09/01/2025

Người Nam hỗ trợ vải Bắc

Sản lượng giảm, tiêu thụ nội địa tăng là những yếu tố giúp giá bán vải thiều của nông dân các tỉnh phía Bắc cao hơn nhiều so với năm trước.

 

Người Nam hỗ trợ vải Bắc

 

Sản lượng giảm, tiêu thụ nội địa tăng là những yếu tố giúp giá bán vải thiều của nông dân các tỉnh phía Bắc cao hơn nhiều so với năm trước.

 

 

 

 

Người Nam hỗ trợ vải Bắc
Người dân chọn mua trái vải tại siêu thị Co.op Mart trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM tối 16-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vải sang các thị trường khó tính là Mỹ và Úc không nhộn nhịp như năm ngoái.

Xuất khẩu lấy tiếng

Đến thời điểm hiện tại, dù đã bước vào kỳ thu hoạch rộ trái vải ở miền Bắc nhưng cũng chỉ có một lô hàng gần 1 tấn vải của VN được xuất khẩu đi Mỹ. Các đơn vị xuất khẩu còn lại vẫn đang trong quá trình chuẩn bị hoặc chờ đợi đơn hàng từ đối tác. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết năm ngoái nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu trái vải đi Mỹ, Úc nhưng hiệu quả kinh tế không cao, chỉ xuất khẩu để lấy tiếng.

Năm nay, các công ty đã đánh giá lại hiệu quả nên có đơn vị tiếp tục xuất khẩu, có đơn vị ngưng. “Trái vải chỉ mang tính mùa vụ ngắn hạn nên các công ty vẫn phải tập trung cho các loại trái cây dài ngày như thanh long, chôm chôm, nhãn…” – vị giám đốc này cho biết. Một nguyên nhân chính làm các công ty xuất khẩu e ngại xuất khẩu trái vải là chi phí vận chuyển quá cao.

Dù Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ sớm mở cơ sở chiếu xạ ở Hà Nội để các doanh nghiệp có thể đưa vải trực tiếp từ phía Bắc đi các thị trường như Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, cơ sở chiếu xạ này mới hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu sang thị trường Úc.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu, phía Mỹ chưa cử chuyên gia kiểm dịch thực vật đến kiểm tra vùng trồng vải nên doanh nghiệp vẫn phải đưa vải vào phía Nam chiếu xạ theo đúng quy trình. Như vậy, khoản phí vận chuyển tiết kiệm lên đến 15 triệu đồng/tấn vải tươi mà ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nói với các doanh nghiệp hồi đầu tháng 6 đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Thêm một điểm bất lợi nữa cho trái vải của VN khi xuất khẩu vào thị trường khó tính là mùa thu hoạch vải năm nay muộn hơn mọi năm, đến giữa tháng 6-2016 mới thu hoạch rộ, trùng với thời điểm thu hoạch vải của nhiều quốc gia khác nên trái vải của VN rất khó cạnh tranh. “Vải VN chất lượng thơm ngon hơn nhưng chi phí vận chuyển quá cao, nên không thể cạnh tranh được với vải của Florida (Mỹ) và Mexico khi xuất khẩu sang Mỹ” – ông Nguyễn Xuân Nhi, giám đốc xuất khẩu của Công ty Trái cây nhiệt đới (Bến Tre), cho biết.

Nội địa hút hàng

Trong khi đó ngay từ đầu tháng 6, vải miền Bắc đã xuất hiện ở các kênh bán lẻ tại TP.HCM từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm đến các xe trái cây dọc những đường phố chính với giá dao động 40.000 – 80.000 đồng/kg. Các đơn vị tiêu thụ và trung tâm phân phối tại TP.HCM cho hay đã có sự chuẩn bị từ cách đây cả tháng nhằm tạo điều kiện tối đa cho tiêu thụ vải từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào Nam.

