24/12/2024

Bóng hình Trung Quốc tại Pakistan

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích về ý đồ chiến lược của Trung Quốc khi tăng cường hiện diện tại Pakistan.

Bóng hình Trung Quốc tại Pakistan

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích về ý đồ chiến lược của Trung Quốc khi tăng cường hiện diện tại Pakistan.




Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Islamabad năm 2015  /// Merinews

 

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Islamabad năm 2015MERINEWS


Giống như những “đại ca” trường học điển hình, Trung Quốc to khỏe nhưng không có nhiều bạn. Thực tế là sau khi tuyên bố mở rộng phạm vi áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên thì nước này chỉ còn lại một đồng minh thật sự: Pakistan. Tuy nhiên, Bắc Kinh không tỏ vẻ gì phiền lòng khi họ có thể thoải mái áp đặt sự hiện diện lên nước láng giềng bé nhỏ hơn, kết hợp với “bòn rút” từ những đối tác khác trong khu vực lân cận.
“Môi với răng”
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa tuyên bố Trung Quốc và Pakistan “gần gũi như môi và răng” nhờ sự gần gũi về địa lý. Bắc Kinh cũng ví Islamabad là “người bạn không thể thay thế luôn sát cánh trong mọi hoàn cảnh”. Năm 2010, Thủ tướng Pakistan khi đó Yousuf Raza Gilani thậm chí còn ứng khẩu ngâm thơ ca ngợi quan hệ hai nước là “cao hơn núi, sâu hơn biển, cứng hơn thép và ngọt ngào hơn mật ong”.
Trên thực tế, một Trung Quốc giàu mạnh không có mấy điểm chung với “người anh em” còn đang phải phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, cả hai đều có chung đối thủ chiến lược là Ấn Độ. Viễn cảnh có thể ép Ấn Độ vào một cuộc chiến 2 mặt trận chắc chắn sẽ thúc đẩy lợi ích chung giữa Trung Quốc và Pakistan.
Chuyến thăm Pakistan hồi năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang lại kết quả là thỏa thuận phát triển một “hành lang kinh tế” trị giá 46 tỉ USD, trải dài từ Khu tự trị Tân Cương đến cảng Gwadar, tây nam Pakistan, vốn cũng do Bắc Kinh đầu tư xây dựng và vận hành. Đi kèm là hàng loạt những dự án cơ sở hạ tầng khác và tất cả tạo thành một mạng lưới “con đường tơ lụa mới” để rút ngắn tới 12.000 km trên tuyến đường từ Trung Quốc đến Trung Đông, đồng thời cho phép Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, nơi nước này có thể thách thức Ấn Độ ngay từ chính sân sau trên biển của New Delhi.
Bên cạnh đó, hai bên cũng ký nhiều dự án hợp tác về năng lượng, bao gồm xây dựng đập Karot trị giá 1,4 tỉ USD, dự án đầu tiên được tài trợ bởi Quỹ Con đường tơ lụa 40 tỉ USD của Trung Quốc. Tất cả các dự án này thuộc quyền sở hữu của Bắc Kinh, còn Islamabad cam kết mua điện với giá được ấn định trước.
học giả Brahma Chellaney

Học giả Brahma Chellaney

Về phía Pakistan, nước này cũng hưởng nhiều lợi ích lớn từ quan hệ thân hữu với Trung Quốc. Bắc Kinh đã hỗ trợ Islamabad xây dựng kho vũ khí hạt nhân, cản trở mọi ý định trừng phạt từ Mỹ hoặc trả đũa từ Ấn Độ. Mới đây nhất, Bắc Kinh đã chuyển giao cho đồng minh hệ thống bệ phóng để nâng cấp tên lửa đạn đạo Shaheen-3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 2.750 km.

