26/12/2024

Cuộc khủng hoảng mang tên Brexit

Các chiến dịch vận động trưng cầu dân ý cho việc Anh rời hay ở lại EU đã bị đình chỉ sau khi một nghị sĩ nước này bị sát hại.

 

Cuộc khủng hoảng mang tên Brexit

Các chiến dịch vận động trưng cầu dân ý cho việc Anh rời hay ở lại EU đã bị đình chỉ sau khi một nghị sĩ nước này bị sát hại.




Thủ tướng Anh David Cameron đặt hoa tưởng niệm nghị sĩ Jo Cox /// Reuters

 

Thủ tướng Anh David Cameron đặt hoa tưởng niệm nghị sĩ Jo CoxREUTERS


Ngày 17.6, cả nước Anh chìm trong không khí bàng hoàng sau cái chết của nữ nghị sĩ Jo Cox thuộc Công đảng. Bà bị một người đàn ông bắn và đâm chết tại làng Birstall ở hạt Yorkshire. Vụ việc xảy ra trong lúc bà Cox đang vận động cử tri chọn việc Anh tiếp tục là thành viên EU.
Thủ phạm được xác định là Tommy Mair, người đã liên tục hô to “Đặt nước Anh lên trước” trong lúc đâm nữ nghị sĩ 41 tuổi, theo BBC. Mair, 52 tuổi, nhanh chóng bị bắt giữ. Bà Cox vừa được bầu vào quốc hội Anh hồi năm ngoái và là người vận động không mệt mỏi cho chiến dịch giữ Anh ở lại EU. Nhà chức trách vẫn đang điều tra về động cơ của Mair nhưng diễn biến vụ án cho thấy có thể ông ta là một phần tử cực đoan ủng hộ Brexit, thuật ngữ chỉ việc Anh rời EU.
Ngay sau vụ việc, các phe ủng hộ cũng như phản đối Brexit đã phải đình chỉ chiến dịch vận động trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là diễn ra trưng cầu dân ý (ngày 23.6). Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ kết quả sẽ rất khó đoán khi sự ủng hộ dành cho 2 phe đang rất sít sao với phía theo Brexit nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, thảm kịch của nghị sĩ Cox có thể thay đổi tình hình. “Sự kiện bi thảm này có thể thay đổi tâm lý cử tri và tăng cơ hội để Anh tiếp tục là thành viên EU”, Đài CNBC dẫn lời chuyên gia Fariborz Moshirian thuộc Đại học New South Wales (Úc) nhận định.
Trong khi đó, giới quan sát cảnh báo dù kết quả thế nào thì chính trường và xã hội Anh vẫn sẽ bị chia rẽ sâu sắc với sự nổi lên hơn nữa của các lực lượng cực đoan. Thậm chí bên cạnh khủng bố thì Anh có thể sẽ phải đối diện các nguy cơ bất ổn an ninh mới, mà vụ nghị sĩ Cox là minh chứng nhãn tiền.
Về phần EU, nếu Anh thật sự dứt khoát chia tay thì đây sẽ là thảm hoạ cho khối này về thể diện và ảnh hưởng. “Các nước lớn sẽ cảm thấy EU suy yếu về địa chính trị nếu xảy ra Brexit”, AFP dẫn lời chuyên gia phân tích Vivien Pertusot thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cảnh báo. Điều này cũng dễ hiểu vì Anh là ủy viên thường trực của HĐBA LHQ và là thành viên của nhóm G7 nên có tiếng nói quan trọng trên chính trường quốc tế.
“Đây sẽ là tin xấu khi xét về vai trò của EU. Khối này sẽ mất mặt nếu lần đầu tiên trong lịch sử bị thu hẹp lại. Lợi dụng điều này, người Nga và Trung Quốc có thể gây áp lực và gây chia rẽ sâu hơn trong nội bộ EU”, Giám đốc Janis Emmanouilidis thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu có trụ sở tại Bỉ nói với AFP.

 

Danh Toại