EU sẽ “nói cứng” nếu quyền lợi bị đe doạ
Động thái của Liên minh châu Âu (EU) và một số thành viên của khối này liên quan đến hồ sơ tranh chấp Biển Đông đang tạo ra nhiều chú ý.
EU sẽ “nói cứng” nếu quyền lợi bị đe doạ
Động thái của Liên minh châu Âu (EU) và một số thành viên của khối này liên quan đến hồ sơ tranh chấp Biển Đông đang tạo ra nhiều chú ý.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila – Ảnh: Reuters |
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 9 của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa kết thúc hôm 13-6 với sự tập trung cho chuyện kinh tế.
Một số ý kiến quan ngại về khả năng Trung Quốc vận động Đức về phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) với đơn kiện của Philippines.
Tuy nhiên bà Merkel, trong một động thái được cho là hiếm hoi, đã bày tỏ mối lo ngại trong một bình luận trực tiếp liên quan vấn đề này: “Phải sử dụng một loạt cơ chế, kể cả đa phương, để tránh những căng thẳng mới ở khu vực”.
Trước đó không lâu, báo giới và giới quan sát bị bất ngờ bởi người Pháp. Tại Diễn đàn Shangri-La thứ 15 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã chính thức gửi đi thông điệp là Pháp sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn liên quan đến Biển Đông.
Trong đó rõ nhất, theo lời ông, là tham dự tuần tra chung, vận động châu Âu cùng tuần tra và tăng cường thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) tại khu vực vùng biển này.
Phát ngôn của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp gây chú ý vì trong thời gian dài, dù lên tiếng theo nhiều cách thức khác nhau về tranh chấp Biển Đông nhưng Pháp nói riêng và EU nói chung vẫn giữ các hoạt động của mình trong một khung hành động nhất định.
Với việc hầu hết hoạt động xuất nhập khẩu của EU với Đông Á đều đi qua Biển Đông, lãnh đạo từ Brussels hay Berlin, Paris nhận định lợi ích của mình ở Biển Đông trên hết liên quan tới tự do hàng hải.
EU không phải là người chơi chính về lĩnh vực chính trị – an ninh ở Đông Nam Á. Trong tương quan ở khu vực thì hầu hết các nước chủ chốt và toàn khối EU đều có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là ưu tiên nội khối qua các cuộc khủng hoảng dồn dập liên tiếp nhau thời gian gần đây: nợ công, Ukraine hay di dân.
Những vấn đề ở nhà chưa giải quyết xong khiến các lãnh đạo của khối không còn tâm trí, thời gian và sức lực để lo các chuyện khác quá xa tầm biên giới.
Tuy vậy, các quan điểm trên có thể được điều chỉnh nếu lợi ích chính của khối này qua việc hưởng lợi từ tự do hàng hải và hàng không trên tuyến đường Biển Đông bị đe doạ.
Viện dẫn cho quan điểm của mình, bộ trưởng quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng nếu UNCLOS không được tôn trọng ở Biển Đông thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các vùng khác như Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương.
Điều này tương đồng với cách định dạng các lợi ích cốt lõi của EU như kết luận trong chiến lược an ninh hàng hải của EU.
Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm tự do hàng hải trên những hải lộ chính của khu vực, cũng như việc giải quyết hoà bình các tranh chấp biển trong khu vực phù hợp với luật quốc tế.
Theo tiến sĩ Felix Heiduk – chuyên gia của Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức, tranh chấp Biển Đông đa dạng về các hình thức mâu thuẫn và có rất nhiều góc nhìn khác nhau trong việc các quốc gia bên ngoài có quyền can dự.
Không phải tự nhiên mà EU có một sức hấp dẫn đặc biệt dẫu cho các giới hạn của khối này về sức mạnh chính trị hay quân sự, đặc biệt trong vai trò của một người hoà giải và bảo vệ “thực thụ” của luật pháp quốc tế.
Với kinh nghiệm và truyền thống “pháp quyền” của mình, EU có thể hỗ trợ trong việc thiết kế các quá trình và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Những vấn đề này – trong các cuộc đối thoại chính trị cao cấp – sẽ cực kỳ hữu dụng với các nước tranh chấp thuộc ASEAN.
Đặc biệt là trong quá trình các nước ở khu vực đang tìm kiếm một phương thức chung giải quyết các vấn đề lãnh thổ một cách hoà bình và dựa trên luật quốc tế.
Đây cũng là những ý chính mà báo cáo mới nhất về Biển Đông do Viện nghiên cứu EU về an ninh có trụ sở chính tại Paris xuất bản trước thời điểm PCA đưa ra quyết định cuối cùng.
Trung Quốc cảnh báo EU Trang EurActiv đưa tin đại sứ Trung Quốc tại EU Yang Yanyi vừa cảnh báo EU không nên can dự vào xung đột lãnh thổ ở Biển Đông, vì “đây là chuyện chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết giữa Trung Quốc và các nước có liên quan”. EurActiv bình luận rằng Bắc Kinh lo sợ các thành viên EU đồng tình đứng về phía Mỹ chống Trung Quốc. Bà đại sứ Yanyi kết tội phía Mỹ: “Chúng tôi quan ngại rằng nguyên do thật sự của những căng thẳng kéo dài ở Biển Đông là do những khiêu khích chính trị và quân sự từ phía Mỹ. Mỹ khẳng định chống lại quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng Washington ngày càng đưa nhiều tàu chiến và máy bay đến gần vùng biển của Trung Quốc. Điều đó tạo ra mối đe doạ trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc và có nguy cơ kích động căng thẳng ở châu Á”. Trung Quốc có lý do để lo lắng bởi những phát ngôn gần đây của các thành viên EU đều hướng đến việc phải có thái độ rõ ràng với những tranh chấp trong khu vực này mà EU cho rằng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, truyền thông quốc tế những ngày qua bình luận chuyện Bắc Kinh công khai cảm ơn những quốc gia đứng về phía mình trong giai đoạn chờ phán quyết của PCA. Điều khôi hài là Trung Quốc lớn tiếng nêu danh sách những 60 quốc gia “bằng hữu” với phần lớn là các quốc gia nhỏ lẫn các quốc gia khối Ả Rập ít liên quan đến tự do hàng hải ở Biển Đông. Báo Mỹ Wall Street Journal sau đó chỉ ra rằng chỉ có 8 quốc gia công khai tuyên bố ủng hộ chuyện Trung Quốc có quyền không tuân thủ phán quyết của PCA và 5 quốc gia (gồm hai thành viên của EU) nói rõ mình không hề có dính líu gì trong bản danh sách “bằng hữu” của Trung Quốc! |