Chưa hết, Trung Quốc công khai hỗ trợ an ninh và bảo vệ chính trị cho Pakistan, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn, Bắc Kinh vừa phủ quyết việc Liên Hiệp Quốc có hành động trừng phạt Masood Azhar, thủ lĩnh nhóm cực đoan Jaish-e-Mohammed đóng ở Pakistan. Lâu nay, nhóm này được cho là nằm dưới sự hậu thuẫn của tình báo Pakistan và đã tiến hành nhiều vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Ấn Độ, trong đó có vụ tại căn cứ không quân Pathankot hồi tháng 1.2016.
Đến tháng 4 vừa qua, ông Sartaj Aziz, Cố vấn về chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nawaz Sharif, cho biết Trung Quốc đã hỗ trợ Pakistan ngăn chặn nỗ lực của Ấn Độ gia nhập Nhóm những nhà cung cấp hạt nhân (NSG).
Tiền đồn quân sự
Tuy nhiên, theo tôi, có thể nhận thấy là Pakistan không có vị thế đồng minh bình đẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Thực tế, Bắc Kinh xem “người bạn không thể thay thế” của mình như một bãi thử. Họ bán cho Islamabad những hệ thống vũ khí không được quân đội Trung Quốc triển khai và những lò phản ứng hạt nhân chưa qua thử nghiệm hoặc lỗi thời. Pakistan đang xây 2 lò phản ứng AC-100 gần thành phố cảng Karachi. Điều đáng nói là AC-100 dựa trên công nghệ do Trung Quốc áp dụng từ thiết kế của Pháp nhưng chưa bao giờ xây dựng và sử dụng trong nước.
Trung Quốc thậm chí không giúp đỡ Pakistan trở nên vững mạnh và ổn định hơn. Trái lại, tình trạng bất ổn an ninh vì chủ nghĩa cực đoan càng có lợi cho Trung Quốc vì mang lại cái cớ lý tưởng để thúc đẩy những bước đi chiến lược tại khu vực biên giới. Bắc Kinh đã triển khai hàng ngàn binh sĩ ở vùng Kashmir do Islamabad kiểm soát, với mục tiêu rõ ràng là biến Pakistan thành một tiền đồn trên hành lang nối ra biển Ả Rập và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, báo cáo mới do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho thấy Pakistan là “khách hàng hàng đầu của Trung Quốc về vũ khí quy ước” và có thể sẽ trở thành nơi đặt một căn cứ hải quân Trung Quốc.
Pakistan đã cho Trung Quốc độc quyền vận hành cảng Gwadar trong 40 năm tới, đồng thời thiết lập một sư đoàn bộ binh 13.000 người để bảo vệ hành lang kinh tế nói trên. Nước này còn đã triển khai cảnh sát bảo vệ cho công dân Trung Quốc và các dự án hợp tác khỏi những tay súng Hồi giáo cực đoan và lực lượng phản đối ở địa phương.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không tin tưởng hoàn toàn vào nước chủ nhà. Việc Bắc Kinh cho binh sĩ đóng trú tại khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát để bảo vệ các lợi ích chiến lược đã bộc lộ tình trạng thiếu niềm tin này. Đó cũng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự ở Pakistan.
Như vậy, Pakistan đang ngày càng bị ràng buộc về nhiều mặt với Trung Quốc và họ rất khó có cơ hội tiến hành những thay đổi theo hướng “thoát Trung” như Myanmar hay Sri Lanka. Vừa có “người anh em” sát cánh kế bên vừa nhận hàng tỉ USD viện trợ mỗi năm từ Mỹ, nên Pakistan cũng tỏ ra hài lòng với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào chính trị và kinh tế Pakistan, ngày càng biến nước này thành một dạng tiền đồn thì cảm giác thoả mãn nói trên có thể sẽ biến thành bất mãn. Nhưng tới lúc đó thì đã quá trễ để thay đổi.
(Văn Khoa chuyển ngữ)
© Project Syndicate
Trung Quốc “dẫn đầu nhóm phản đối” Ấn Độ
Dù đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ nhưng con đường gia nhập NSG của Ấn Độ vẫn còn rất gập ghềnh. Đây là tổ chức được thành lập để kiểm soát việc buôn bán, cung ứng chất liệu phóng xạ cũng như chuyển giao công nghệ hạt nhân. Tham gia nhóm này, Ấn Độ không chỉ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển chương trình hạt nhân mà còn gia tăng đáng kể vị thế quốc tế, kéo theo vai trò và ảnh hưởng chính trị.
Tuy nhiên, lực cản lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ Bắc Kinh “dẫn đầu nhóm phản đối” New Delhi trở thành thành viên NSG. Lý do chính thức là Ấn Độ chưa ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Thực chất, theo giới quan sát, Trung Quốc không muốn Ấn Độ trở thành đối thủ ngang bằng về hạt nhân, có điều kiện thúc đẩy hợp tác hạt nhân song phương hơn nữa với Mỹ cũng như vượt trội Pakistan.
Mặt khác, dường như để ứng phó các bước đi của Trung Quốc ở Pakistan, Ấn Độ hồi tháng 5 đã đạt thoả thuận đầu tư 500 triệu USD xây dựng cảng Chabahar ở Iran, cách không xa cảng Gwadar. Cơ sở này được cho là sẽ giúp Ấn Độ thông qua Iran để thâm nhập Trung Á và mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới sát Trung Quốc.
Minh Trung

 

 

Brahma Chellaney 
(Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ)