA) từng nhận hơn 400 lời phàn nàn liên quan chiến dịch quảng cáo chế độ làm ốm bằng cách dùng sản phẩm Protein World. Biển hiệu quảng cáo đó dùng hình ảnh người mẫu Úc Renee Somerfield mặc bộ bikini vàng rực với câu hỏi đầy khiêu khích: “Cơ thể bạn đã sẵn sàng cho chuyến đi biển chưa?”.

Sau đó, hơn 70.000 người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư chống lại biển hiệu này vì cho rằng nó mang tính xúc phạm về cơ thể họ và khiến những thiếu niên bị ám ảnh làm ốm thấy đó là tiêu chuẩn cơ thể.

Ban đầu ASA thông báo chương trình quảng cáo trên không vi phạm các quy định về quảng cáo nhưng sau do áp lực của dư luận nên đã buộc phải rút khỏi các phương tiện giao thông công cộng ở Anh.

Ngày càng rắn với quảng cáo

Biện pháp của chính quyền thủ đô London được cho là cũng giống luật về quảng cáo vừa ban hành tại Pháp hồi tháng 12-2015, theo đó có điều luật cấm chỉnh sửa ảnh người mẫu.

Điều luật nói rõ nhà làm quảng cáo không được sử dụng phần mềm để “làm ốm đi hoặc mập lên hình ảnh thực của người mẫu”, và điều này áp dụng với mọi loại hình ảnh quảng cáo chứ không chỉ trên các phương tiện giao thông công cộng.

Trong luật mới về quảng cáo ở Pháp có cả điều luật buộc người mẫu phải có giấy chứng nhận sức khỏe tốt, trong đó có buộc ghi chỉ số cơ thể (BMI) và các yêu cầu khác như số liệu hình thể, nhật ký ẩm thực và chu kỳ kinh nguyệt. Mọi vi phạm đối với các điều khoản này sẽ bị phạt đến 6 tháng tù và đóng phạt 75.000 euro.

N.QUÂN