12/01/2025

Khi cuộc chiến đã qua, tha thứ để giải thoát quá khứ

The Railway man và Unbroken là hai bộ phim dựa theo hai cuốn hồi ký truyền cảm hứng của hai nhân vật nổi tiếng từng là nạn nhân trong các trại tù của Nhật vào những năm cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Khi cuộc chiến đã qua, tha thứ để giải thoát quá khứ

 

The Railway man  Unbroken là hai bộ phim dựa theo hai cuốn hồi ký truyền cảm hứng của hai nhân vật nổi tiếng từng là nạn nhân trong các trại tù của Nhật vào những năm cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

 

 

 

Khi cuộc chiến đã qua, tha thứ để giải thoát quá khứ
Đạo diễn Angelina Jolie và Louis Zamperini ngoài đời. Ông qua đời trước khi bộ phim hoàn thành và không kịp xem nó – Ảnh: Universal Pictures

Cùng chủ đề về tội ác chiến tranh, sự ám ảnh, hội chứng chấn thương hậu chiến,Unbroken và The Railway man, dù khác nhau về cách thể hiện nhưng lại giống nhau đến kỳ lạ về cách mà hai nhân vật, hai tù nhân, nạn nhân chiến tranh này đối mặt với quá khứ và vượt qua.

Ý chí sinh tồn không thể bẻ gãy

Unbroken (Không thể bẻ gãy, 2014) của nữ đạo diễn Angelina Jolie do hai anh em biên kịch nổi tiếng Coen viết dựa theo cuốn hồi ký Unbroken: A world war II story of survival, Resilience, and redemption của nhà văn Laura Hillenbrand.

Dựa theo câu chuyện đầy xúc cảm của một nhân vật huyền thoại – vận động viên điền kinh Olympic Louis “Louise” Zamperini, bộ phim của Angelina Jolie, dù không hẳn là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, vẫn là một bộ phim đem lại cho người xem những thông điệp mạnh mẽ về ý chí sinh tồn, sức mạnh tinh thần, đức tin và cuối cùng là lòng khoan dung của một trong những “tù nhân chiến tranh” nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Unbroken gần như chuyển tải hết cuộc đời nhiều biến động và đôi lúc không thể tin nổi của Louis Zamperini (do diễn viên trẻ người Anh Jack O’Connell đóng). Louis từng đứng thứ tám thế giới trong cuộc thi Olympic mùa hè năm 1936 tại Berlin và phá kỷ lục cuộc thi chạy 5.000m, nhưng sự nghiệp điền kinh của Louis dang dở khi phải gia nhập quân đội.

Sau một vụ tai nạn máy bay, Louis và hai đồng đội của mình phải sống lênh đênh trên một tấm bè giữa đại dương bao la trong suốt 47 ngày. Đói, khát và kiệt sức, một trong số họ đã chết, riêng Louis và một đồng đội của anh được lực lượng hải quân Nhật Bản cứu sống. Nhưng cuộc sống hai năm sau đó của họ ở trại tù binh Nhật còn tồi tệ hơn địa ngục trần gian.

Đặc biệt là Louis, với lý lịch một vận động viên điền kinh thế giới, anh trở thành cái gai trong mắt tên quản giáo tàn ác Watanabe (do ca sĩ nhạc rock người Nhật Miyavi đóng), một kẻ có những ẩn ức khó lý giải nổi khi luôn hành hạ tàn bạo cả thể chất lẫn tinh thần của Louis.

Nhưng ý chí của Louis không thể bẻ gãy, anh luôn vượt qua những ngón đòn càng lúc càng tàn độc của tên quản giáo cho đến khi được quân đội Mỹ giải cứu.

The Railway man, bộ phim phát hành trước đó một năm do điện ảnh Anh và Úc hợp tác, của đạo diễn Jonathan Teplitzky, được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên best-seller của Eric Lomax, nhân vật chính cũng là một tù nhân chiến tranh của phát xít Nhật.

Bộ phim độc lập này mang hơi hướng riêng tư hơn là bộ phim đề cao tính biểu tượng của Angelina Jolie, và nhấn mạnh hơn đến chủ đề tình yêu và sự cứu rỗi với diễn xuất đầy tinh tế của hai ngôi sao lớn: Colin Firth (vai Eric Lomax về già) và Nicole Kidman (vai Patti, vợ của ông).

Eric Lomax là một trong hàng ngàn tù nhân của quân Đồng minh bị phát xít Nhật bắt và đối xử tồi tệ trong những năm cuối của cuộc chiến. Họ bị bắt làm công nhân xây dựng đường sắt nối giữa Thái Lan và Myanmar.

