Tổng thống Nga Putin: Mỹ là siêu cường quốc duy nhất
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận Mỹ vẫn là siêu cường quốc duy nhất trên thế giới và sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai đắc cử tổng thống Mỹ nhưng khẳng định không muốn bị người Mỹ bảo ban nên sống thế nào.
Tổng thống Nga Putin: Mỹ là siêu cường quốc duy nhất
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận Mỹ vẫn là siêu cường quốc duy nhất trên thế giới và sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai đắc cử tổng thống Mỹ nhưng khẳng định không muốn bị người Mỹ bảo ban nên sống thế nào.
Tàu khu trục mang theo tên lửa USS Porter của Mỹ trên đường tới Biển Đen tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, ông Putin nêu những quan điểm này tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Peterburg ngày 17-6, trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang ở một trong những giai đoạn nhiều sóng gió nhất sau các bất đồng liên quan tới Ukraine và Syria.
Ông Trump là người khoa trương, chẳng phải vậy sao? |
Tổng thống Nga PUTIN |
Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ
Tổng thống Putin dành những lời tích cực về Mỹ khi nói: “Nước Mỹ là một cường quốc – hiện tại có thể là siêu cường quốc duy nhất. Chúng tôi chấp nhận điều đó. Chúng tôi muốn và sẵn sàng hợp tác với Mỹ”.
Cũng tại Diễn đàn kinh tế quốc tế lần này, lần đầu tiên ông Putin có dịp cải chính công khai về những lời khen tặng trước đó dành cho ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump mà truyền thông thế giới từng đưa tin.
Theo đó, khi được hỏi quan điểm đánh giá về tỉ phú New York, ông Putin cho biết những bình luận của ông về ông Trump đã bị dịch sai.
Trước đó vào tháng 12-2015, truyền thông thế giới nói ông Putin mô tả ông Trump là một người “rất khoa trương”, “rất tài năng” và “một nhà lãnh đạo thực thụ trong cuộc đua giành cương vị tổng thống”.
Tuy nhiên ngày 16-6, ông Putin khẳng định ông chỉ nói ông Trump là một người “rất khoa trương” chứ không nói thêm gì khác.
Hãng Reuters dẫn lại lời ông Putin rằng: “Tôi không đưa ra bất cứ đánh giá nào khác nữa về ông ấy”.
Dù vậy tổng thống Nga tỏ ý hoan nghênh mong muốn của ông Trump trong việc khôi phục quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ. Ông nói: “Chuyện đó thì có gì sai đâu!?”.
Và đúng với phong cách kín kẽ của một chính trị gia khôn ngoan, để tránh việc phải bày tỏ rõ ràng quan điểm ủng hộ ai trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Putin nhắc lại “những quan hệ ấm áp” giữa ông và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, phu quân của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Ông Putin cho biết ông rất cảm kích về sự quan tâm cũng như tôn trọng trong cách hành xử của ông Bill Clinton với nước Nga nói chung và với cá nhân ông Putin nói riêng.
Tuy nhiên ông không nói gì thêm về bà Clinton với lý do là chưa bao giờ làm việc trực tiếp với bà.
Căng thẳng chưa giảm nhiệt
Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi hải quân Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại Biển Đen, bất chấp việc phía Nga lên án gay gắt động thái này và nói điều đó sẽ gây bất ổn an ninh khu vực.
Đầu tháng này, tàu khu trục USS Porter mang theo tên lửa đã đi vào Biển Đen và ngay lập tức Nga lên tiếng phản ứng.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Romania, hai quốc gia thành viên của NATO, thậm chí còn muốn thúc đẩy quy mô lớn hơn nữa việc hiện diện của NATO tại Biển Đen ở cuộc họp thượng đỉnh của liên minh quân sự tại Warsaw (Ba Lan) trong tháng tới.
Bất chấp phản ứng của Nga, ngày 16-6 Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus, đang có mặt trên tàu USS Mason, khẳng định với Reuters họ sẽ không rời Biển Đen, vì nhiệm vụ của hải quân Mỹ là ngăn chặn các hành vi tấn công và đảm bảo tự do hàng hải.
Ông Mabus nói: “Chúng tôi sẽ ở đó. Chúng tôi sẽ ngăn chặn. Đó là lý do chính để chúng tôi có mặt ở đó, ngăn chặn những hành vi tấn công có thể xảy ra”.
Ông Mabus nêu ra quan điểm này chỉ vài ngày sau khi Nga chỉ trích NATO về các cuộc bàn bạc liên quan tới việc thành lập một lực lượng quân sự thường trực đóng tại Biển Đen.
Các hãng thông tấn của Nga dẫn lời quan chức Andrei Kelin thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Nếu họ quyết định thành lập một lực lượng thường trực, điều này sẽ gây bất ổn an ninh vì đây không phải là khu vực của NATO”.
Tuy nhiên, ông Mabus cho rằng nước Mỹ đã tuân thủ những nguyên tắc của Công ước Montreux. Theo đó, những nước không có đường bờ biển thuộc Biển Đen sẽ không được phép duy trì hoạt động của tàu chiến nước đó tại Biển Đen nhiều hơn 21 ngày.
Tuy nhiên, các thành viên thuộc NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria đều là những nước có bờ biển ở Biển Đen.
Dù vậy thì ngày 16-6, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov cho biết nước ông sẽ không tham gia hạm đội thường trực theo đề xuất của NATO tại Biển Đen vì theo chính quyền Bulgaria, Biển Đen nên là nơi dành cho nghỉ dưỡng, du lịch hơn là cho chiến tranh.
Cân bằng lực lượng Quan hệ giữa Mỹ và Nga tiếp tục căng thẳng hơn, khi hải quân Mỹ điều hai tàu sân bay tới Địa Trung Hải ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO. Một động thái mà giới quan sát cho rằng Washington muốn cân bằng lực lượng trước các hoạt động quân sự tăng cường của Nga ở vùng biển này. |