Ông Lê Hoàng Phong, phụ trách kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết đơn vị này đã lên kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ vải thiều miền Bắc như mở rộng diện tích tập kết hàng và bán vải thiều, nâng thời gian bán trong ngày nếu thấy cần thiết (hiện chợ mở cửa từ 8g tối hôm trước đến 8g sáng hôm sau), có nhân viên hỗ trợ sắp xếp các xe chở vải để dễ dàng đưa hàng hoá vào lưu thông, có thể bán thẳng trên container chứ không nhất thiết phải đưa hàng xuống…

“Vải phía Bắc đã về đến chợ Hóc Môn từ ngày 3-6 nhưng vẫn chưa phải là cao điểm. Hiện 90 sạp trái cây trong chợ và 8 hộ kinh doanh bên ngoài đều sẵn sàng để bán khi vải về nhiều hơn. Dự kiến năm nay chợ Hóc Môn sẽ tiêu thụ trên 5.000 tấn vải, xấp xỉ cùng kỳ năm trước” – ông Phong nói. Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cũng cho biết họ đã lên kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ vải trong thời gian cao điểm lên đến hàng ngàn tấn mỗi đêm.

Đại diện Co.op Mart cho biết để sẵn sàng hỗ trợ nông dân trồng vải thiều, từ nhiều tháng nay Saigon Co.op đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để có thể linh hoạt hơn trong kế hoạch phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải. Kế hoạch năm nay Saigon Co.op vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhà vườn phía Bắc tiêu thụ trái vải tươi, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn hệ thống sẽ dao động từ 350 tấn và có khả năng lên đến 500 tấn từ vải đầu mùa đến cuối vụ.

Giá mua tại vườn năm nay cao hơn năm trước bởi theo đánh giá chung, chất lượng trái vải tươi năm nay khá tốt và đồng đều dù sản lượng chưa đạt như mong muốn do yếu tố thời tiết. Để đẩy mạnh tiêu thụ trái vải, hệ thống siêu thị Co.op Mart và Co.op Xtra sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, thu mua và vận chuyển, phân phối hết sức khoa học nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng và giá trái vải.

Các hệ thống siêu thị đều cho biết sẽ tổ chức trưng bày tại những vị trí ưu tiên trong siêu thị, cũng như tổ chức khuyến mãi giảm giá mạnh mặt hàng trái cây đặc biệt này từ nay đến cao điểm chính vụ.

Dự kiến số lượng vải tiêu thụ năm nay tại hệ thống siêu thị Big C sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, đạt hơn 200 tấn trên toàn hệ thống. Ngoài ra, theo ông Hồ Quốc Nguyên – giám đốc truyền thông hệ thống Big C, hệ thống siêu thị này cũng lên kế hoạch giảm giá bán sản phẩm cũng như thực hiện các chương trình bán hàng không lãi nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ, hỗ trợ nông dân trồng vải, nhất là khi mùa vào chính vụ.

Giá bán hiện nay tại một số hệ thống siêu thị dao động 27.900 – 36.900 đồng/kg, một số siêu thị tại TP. HCM bán với giá khoảng 38.900 đồng/kg tùy loại.

Sản lượng giảm, giá tăng

Anh Nguyễn Văn An (Thanh Hà, Hải Dương) cho biết gia đình anh hiện xuất cho các thương lái và siêu thị 3-5 tấn/ngày do sản lượng trái vải năm nay giảm mạnh so với năm trước. Theo ông Trần Quang Tấn – giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, diện tích trồng vải và sản lượng vải trên địa bàn cũng giảm mạnh nhưng lại trúng giá, vải thu hoạch sớm bán được 28.000 – 45.000 đồng/kg.

Nhiều thương lái tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết do lượng ít và chất lượng cao hơn năm trước nên giá trái vải đã bị đẩy lên khá cao. Hiện giá loại vải thường là 15.000 – 16.000 đồng/kg lấy tại vườn với số lượng lớn. Loại đẹp nhất có giá 20.000 – 22.000 đồng/kg, loại xấu và quả nhỏ có giá dao động 12.000 – 13.000 đồng/kg. So với năm trước, giá vải năm nay cao hơn từ 7.000 – 8.000 đồng/kg tùy loại.

TRẦN MẠNH – DŨNG TUẤN