24/01/2025

Rau hữu cơ hút hàng

Thay vì gắn bó với các loại cây trồng như khoai, bắp hay đậu như trước, nhiều người dân tại TP Hội An (Quảng Nam) đã chuyển hẳn sang trồng rau củ hữu cơ với thu nhập cao và ổn định hơn.

 

Rau hữu cơ hút hàng

Thay vì gắn bó với các loại cây trồng như khoai, bắp hay đậu như trước, nhiều người dân tại TP Hội An (Quảng Nam) đã chuyển hẳn sang trồng rau củ hữu cơ với thu nhập cao và ổn định hơn.

Rau hữu cơ hút hàng

Ông Phạm Mẹo chăm sóc vườn rau hữu cơ – Ảnh: V.Hùng

 

Đang chăm sóc ruộng cải tại cánh đồng rau hữu cơ thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP Hội An), ông Phạm Mẹo (63 tuổi) cho biết với 600m2, trước đây gia đình ông chỉ trồng khoai, bắp, đậu được sáu tháng trong năm, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, từ khi tham gia chương trình trồng rau hữu cơ, với 25-30 loại rau củ được luân phiên trồng, gia đình ông thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. “Trồng rau hữu cơ sử dụng đất quanh năm, không lo bạc đất, lại đảm bảo môi trường lẫn sức khoẻ của mình, làm thì nhẹ nhàng” – ông Mẹo cho biết.

Đặt sẵn một tủ gỗ đựng các chế phẩm sinh học ngay ruộng rau rộng 500m2, bà Phạm Thị Sâm cho biết gần 40 năm gắn với đồng ruộng, đây là lần đầu bà được học trồng rau hữu cơ với phương pháp hoàn toàn mới mẻ.

“Khi còn trồng lúa, sau mỗi kỳ phun thuốc trừ sâu, về là người mệt mỏi. Giờ thì khác, tôi dùng rượu ngâm với tỏi, ớt bỏ trong tủ, khi cần là lấy ra phun cho rau” – bà Sâm chia sẻ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên bởi ở mỗi thửa rau đều có trồng hoa cúc rất đẹp mắt, bà Sâm “tiết lộ” đó cũng là một cách để xua đuổi một số loài sâu bệnh có hại cho rau.

Bà Trần Huỳnh Hải Yến, cán bộ Phòng kinh tế TP Hội An, cho biết rau hữu cơ bán ra thị trường đều được Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (PGS, tổ chức phi lợi nhuận) kiểm tra và dán nhãn chứng nhận.

Ngoài sự giám sát của PGS, các hộ nông dân cũng tham gia kiểm tra, giám sát việc trồng rau hữu cơ, đảm bảo rau sản xuất phải đáp ứng bốn tiêu chí: không dùng phân hoá học, không dùng thuốc hoá học, không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và không biến đổi gen.

“Các hộ dân trồng rau được chia làm nhiều nhóm, nếu PGS phát hiện một hộ không tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng rau hữu cơ, cả nhóm sẽ bị phạt, thậm chí thu hồi chứng nhận nên các hộ dân tuân thủ rất nghiêm, rau đảm bảo an toàn” – bà Yến khẳng định.

Theo bà Yến, giá rau hữu cơ đắt hơn rau bình thường khoảng 20%, nhưng do sản lượng còn ít nên tiêu thụ rất tốt, cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Thậm chí hiện có 300 địa chỉ trong và ngoài TP Hội An đăng ký mua rau cũng chưa được cung cấp.

Nhiều người dân cho biết không chỉ các hộ gia đình, đầu mối kinh doanh mà cả khách sạn cũng tìm đến nhà vườn để mua rau, làm đến đâu tiêu thụ đến đó.

“Giá rau hữu cơ được hiệp thương giữa các bên, đảm bảo đến tay người dùng cùng mức giá, nếu thay đổi giá phải hiệp thương lại. Do đó không có chuyện hét giá hay nâng giá khi khan hiếm sản phẩm” – một nông dân tại đây khẳng định.

Theo báo cáo của Phòng kinh tế TP Hội An, dự án trồng rau củ hữu cơ triển khai giữa năm 2014 với chỉ hơn 1.200m2 của 8 hộ gia đình. Được Nhà nước hỗ trợ ban đầu, lại bán được nên năm 2015 vùng trồng rau hữu cơ này tăng thêm 6.000m2, thêm hai hộ tham gia. Ngay cả vùng trồng rau nổi tiếng Trà Quế cũng có năm hộ tham gia trồng rau hữu cơ với 2.300m2. Đến nay, diện tích trồng rau hữu cơ tại Hội An trên 17.000m2 với gần 40 loại rau củ.