Nghi ngờ Eric là gián điệp và là kẻ kích động tù binh, những tên quản giáo, trong đó nổi bật là Nagase, đã tra tấn anh rất tàn bạo, thậm chí còn hãm hiếp và đối xử với Eric như một con vật.

Đó là lý do dù được giải cứu cuối cuộc chiến và trở về nhà sống một cuộc sống bình thường, có một tình yêu và cuộc hôn nhân hạnh phúc với một người phụ nữ xinh đẹp, Eric không ngừng bị những năm tháng chiến tranh ám ảnh, và rơi vào hội chứng chấn thương tâm lý hậu chiến nặng nề cho đến khi anh được người vợ thuyết phục quay lại vùng đất năm xưa để đối mặt và vượt qua nó.

Trở lại, để tha thứ…

Louis Zamperini sau nhiều năm chịu đựng hội chứng chấn thương chiến tranh, đã quyết định vượt qua bằng cách trở thành một nhà diễn thuyết đầy cảm hứng cho các thế hệ trẻ.

Louis coi hành trình sống sót của mình trong 47 ngày lênh đênh trên đại dương, trong những năm chiến tranh bị đối xử tàn bạo là một thử thách của Chúa và ông dành cả cuộc đời còn lại để phụng sự Chúa.

Từ đức tin lớn đó, ông đã thuyết phục những đồng đội của mình cùng hướng tới tương lai bằng sự tha thứ chứ không phải trả thù.

Nhiều năm sau cuộc chiến, ông quay lại nước Nhật, tìm gặp lại các cai ngục năm xưa từng tra tấn ông và tha thứ cho họ (riêng Watanabe, tên quản giáo đối xử với ông tàn ác nhất, lẩn trốn trong nhiều năm như một tên tội phạm chiến tranh và sau đó dù được nước Mỹ ân xá trong nỗ lực hoà giải với Nhật Bản, vẫn từ chối gặp Louis Zamperini, có lẽ từ những ẩn ức không lý giải được năm xưa).

Với giấc mơ điền kinh, Louis còn nâng nó lên thành một biểu tượng của sự hòa giải khi ở tuổi 81, ông vẫn đến Nhật Bản để tham dự cuộc thi Olympic.

Chủ đề hội chứng chấn thương tâm lý hậu chiến (post-traumatic) được thể hiện sâu sắc hơn trong The Railway man và có lẽ vì thế mà đoạn kết về sự tha thứ để giải thoát quá khứ trong bộ phim này gây xúc động và ý nghĩa hơn.

Trong lần cùng vợ quay lại chốn địa ngục trần gian trong những năm chiến tranh, Eric đã tìm gặp lại Takashi Nagase – kẻ đã tra tấn và hành hạ mình dã man nhất.

Trong lá thư trao tận tay cho anh ta, Eric viết rằng: “Chiến tranh đã kết thúc nhiều năm. Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều. Nhưng tôi biết anh cũng đã phải chịu đựng như thế. Tôi không thể quên những gì đã xảy ra ở Kanchanaburi, nhưng tôi chắc chắn rằng mình đã hoàn toàn tha thứ cho anh”.

Hình ảnh xúc động và đáng giá nhất của bộ phim là khi Takashi Nagase – tên quản giáo – gục đầu lên vai của Eric Lomax khóc nức nở trong vòng tay bao dung của ông, ngay trên con đường sắt năm xưa như một nhân chứng câm lặng và không thể gột rửa của lịch sử…

Khi cuộc chiến đã qua, tha thứ để giải thoát quá khứ
Colin Firth (vai Eric Lomax về già) và Nicole Kidman (vai Patti, vợ của ông)

Hai cuộc đời lớn

Louis Zamperini và Eric Lomax đều truyền được cảm hứng lớn cho giới trẻ qua hai cuốn hồi ký về ý chí sinh tồn và sức mạnh tinh thần đáng kinh ngạc của họ trong chiến tranh. Nhưng đáng ngưỡng mộ hơn là cách họ hòa giải với quá khứ bằng sự tha thứ cho những kẻ thù tra tấn và đối xử tàn tệ với họ. Và có lẽ vì thế mà họ sống rất thanh thản ở cuối đời. Louis mới qua đời vào năm 2014, thọ đến 97 tuổi.

Còn Eric Lomax và Takashi Nagase trở thành những người bạn của nhau sau khi Eric tha thứ cho Nagase, và tình bạn của họ kéo dài cho đến khi Nagase mất vào năm 2011, Eric mất vào năm 2012, thọ 93 tuổi, với người vợ Patti luôn ở bên cạnh.

LÂM LÊ