02/11/2024

Doanh nghiệp nhựa Việt loay hoay trong ASEAN

Ngành công nghiệp nhựa VN gặp thách thức lớn, khi chỉ có chưa đến 2% số lượng doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kỹ thuật cao.

 

Doanh nghiệp nhựa Việt loay hoay trong ASEAN

Ngành công nghiệp nhựa VN gặp thách thức lớn, khi chỉ có chưa đến 2% số lượng doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kỹ thuật cao.




Các sản phẩm đồ nhựa tại một cửa hàng ở VN /// Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Các sản phẩm đồ nhựa tại một cửa hàng ở VNẢNH: DIỆP ĐỨC MINH


“Cày sâu cuốc bẫm” với phân khúc thấp
Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Nhựa Chợ Lớn, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm đồ chơi trẻ em và nhựa gia dụng, kể chuyện Nhựa Chợ Lớn đưa hàng đi bán ở thị trường Campuchia “đụng độ” các đối thủ Thái Lan, Trung Quốc. “Hàng tốt, mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn nên chúng tôi không hề “thua chị kém em” với ai”, ông nói. Ông cho biết, một số doanh nghiệp (DN) ngành nhựa khác cũng bán hàng sang các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan… và đứng được trên thị trường khi chuyên tâm vào một số mặt hàng có thế mạnh vượt trội của mình.
Nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh của thị trường nhựa nội. Thị trường chung ASEAN đang là thách thức với rất nhiều DN khi các nước trong khu vực đang có những DN nhựa mạnh. Đặc biệt, họ đi nhanh hơn VN rất nhiều trong xu hướng sản xuất các đồ nhựa từ vật liệu thân thiện với môi trường, nhựa sinh thái. Với sự nhạy bén này, ngành nhựa trong nước không chỉ bị cạnh tranh tại sân nhà mà tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của VN là châu Âu, Nhật Bản, Úc, chúng ta cũng bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nước láng giềng là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, xét về góc độ cạnh tranh, trong khi các nước này đều có thể chủ động về nguyên liệu, DN nhựa Việt bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 10 – 20% nhu cầu, 80 – 90% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Lao động Việt chăm chỉ, nhạy bén; song đa số DN Việt ngành nhựa đang bán sản phẩm thông qua lao động giá rẻ và một số sản phẩm mà một số nước không làm nữa.
Theo đó, nhiều DN lại đang “cày sâu cuốc bẫm” trên phân khúc thấp, giá trị gia tăng không cao và nhu cầu trên thế giới cũng không cao. Chẳng hạn, nếu như sản phẩm kỹ thuật được bán với giá 3.000 – 5.000 USD/tấn, thì hàng phân khúc thấp bán giá 2.000 USD/tấn. “Những sản phẩm tương tự như túi này có giá trị gia tăng thấp vì làm từ nhựa tái chế, nhưng nhu cầu thị trường cao, DN vẫn có lợi nhuận lớn thì vẫn khai thác phân khúc mạnh mẽ. Theo tôi, đứng đầu trong phân khúc mình khai thác cũng là một cách giữ thị phần, giữ thị trường và tạo dựng tên tuổi”, ông Việt Anh phân tích.
Chưa đến 2% đầu tư công nghệ
Nhưng ông Trần Việt Anh cũng thừa nhận ngành nhựa sẽ phải theo xu hướng hiện đại hóa, bắt kịp những sản phẩm công nghệ cao, kỹ thuật cao để thúc đẩy ngành đi lên, với những cú hích mạnh về đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực tài chính. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có chưa đến 2% trên tổng số 1.500 DN ngành nhựa đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại. Ông Võ Văn Đức Bảy cũng cho hay, công nghệ ngành nhựa VN còn chậm hơn một bước so với nhiều nước lân cận. “Nếu không củng cố, cải tiến, đầu tư trang thiết bị phù hợp, tự thân cứu mình, thì ngành nhựa có thể thua trên sân nhà”, ông nói.
Theo ông Việt Anh, có 2 lý do chính khiến nhiều DN chưa mặn mà đầu tư công nghệ. Thứ nhất, thị trường Việt vẫn có nhu cầu với những sản phẩm mẫu mã hiện tại với giá cả phù hợp. Thứ hai là chưa có thị trường tiêu thụ những sản phẩm công nghệ cao đủ lớn. Chẳng hạn, nhiều DN cũng tìm hiểu đầu tư công nghệ sinh học nhưng chỉ một số rất ít DN áp dụng, bởi nhu cầu tại VN không lớn, giá lại quá đắt đỏ. “Một DN bạn chuyên cung cấp túi cho Samsung được khuyên là không nên đầu tư nhiều hơn nữa. Bởi những sản phẩm này đã có những DN vừa và nhỏ ở Hàn Quốc cung cấp rồi”, ông kể. Chính vì vậy, để giữ sự ổn định, DN này chỉ đưa một nhà máy sản xuất cung ứng cho Samsung, 2 – 3 nhà máy còn lại sản xuất sản phẩm khác. Sản phẩm công nghệ cao thì liên tục thay đổi, DN phải giữ thế kiềng 3 – 4 chân để có thể ổn định.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, do sản phẩm của VN đứng ở phân khúc thấp, nên các DN ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. “Yếu điểm lớn của ngành nhựa VN là công nghệ sản xuất lạc hậu, điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt trên thị trường”, ông phân tích. Đồng thời, DN nhựa sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức, nhất là khi vào năm 2016, hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ.
Ông cũng cảnh báo rằng ngành nhựa hiện nay đã định hình khá rõ khi sự chi phối thị trường ngành nhựa đang rơi vào tập đoàn nước ngoài. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Tập đoàn SCG (Thái Lan) thông qua các công ty con lần lượt thâu tóm hoặc trở thành cổ đông lớn tại nhiều công ty nhựa hàng đầu VN. Các công ty này đều là nhà cung cấp chủ lực trên thị trường trong lĩnh vực xây dựng, bao bì và sản phẩm tiêu dùng gia dụng. Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã có trình độ sản xuất cao hơn, hướng đến việc sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường… “Một trong những lý do để ngành nhựa của VN lọt vào “mắt xanh” của các tập đoàn nước ngoài là do mức tăng trưởng bình quân 20 – 25%/năm. Nếu các DN không đầu tư thay đổi trang thiết bị, công nghệ thì thị trường sẽ rơi phần lớn vào tay nước ngoài”, ông nói.

 

Hồng Sương